Để sở hữu quỹ đất lớn với hàng loạt dự án khắp cả nước, nhóm TNR Holdings đã tham gia đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư, những doanh nghiệp dự thầu đều có liên quan đến nhau hoặc liên quan đến TNR Holdings và TNG Holdings.
Kết quả là chỉ 1 nhà đầu tư vượt qua vòng sơ tuyển, sau đó chính thức trúng thầu bằng hình thức được chỉ định thầu. Vì vậy, hầu hết các dự án nhóm doanh nghiệp này trúng thầu đều cùng một phương thức là được chỉ định thầu. Trên thực tế, còn nhiều dự án tại nhiều tỉnh, thành khác với quỹ đất lên đến hàng triệu ha đã “về tay” nhóm TNG Holdings theo cách tương tự. Trong đó, gây chú ý nhất là “bộ đôi” TNR Holdings và Hano – Vid…
“Nhân tố” Hano - Vid
Cuối năm 2018, Hano - Vid được UBND tỉnh Quảng Ninh phê duyệt làm chủ đầu tư dự án khu dân cư tại thôn Đạm Thủy, xã Thủy An, thị xã Đông Triều quy mô 9,8ha với tổng chi phí thực hiện hơn 522 tỷ đồng. Trước đó doanh nghiệp cũng trúng dự án đầu tư xây dựng khu dân cư phía tây nhà máy Bia Đông Mai (quy mô 70.466 m2, vốn đầu tư 180 tỷ đồng) tại địa phương này.
Đến tháng 1/2019, tại TP. Bắc Kạn, liên danh TNR Holdings Việt Nam – Hano - Vid đã trúng Dự án Khu dân cư Đức Xuân 4 có diện tích 6,7ha, vốn đầu tư dự kiến 59,42 tỷ đồng.
Tháng 2/2019, Hano-Vid là nhà đầu tư duy nhất vượt qua vòng sơ tuyển tại dự án Khu dân cư tổ 3, phường Nghĩa Phú, thị xã Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông với giá trị 684,1 tỷ đồng.
Tháng 5/2019, UBND tỉnh Cao Bằng đã phê duyệt chỉ định Liên danh TNR Holdings Việt Nam và HANO-VID trúng thầu Dự án phát triển đô thị số 10A, phường Sông Hiến, TP Cao Bằng với quy mô khoảng 18,4ha, tổng chi phí 514 tỷ đồng.
Tháng 2/2020, công ty này cũng được chỉ định thầu dự án Khu dân cư tập trung Tổ dân phố 3, thị trấn Ea Tling, huyện Cư Jút (Đắk Nông) rộng 11,655ha, chi phí dự án là 127 tỷ đồng. Tiếp đó là dự án Khu dân cư tổ 3, phường Nghĩa Phú (Đắk Nông) với quy mô gần 43 ha, tổng vốn đầu tư gần 700 tỷ đồng.
Tháng 6/2020, UBND tỉnh Hà Tĩnh phê duyệt Hano - Vid trúng thầu Dự án Khu dân cư đô thị Bắc Phố Châu 1, huyện Hương Sơn, quy mô 10,8ha, tổng chi phí thực hiện dự án gần 800 tỷ đồng. Cũng thời gian này, HANO - VID trúng thầu theo hình thức chỉ định dự án Khu dân cư 5A – 7B, thị trấn Than Uyên, huyện Than Uyên, quy mô 50ha, chi phí thực hiện 1.200 tỷ đồng.
Cũng trong năm 2020, Hano - Vid tiếp tục được lựa chọn làm nhà đầu tư tại nhiều tỉnh thành như: dự án Khu dân cư đô thị ven sông Hội, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh (21ha, tổng mức đầu tư 898 tỷ đồng); dự án đầu tư khu dân cư tại quỹ đất giáp mặt đường Âu Cơ, TP. Yên Bái (quy mô 4,33 ha, tổng vốn đầu tư hơn 247 tỷ đồng); Khu dân cư tổ 6, tổ 7 phường Đậu Liêu, thị xã Hồng Lĩnh, tỉnh Hà Tĩnh (diện tích đất 8ha, tổng chi phí thực hiện gần 324 tỷ đồng).
