Sự kiện hot
3 năm trước

Bản tin nông sản 9/7: Giảm áp lực xuất khẩu khi nông sản đến vụ

Nâng cao khả năng cạnh tranh sản phẩm nông lâm thuỷ sản; Cánh cửa mới cho nông sản địa phương ra thị trường quốc tế; Doanh nghiệp bán lẻ nỗ lực bình ổn trong ‘bão giá’... sẽ là những thông tin đáng chú trong bản tin hôm nay.

Nâng cao khả năng cạnh tranh sản phẩm nông lâm thuỷ sản

UBND tỉnh Đồng Tháp vừa ban hành kế hoạch Triển khai thực hiện Đề án “Đảm bảo an toàn thực phẩm, nâng cao chất lượng nông lâm thủy sản (NLTS) giai đoạn 2021 - 2030” trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp với mục tiêu góp phần bảo vệ sức khỏe và quyền lợi của nhân dân; nâng cao chất lượng, giá trị và khả năng cạnh tranh của sản phẩm NLTS của tỉnh tại thị trường trong nước và quốc tế.

Chìa khóa' tăng khả năng cạnh tranh cho nông lâm thủy sản Việt

Trong giai đoạn năm 2021-2025, tỉnh đề ra mục tiêu phấn đấu diện tích trồng trọt, nuôi thuỷ sản, số cơ sở chăn nuôi được chứng nhận thực hành nông nghiệp tốt (GAP) tăng 10%/năm; 100% cơ sản xuất, kinh doanh NLTS được chứng nhận đủ điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm hoặc ký cam kết tuân thủ quy định an toàn thực phẩm; tỷ lệ cơ sở sơ chế, chế biến thực phẩm nông lâm sản và thuỷ sản được chứng nhận HACCP, ISO 2200 (hoặc tương đương) tăng tương ứng 10%/năm và 15%/năm; tỷ lệ sản phẩm chế biến sâu (làm sẵn, ăn liền) tăng 10%/năm.

Bên cạnh đó, tỷ lệ mẫu thực phẩm NLTS được giám sát vi phạm các quy định an toàn thực phẩm giảm 10%/năm; tỷ lệ tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về chất lượng an toàn thực phẩm NLTS tương đương tiêu chuẩn quốc tế đạt 80%...

Trong giai đoạn năm 2026 – 2030, tỉnh phấn đấu diện tích trồng trọt, diện tích nuôi thuỷ sản, số cơ sở chăn nuôi được chứng nhận thực hành nông nghiệp tốt (như VietGAP hoặc tương đương) tăng 15%/năm; duy trì 100% cơ sản xuất, kinh doanh NLTS được chứng nhận đủ điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm hoặc ký cam kết tuân thủ quy định an toàn thực phẩm; tỷ lệ cơ sở sơ chế, chế biến thực phẩm nông lâm sản và thuỷ sản được chứng nhận HACCP, ISO 2200 (hoặc tương đương) tăng tương ứng 15%/năm và 20%/năm; tỷ lệ sản phẩm chế biến sâu (làm sẵn, ăn liền) tăng 15%/năm.

Giảm áp lực xuất khẩu khi nông sản đến vụ

Câu chuyện ùn ứ hàng hóa tại cửa khẩu có lẽ chưa thể giải quyết triệt để khi Trung Quốc vẫn theo đuổi chính sách "Không COVID-19".

Giảm áp lực xuất khẩu khi nông sản đến vụ - Đọc Báo Mobile

Vì vậy, để tránh tình trạng phải hỗ trợ tiêu thụ nông sản khi đến vụ, nhiều giải pháp đã được áp dụng như kết nối tiêu thụ, đưa nông sản lên sàn... Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng nông sản cần được chế biến sâu để gia tăng giá thành sản phẩm cũng như xuất khẩu theo chính ngạch để giảm áp lực và đảm bảo tính bền vững.

Những tháng đầu năm 2022, các địa phương như Bắc Giang, Sơn La, Hưng Yên, Bắc Kạn, Bình Định, Cần Thơ… đã ban hành kế hoạch, triển khai kết nối xúc tiến tiêu thụ nông sản trên sàn thương mại điện tử lớn tại Việt Nam.

Không chỉ đẩy mạnh được tiêu thụ hàng hóa trong nước, nhiều đơn vị, doanh nghiệp, hợp tác xã còn đẩy mạnh bán hàng xuyên biên giới nhờ sàn thương mại điện tử.

Nhiều năm tham gia xuất khẩu mặt hàng nông sản trên sàn Alibaba.com, bà Trần Thị Yến Phi, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ DSW nhận định, nhu cầu tiêu thụ các mặt hàng nông sản, thực phẩm, đồ uống trên sàn này đang tăng cao ở khắp các quốc gia trên thế giới.

Theo ước tính doanh thu nửa đầu năm 2022 đã tăng gấp ba lần so với cùng kỳ năm ngoái. Các sản phẩm như xoài, thanh long, sầu riêng, chanh tươi… của Việt Nam đang được thị trường các nước châu Á đón nhận tích cực, không chỉ về giá thành mà còn về số lượng, chất lượng sản phẩm. 

Do đó, việc tham gia kinh doanh trên sàn thương mại điện tử xuyên biên giới đã giúp Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ DSW nâng doanh thu xuất khẩu, từ 3.000 USD cho đơn đặt hàng đầu tiên lên 260.000 USD chỉ trong một năm sau đó.

