Với thực đơn ăn dặm truyền thống gồm những món cháo kết hợp đủ vị, giàu dinh dưỡng, bé Milo luôn hào hứng mỗi khi được mẹ cho ăn và tăng cân đều.
Chị Ánh Ngọc (22 tuổi, Hai Bà Trưng, Hà Nội) quan niệm, ăn dặm không phải là để nhồi dưỡng chất cho con mà mục đích ăn là để tập, những bữa ăn phải là khóa học đầu tiên của con về thế giới và làm quen vận động: tập bốc, tập nhai, tập cảm nhận hương vị và màu sắc...
Chị cho rằng, quá trình ăn dặm của con sẽ thành công khi con không khóc vì bị ép ăn và mẹ không khóc vì con bỏ bữa. Muốn vậy, mẹ phải luôn tìm cách thay đổi thực đơn và làm ra những món có giá trị dinh dưỡng cân đối, hấp dẫn, phù hợp độ tuổi để con hào hứng với bữa ăn.
Chị Ánh Ngọc luôn tôn trọng con trong quá trình ăn dặm.
Làm mẹ là một quá trình "không thực tập", không thể nào thiếu những sai sót nhưng không có nghĩa là không thể nào khắc phục những sai lầm. Chị Ngọc tin rằng, với sự điều chỉnh đúng đắn và dũng cảm, chị và con sẽ “tốt nghiệp” khóa học ăn dặm an toàn và hạnh phúc.
Bé Phạm Gia Khánh là con trai đầu lòng của chị, tên thường gọi ở nhà là Milo. Milo ăn dặm khi bé hơn 5 tháng và có 2 chiếc răng đầu tiên. Hiện bé 10 tháng rưỡi và nặng 10,5kg, cao 75cm.
Bé Milo hồi 5 tháng 15 ngày tuổi.
Cùng trò chuyện với chị Ngọc để hiểu hơn về quá trình ăn dặm của bé Milo.
- Chào chị, Milo được mẹ cho ăn dặm theo phương pháp nào? Và chị đã chuẩn bị những gì?
Chào bạn, bé nhà mình ngay từ khi bé đã trộm vía rất háu ăn sữa, đến khi bé 4 tháng đã biết đòi đồ ăn của người lớn và có biểu hiện há miệng khi được đưa đồ ăn lại gần miệng. Tuy nhiên, qua tìm hiểu mình biết không nên cho con ăn dặm sớm vì có nhiều tác hại nên khi bé được hơn 5 tháng và có 2 chiếc răng đầu tiên thì mình tập ăn dặm cho bé.
Mình tìm hiểu kiến thức về ăn dặm cho con, đọc sách, sưu tầm các món ăn cho con từ khi con mới 2 tháng, mình muốn trang bị thật kĩ kiến thức để con có một quá trình ăn dặm suôn sẻ. Sau khi tìm hiểu các phương pháp ăn dặm, vì điều kiện sức khỏe của bản thân nên mình chọn phương pháp ăn dặm truyền thống để thực hành cùng con.
Mình chuẩn bị dụng cụ phục vụ cho quá trình ăn của con như: ghế ăn, bát đĩa, thìa, cốc... Và dụng cụ chế biến đồ ăn của mẹ: xoong nồi, rây lọc, máy xay... Mình chú trọng đến vấn đề hiệu quả làm sao để nấu cho bé được một bữa đảm bảo vệ sinh, chất lượng đồ ăn và thời gian chế biến nhanh nhất. Mình luôn tâm niệm một điều là sẽ chế biến đồ ăn cho bé từ những thực phẩm tươi sống, nấu bữa nào mua bữa đấy để đảm bảo vệ sinh và độ tươi ngon.
- Quá trình ăn dặm của bé diễn ra thế nào?
Khi bắt đầu thực hành mình gặp rất nhiều khó khăn trong cách chế biến, tuy nhiên tự mình rút được kinh nghiệm để những hôm sau làm được nhanh hơn, chính xác hơn. Mình tập cho bé ăn những món đầu tiên là hoa quả nghiền trộn sữa công thức. Trộm vía bé rất hào hứng và hợp tác với mẹ. Nhiều hôm bé ăn hết phần đồ ăn của mẹ mà vẫn khóc đòi ăn thêm, tuy nhiên mình vẫn cho con ăn với số lượng ít để con quen dần. Sau đó mình tập cho con ăn cháo cùng các loại rau củ và khi bé được gần 7 tháng mình cho bé tập ăn thịt cá. Bé luôn tỏ ra rất hào hứng với các món của mẹ nên mình rất vui vẻ để nấu nướng cho con.
Mình cho con ăn đa dạng các loại thực phẩm để con được nếm nhiều mùi vị khác nhau, mình không suy nghĩ quá khắt khe hay sợ con không thể ăn được một món nào đó. Tuy nhiên, nhiều hôm bé không thích ăn, mình không ép buộc mà cho con dừng luôn bữa đó. Mình cho con ăn tùy theo sở thích và khả năng nên từ khi bé tập ăn dặm đến hiện tại bé được hơn 10 tháng thì bé không có bất kỳ sự khó chịu nào.
Bé Milo nhà mình cũng có những lúc không hứng ăn, không hợp tác nhưng sau vài ngày để ý biểu hiện của bé khi ăn mình nhận ra rằng bé không còn thích đồ ăn với độ thô như vậy nữa nên mình quyết định tăng độ thô cho con và con lại hợp tác tốt với mẹ. Khi mới tăng độ thô có thể bé sẽ gặp đôi chút khó khăn vì chưa quen, khi đó mẹ phải thật sự bình tĩnh để xem xét biểu hiện của con và có các biện pháp xử lý, vì con có thể nôn trớ. Sau vài hôm tập bé sẽ quen và không còn ọe hay nôn trớ nữa. Hiện giờ bé nhà mình đang ăn cháo nguyên hạt và đồ ăn băm nhỏ và rất ít khi bị nôn ọe.
- Ăn dặm theo phương pháp truyền thống, cháo và thức ăn nấu chung với nhau, làm sao chị đoán biết được con thích hay không thích ăn món gì?
Để nhận biết bé thích hay không thích một món nào đó thì mình quan sát rất kĩ thái độ của con. Nếu bé thích bé sẽ chăm chú ăn há miệng rất nhanh, có khi còn há trước cả mẹ đút và bữa ăn đó diễn ra nhanh chóng. Còn với những món bé không thích lắm bé vẫn ăn nhưng xao nhãng hơn, bé hay quay đi khi mẹ đưa đồ ăn đến hoặc bé sẽ nhăn mặt.
Mỗi món bé thích hoặc không thích mình đều sẽ đánh dấu lại để tiện nấu các món theo sở thích của con. Thêm nữa là mình có thể đổi món cho con để con không bị chán. Ví dụ, mình tự làm bún tươi, bánh giò, hay các loại gia vị tự nhiên để thêm vào đồ ăn kích thích vị giác cho bé. Ngoài ra mình còn làm các món ăn vặt cho con để ngoài các bữa chính, con sẽ có các bữa phụ ngon miệng mà vẫn bổ sung được đầy đủ dưỡng chất.
- Chị thấy khó khăn nhất mình gặp phải trong quá trình cùng con ăn dặm là gì?
Mình thấy khó nhất chính là việc lên thực đơn cho con để sao vừa đủ chất, vừa hấp dẫn và không trùng lặp để bé không chán. Vậy nên mình luôn cố gắng lên thực đơn một tuần không bị trùng lặp các món để kích thích vị giác của con.
Thêm nữa là khi mình có thắc mắc điều gì thì mình phải tự cân nhắc để tìm giải pháp đúng đắn khi có quá nhiều ý kiến trái chiều. Mình vẫn đang không ngừng tìm tòi tài liệu, sách vở, và kiến thức thực tế từ các mẹ khác để hoàn thiện kiến thức cho bản thân hơn vì tự mình thấy còn nhiều thiếu sót.
Một khó khăn nữa chính là việc phải giữ vững lập trường khi xung quanh rất nhiều ý kiến phản đối như: tại sao không cho gia vị vào đồ ăn của con, sao lại cho ăn những món này dễ gây dị ứng, cho con mút một chút đồ ăn của người lớn trong khi ngồi ăn cùng cũng có sao... Khi đó mình chỉ giải thích những mặt lợi và hại của vấn đề đó và làm theo đúng kiến thức để không ảnh hưởng đến sức khỏe của con.
Khi tìm hiểu các tài liệu hướng dẫn ăn dặm cho bé, mình thấy rất nhiều tài liệu khẳng định rằng không cần thiết phải nêm bất cứ loại gia vị nào vào thức ăn của bé ví dụ như: muối, đường, mì chính, nước mắm... Bản thân mình hiểu được tác hại của việc nêm nếm gia vị vào đồ ăn của bé nên không nêm gì. Tuy nhiên mình không được tất cả mọi người ủng hộ việc đó nên mình đã nghĩ ra các loại gia vị tự nhiên an toàn cho bé để vừa làm tăng độ thơm ngon, đậm đà cho các món của bé lại vừa làm vui lòng mọi người xung quanh. Mình đã tự tay làm các loại gia vị tự nhiên cho con như: hạt nêm từ tép, hạt nêm sá sùng...
- Hạt nêm từ sá sùng là món còn khá mới mẻ, chị có thể chia sẻ cách làm được không?
Đối với nhiều người, con sá sùng nghe còn khá lạ tai nên mình sẽ chia sẻ thêm về loại hạt nêm này cho mọi người hiểu rõ nhé.
Sá sùng là động vật thuộc ngành giun đốt chỉ sống ở những bãi cát ven biển nơi thủy triều lên, xuống tạo ra những doi cát. Chúng có hình dạng na ná như một con giun khổng lồ đầy màu sắc, trong những hang đá, khe cát ở tận dưới đáy biển sâu từ 10 - 30m. Theo kết quả nghiên cứu của Trường Đại học Khoa học tự nhiên TP. Hồ Chí Minh cho thấy, sá sùng là loại giàu dinh dưỡng với lượng đạm khá cao, chứa nhiều acid amin quý và nhiều khoáng chất, cụ thể có tới 17 nguyên tố khoáng và 18 loại acid amin với 8 loại không thể thay thế phải dung nạp từ thực phẩm... Đặc biệt là trong sá sùng khô có chứa acid amin tự do 10,3%, trong đó acid amin có vị ngọt như glycin 3,2%, alanin 2,5%, glutamin 0,25%, succinic 0,35%... là chất tạo nên hương vị thơm ngọt của loài hải sản này (Nguồn sưu tầm).
Chính vì giá trị dinh dưỡng của sá sùng rất cao và mùi vị ngon ngọt của nó mà nhiều người chọn nó làm loại gia vị để làm cho các món ăn thêm phần thơm ngon. Mình có lợi thế xuất thân từ vùng biển Quảng Ninh nơi có sá sùng ngon nổi tiếng nhất cả nước nên mình dễ dàng mua được sá sùng khô đảm bảo tươi ngon để vừa làm đồ ăn cho gia đình vừa chế biến hạt nêm cho con.
Cách chế biến hạt nêm sá sùng cũng rất đơn giản: Đầu tiên chúng ta phải chọn những con sá sùng khô to đều, màu tươi sáng, mình dày, thân ngắn vì đây là những con sá sùng ngon. Sau đó bẻ phần râu nhỏ của sá sùng đi và vò thật kĩ để sá sùng khô rơi bớt cát, tránh để hạt nêm khi làm ra có cảm giác lạo xạo, khó ăn. Cho chỗ sá sùng khô vào chảo rang nhỏ lửa và đảo thật đều tay cho đến khi thấy sá sùng màu vàng đều, khô giòn thì cho vào máy xay lần một. Ở lần xay này nhiều chỗ còn chưa thật sự khô nên khi xay sẽ bị bông sợi nên mình tiếp tục đổ ra chảo rang nhỏ lửa một lúc nữa, bao giờ sờ vào tay cảm thấy thật khô thì cho vào máy xay tiếp lần 2 nữa cho mịn hoàn toàn. Sau đó có thể lọc qua rây rồi để nguội và cất vào lọ dùng dần.
Để bảo quản tốt thì mỗi lần nên làm với số lượng ít và không nên để tủ lạnh gây ẩm hạt nêm. Mỗi lần chế biến, các mẹ có thể cho chút xíu vào nồi cháo của con hoặc nồi canh của gia đình là đã có những món ăn ngon với vị ngọt thơm đặc trưng rồi.
- Chị hài lòng nhất điều gì trong suốt quá trình cùng con ăn dặm vừa qua?
Hiện nay điều mình cảm thấy hài lòng nhất khi tập ăn dặm cho con đó là thái độ vui vẻ hợp tác của con. Mình luôn tự nhủ trong đầu một điều rằng quá trình ăn dặm của con sẽ thành công khi con không phải khóc vì bị mẹ ép ăn và mẹ không khóc vì con bỏ bữa. Mẹ không hề phải buồn phiền hay suy nghĩ quá nhiều. Từ khi ăn dặm con tăng cân đều, ngủ tốt, linh hoạt. Mình luôn quan tâm đến "đầu ra" của con để điều chỉnh thức ăn, bé chưa bị đi ngoài hay táo bón hoặc dị ứng với món nào. Đối với một người làm mẹ như mình thì như vậy đã rất hạnh phúc rồi.
- Cảm ơn chị vì những chia sẻ hữu ích!
Mời các bạn cùng tham khảo thực đơn ăn dặm của bé Milo !
Thanh Nhã - (Ảnh: NVCC)
Theo ĐSPL, Vietnammoi