Sang năm 2021, Hano – Vid vẫn không ngừng mở rộng quỹ đất về các tỉnh, cuối tháng 1/2021, UBND tỉnh Bình Định đã có quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư dự án khu đô thị Long Vân 2 cho liên danh Hano-vid và hạ tầng Nam Quang là nhà đầu tư. Tổng mức đầu tư của dự án khoảng 2.456 tỷ đồng, trong đó vốn góp thực hiện hơn 491 tỷ đồng.
Cũng tại địa phương này, Hano-Vid trước đó đã trúng thầu Khu đô thị mới Cẩm Văn, phường Nhơn Hưng, thị xã An Nhơn. Dự án có quy mô hơn 42 ha; tổng vốn đầu tư gần 872 tỷ đồng.
Đến tháng 7/2021, liên danh Hano-Vid Bất động sản Mỹ và hạ tầng Nam Quang cũng được UBND tỉnh Bình Định chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư dự án khu đô thị Trà Quang Nam, thị trấn Phù Mỹ, huyện Phù Mỹ. Tổng mức đầu tư dự án là 1.457 tỷ đồng…
Tháng 9/2021, thêm một dự án tại Hậu Giang về tay Hano – Vid. Cụ thể, UBND tỉnh Hậu Giang đã có quyết định chấp thuận cho Hano-Vid làm nhà đầu tư thực hiện dự án Khu đô thị mới thị xã Long Mỹ 2 tại khu vực 4, phường Thuận An, thị xã Long Mỹ có diện tích gần 20 ha.
Dự án bao gồm các hạng mục các hạng mục như: Nhà ở liền kề, nhà ở liền kề kết hợp thương mại, biệt thự, đất thương mại dịch vụ, trường mẫu giáo, công viên,... với tổng vốn đầu tư gần 266 tỷ đồng. Trong đó, vốn góp của nhà đầu tư là 55 tỷ đồng và vốn huy động gần 211 tỷ đồng.
Theo tìm hiểu, Hanovid được thành lập năm 2010. Đến năm 2016, vốn điều lệ của HANO-VID là 320 tỷ đồng, trong đó TNI Holdings chiếm tới trên 99% cổ phần. Trong khi đó, TNI Holdings là một thành viên của TNG Holdings.
Hiện, Hano – Vid vẫn không ngừng đề xuất đầu tư, lập liên danh tham gia đấu thầu các dự án để mở rộng quỹ đất.
Những “người đồng hành” trong “cuộc đua” mở rộng quỹ đất
Ngoài ra, đồng hành cùng nhóm doanh nghiệp TNR Holdings trong công cuộc mở rộng quỹ đất còn có những cái tên quen thuộc như CTCP May – Diêm Sài Gòn, CTCP Bất động sản Mỹ, Địa ốc Việt Hân…
Trong đó, May – Diêm Sài Gòn không còn là cái tên xa lạ trên thị trường BĐS khi doanh nghiệp này liên tiếp trúng thầu nhiều dự án trong hơn một năm trở lại đây. Đơn cử, tháng 5/2020, SMG được UBND tỉnh Hòa Bình phê duyệt làm nhà đầu tư dự án Khu dân cư núi Đầu Rồng tại huyện Cao Phong. Dự án này đầu tư có diện tích 9,9 ha và tổng chi phí thực hiện 394,9 tỉ đồng. Trước đó, Sở Xây dựng tỉnh Hòa Bình (bên mời thầu) công bố May - Diêm Sài Gòn là nhà đầu tư duy nhất trúng sơ tuyển dự án.
Tháng 7/2020, liên danh Bất động sản Mỹ và May - Diêm Sài Gòn trúng thầu dự án Khu đô thị mới Bảo Hà tại huyện Bảo Yên (tỉnh Lào Cai). Dự án có diện tích 42 ha, tổng vốn đầu tư 708 tỉ đồng (trong đó chi phí xây dựng hạ tầng kĩ thuật và chi phí khác hơn 498 tỉ đồng, chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng hơn 210 tỉ đồng.
Đại diện UBND huyện Bảo Yên và nhà đầu tư ký kết hợp đồng đầu tư dự án Khu đô thị mới Bảo Hà. Ảnh: Laocaitv
Tại Hà Tĩnh, May - Diêm Sài Gòn cũng trúng thầu dự án Khu nhà ở dịch vụ thương mại thị trấn Đức Thọ, huyện Đức Thọ. Dự án có tổng diện tích 11,71 ha, tổng mức đầu tư 1.182 tỉ đồng (chưa bao gồm chi phí giải phóng mặt bằng và tiền sử dụng đất).
Trước đó, tháng 3/2019, UBND tỉnh Lạng Sơn đã phê duyệt kết quả sơ tuyển nhà đầu tư thực hiện dự án Khu đô thị phía Đông, thị trấn Đồng Mỏ, huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn. Dự án có tổng chi phí thực hiện lên tới trên 1.713 tỉ đồng, diện tích đất sử dụng 48,1 ha. May - Diêm Sài Gòn cũng là cái tên duy nhất được gọi.
Tháng 8/2019, May – Diêm Sài Gòn đã được UBND tỉnh Thanh Hóa phê duyệt kết quả lựa chọn là nhà đầu tư thực hiện tại dự án Khu dân cư Nam Cổ Đam, phường Lam Sơn, thị xã Bỉm Sơn với tư cách là nhà đầu tư duy nhất trong danh sách ngắn.
Dự án có tổng chi phí thực hiện hơn 524 tỉ đồng (đã bao gồm giải phóng mặt bằng), diện tích sử dụng đất khoảng 26,8 ha. UBND thị xã Bỉm Sơn là cơ quan lập qui hoạch chi tiết 1/500 và là bên mời thầu dự án.
Cũng trong tháng 8/2019, doanh nghiệp này đã được UBND tỉnh Gia Lai chấp thuận làm chủ đầu tư dự án Khu dân cư mới (nằm trong khu hành chính huyện, kết hợp khu dân cư thị trấn Đak Đoa, huyện Đak Đoa). Dự án có qui mô 18 ha, tổng mức đầu tư gần 165 tỉ đồng.
Tại Thanh Hoá, doanh nghiệp trúng thầu dự án Khu dân cư Nam Cổ Đam (TNR Stars Bỉm Sơn – Thanh Hóa) tại thị xã Bỉm Sơn, tỉnh Thanh Hoá.
Phối cảnh dự án TNR Stars Bỉm Sơn – Thanh Hóa.
Tháng 6/2021, May – Diêm Sài Gòn cũng được UBND tỉnh Phú Thọ lựa chọn là nhà đầu tư hai khu nhà ở đô thị với tổng vốn đầu tư hơn 2.000 tỷ đồng. Dự án thứ nhất là Khu nhà ở đô thị Hà Lộc quy mô hơn 17 ha, tổng vốn đầu tư hơn 831 tỷ đồng. Dự án thứ hai là Khu nhà ở đô thị Thanh Sơn quy mô hơn 23 ha, tổng vốn đầu tư gần 1.192 tỷ đồng.
Tương tự, CTCP Bất động sản Mỹ cũng trúng thầu loạt dự án như: Khu đô thị mới Cường Thịnh (Lào Cai); dự án nhà ở thương mại (Thái Bình); Khu dân cư đô thị Cánh Buồm (Hà Tĩnh); Khu đô thị Đông Mỹ (Thái Bình); Khu nhà ở đô thị Phong Châu (Phú Thọ); Khu dân cư phường Bảo Vinh (Đồng Nai); Khu đô thị mới Bảo Hà (42 ha, Lào Cai).
Không dừng lại ở đó, hiện nhóm doanh nghiệp này vẫn đang đề xuất hàng loạt dự án khắp các tỉnh như Nghệ An, Thanh Hoá, Thái Bình, Quảng Nam,… với quy mô vốn đầu tư từ vài trăn tỷ lên đến vài nghìn tỷ đồng.
TNG Holdings và Maritime Bank có vai trò gì?
TNR Holdings là công ty thành viên của Tập đoàn Đầu tư TNG (TNG Holdings) do bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường làm Chủ tịch HĐQT. “Nhóm Holdings” được đề cập bao gồm các công ty con, các đơn vị có quan hệ mật thiết, liên quan đến doanh nghiệp này và “hệ sinh thái” TNG Holdings như: Hano – Vid, TNI Holdings, Địa ốc Việt Hân, May – Diêm Sài Gòn, Bất động sản Mỹ, Hạ tầng Nam Quang…
Vì vậy, đằng sau những thương vụ “gom đất” của những doanh nghiệp này là “bóng dáng” ông lớn TNG Holdings. Đáng chú ý, nhóm doanh nghiệp này còn có mối liên hệ hợp tác mật thiết và thường xuyên được tài trợ vốn từ Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (Maritime Bank – Mã CK: MSB). Nhà băng này do ông Trần Anh Tuấn làm Chủ tịch HĐQT. Ông Tuấn cũng chính là chồng bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường.
Theo thông tin từ Cục Đăng ký quốc gia về giao dịch bảo đảm (Bộ Tư pháp), Maritime Bank nắm quyền khai thác, quyền chuyển nhượng, quyền cho thuê mượn, quyền đòi nợ… đối với nhiều tài sản tại hàng loạt dự án do TNR Holdings, Hano – Vid, TNI Holdings, Địa ốc Việt Hân, May – Diêm Sài Gòn, Bất động sản Mỹ, Hạ tầng Nam Quang… làm chủ đầu tư.
Những doanh nghiệp này thường xuyên thế chấp tài sản, dự án, các lô đất, cổ phần… tại ngân hàng Maritime Bank.
Đơn cử tại dự án The Goldview của May – Diêm Sài Gòn, Maritime Bank nắm quyền khai thác, quyền chuyển nhượng, quyền cho thuê mượn, quyền đòi nợ… đối với nhiều tài sản là các căn hộ chưa bán và tầng hầm dự án.
Dự án TNR The GoldView (Quận 4, TP.HCM) do Công ty CP May - Diêm Sài Gòn là chủ đầu tư.
Tương tự, hàng loạt dự án bất động sản mang thương hiệu TNR của nhóm doanh nghiệp trên như: TNR Stars Kiến Tường, TNR Star Bỉm Sơn, TNR Stars Lam Sơn Thọ Xuân TNR Stars Hồng Lĩnh, TNR Stars Đắk Đoa, TNR Amaluna Trà Vinh, TNR Stars Chợ Mới, TNR Stars Đông Mai Quảng Yên, TNR Star Gành Hào… cũng được thế chấp tại MSB.
Nhiều dự án nhóm doanh nghiệp này trúng thầu luôn có “bóng dáng” của TNG Holdings như TNG Holdings là nhà đầu tư lập bản đồ không gian kiến trúc cảnh quan cho dự án Khu nhà ở dịch vụ thương mại thị trấn Đức Thọ, huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh).
Trước đó, TNG Holdings cũng từng là nhà đầu tư lập qui hoạch chi tiết 1/500 cho dự án Khu đô thị phía Đông (Đồng Mỏ, Chi Lăng, Lạng Sơn) mà May – Diêm Sài Gòn làm chủ đầu tư. Được biết, để đáp ứng yêu cầu về năng lực đối với dự án này, ngoài việc chứng minh thu xếp được vốn chủ sở hữu 450 tỉ đồng, May – Diêm Sài Gòn còn có cam kết cấp tín dụng của Maritime Bank đối với phần vốn còn lại, giá trị 1.371 tỉ đồng.
Tài sản đảm bảo cho cam kết tài trợ vốn là các khoản lợi thu được từ việc kinh doanh khai thác giá trị quyền sử dụng đất hoặc tài sản gắn liền với đất từ dự án Khu đô thị mới phía Đông thị trấn Đồng Mỏ, huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn.
Ngoài ra, CTCP Bất động sản Mỹ (tiền thân là CTCP Bất động sản Mùa Đông) trước đây do bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường làm Chủ tịch HĐQT. Doanh nghiệp này cũng chính là chủ đầu tư dự án chung cư TNR Gold Season tại 47 Nguyễn Tuân (Hà Nội). Đây là dự án do TNR Holdings quản lí và phát triển…
Xem thêm:
TNR Holdings vay 1.500 tỷ đồng trái phiếu không tài sản đảm bảo
Thanh Hóa: Thị xã Bỉm Sơn ra thông tin cảnh báo về dự án TNR Stars Bỉm Sơn
Cách thương hiệu TNR Holdings huy động nguồn vốn cho các dự án bất động sản
Hạ Lam
Theo KTĐU