Cánh cửa mới cho nông sản địa phương ra thị trường quốc tế

Nhãn hiệu cho nông sản thời hội nhập

Thời gian qua, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên cùng với các phương thức xúc tiến thương mại truyền thống như tổ chức hội chợ, chương trình giới thiệu, quảng bá sản phẩm, ngành nông nghiệp và cơ quan chức năng, địa phương trong tỉnh triển khai thêm nhiều phương thức xúc tiến thương mại trên nền tảng công nghệ như: hỗ trợ ứng dụng thương mại điện tử cho các doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa; kết nối doanh nghiệp với hệ thống tham tán thương mại và đối tác trên các nền tảng internet; từng bước xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về doanh nghiệp, HTX sản xuất nông sản cung cấp cho các đối tác tiềm năng… bước đầu mang lại kết quả đáng ghi nhận.

Tuy nhiên, việc kết nối, tiêu thụ các vùng sản phẩm nông nghiệp, nhất là liên kết sản xuất theo tiêu chuẩn của doanh nghiệp xuất khẩu vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, bởi nông nghiệp trong tỉnh nói riêng cũng như trên bình diện cả nước vẫn đang sản xuất theo quy mô nông hộ nhỏ lẻ, chưa có nhiều vùng hàng hóa chuyên canh lớn, có thể truy xuất nguồn gốc; công nghiệp bảo quản, chế biến sau thu hoạch chưa được đầu tư đúng mức; liên kết giữa người nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp theo chuỗi giá trị còn lỏng lẻo…Do vậy, để đưa sản phẩm nông nghiệp vào các thị trường lớn có giá trị cao cần có hệ thống giải pháp đồng bộ cho cả những vấn đề trước mắt và lâu dài.

Để có được nền nông nghiệp phát triển bền vững, ngoài việc người nông dân cần đổi mới tư duy sản xuất, nâng cao giá trị, hiệu quả của các mặt hàng đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường trong nước cũng như thế giới thì việc tăng cường giải pháp xúc tiến thương mại, kết nối giao thương là vô cùng cần thiết. Trong đó, các cơ quan chức năng cần đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại theo hình thức truyền thống như: tổ chức hội chợ, chương trình quảng bá giới thiệu sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm làng nghề; tăng cường kiểm tra hàng mẫu, vùng sản xuất…

Tiếp tục xây dựng nền tảng công nghệ thông tin ứng dụng toàn diện cho phép các nhà sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp tìm kiếm thông tin về hội chợ, hội thảo, chương trình, sự kiện cũng như các đối tác có liên quan đến mỗi ngành hàng nông sản; kết nối các nhà xuất khẩu trong nước với đối tác nhập khẩu nước ngoài…

Mặt khác, các địa phương cần tăng cường các giải pháp thúc đẩy thương mại điện tử, phát triển các hình thức bán hàng trên môi trường mạng, từng bước hội nhập với xu thế thương mại thời đại cách mạng công nghiệp 4.0…; hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp tăng lượng sản phẩm xuất khẩu chính ngạch, gia tăng giá trị nông sản, hướng đến xuất khẩu bền vững, nâng cao thu nhập cho người nông dân.

Kết hợp nhiều hình thức xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, xây dựng thương hiệu…, nông nghiệp nước nhà sẽ mở thêm nhiều “cánh cửa” thị trường; gắn tiêu thụ nông sản với việc phát triển một nền nông nghiệp bền vững, hòa cùng xu thế của thời đại.

Doanh nghiệp bán lẻ nỗ lực bình ổn trong ‘bão giá’

Liên tiếp trong thời gian gần đây, cùng với việc giá xăng liên tục tăng và thiết lập đỉnh mới, giá các mặt hàng lương thực, thực phẩm, hàng tiêu dùng đều tăng đã ảnh hưởng không nhỏ tới các doanh nghiệp và đời sống người dân.

Nỗ lực bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu - Báo Đắk Lắk điện tử

Khảo sát một số chợ dân sinh và chợ truyền thống trên địa bàn Hà Nội cho thấy, giá cả nhiều mặt hàng thiết yếu như; lương thực, thực phẩm, rau củ quả trong thời gian qua đều trong tình trạng tăng theo giá xăng.

Chị Nguyễn Oai (Hoàng Mai, Hà Nội) chia sẻ, hiện tại nhiều loại rau củ, thực phẩm tăng giá từ 10-30% so với tháng trước. Mỗi lần đi chợ, chị cũng cần phải cân đối chi tiêu cho hợp lý bởi thu nhập không tăng mà các loại mặt hàng đều tăng giá. Theo chị Oai, hiện tại một số loại rau, thực phẩm tại chợ còn đắt hơn cả trong siêu thị.

"Các mặt hàng như nước giặt, nước xả, dầu ăn... tôi thường mua trong siêu thị vì hay có chính sách khuyến mại, giảm giá. Tôi vừa mua ba túi nước giặt theo chương trình mua 2 tặng 1 để dùng dần, như vậy cũng góp phần giảm chi phí sinh hoạt", chị Oai cho hay. 

Đến thời điểm hiện tại, nhiều hệ thống siêu thị lớn khẳng định đang đàm phán với nhà cung cấp để giữ giá bình ổn để người tiêu dùng mua hàng hóa với giá tốt nhất có thể... Bên cạnh đó, nhiều đơn vị bán lẻ còn chủ động lên các chương trình khuyến mại, giảm giá một số mặt hàng để kích cầu tiêu dùng.

Tiến Hoàng/KTDU

Từ khóa: