Thông tin một số dự án căn hộ trên địa bàn Hà Nội chào hàng ở mức 14 triệu đồng/m2 đã thu hút sự quan tâm mạnh mẽ của dư luận. Tuy nhiên, nguy cơ mua nhà trên giấy với giá chênh đã là “gáo nước lạnh” dập tắt sự hào hứng của nhiều khách hàng.
Thông tin một số dự án căn hộ trên địa bàn Hà Nội chào hàng ở mức 14 triệu đồng/m2 đã thu hút sự quan tâm mạnh mẽ của dư luận. Tuy nhiên, nguy cơ mua nhà trên giấy với giá chênh đã là “gáo nước lạnh” dập tắt sự hào hứng của nhiều khách hàng.
Các dự án Phùng Hưng - Hà Đông và Đại Thanh - Thanh Trì (Hà Nội) đang được chủ đầu tư, đơn vị bán hàng chào ở mức giá khoảng 14 triệu đồng/m2. Căn hộ có diện tích nhỏ từ khoảng 40 - 60m2 tính ra, giá trị chỉ vào khoảng 1 tỷ đồng.
Sau khi phóng viên chuyển lên một diễn đàn thông tin muốn tìm mối mua căn hộ loại này, một loạt điện thoại của nhiều người xưng là nhân viên kinh doanh của cả chủ đầu tư và sàn bất động sản mời gặp gỡ, tư vấn. Nhân viên môi giới xưng tên là Minh N. ở sàn giao dịch khu vực Hà Đông tư vấn cho phóng viên căn hộ diện tích khoảng 70m2 của dự án ở Phùng Hưng, Hà Đông vừa được chủ đầu tư tung hàng ra thị trường với mức giá từ 14-16 triệu đồng/m2 (chưa bao gồm VAT). Điều lạ là trong bối cảnh thị trường ảm đạm thế này, mà dự án nhà giá thấp này cũng được người môi giới bán lấy chênh gần 20 triệu đồng/căn.
Tuy nhiên, dự án hấp dẫn này vẫn đang còn là dự án trên giấy, dù nhân viên tư vấn cho biết dự kiến dự án khởi công vào quý 2/2012 và bàn giao cuối 2014. Nhân viên Minh N. không trả lời thẳng vào câu hỏi “Liệu dự án có được triển khai đúng tiến độ và cam kết bàn giao nhà hay không?” của phóng viên, mà chỉ cố gắng thuyết phục rằng giá rẻ và chia làm nhiều đợt thanh toán sẽ phù hợp với túi tiền của người thu nhập trung bình, và nếu khách hàng không mua ngay thì căn hộ sẽ được chuyển cho người khác.
Trong hợp đồng đặt cọc ghi: “Thời hạn đặt cọc là 6 tháng kể từ khi các bên ký kết hợp đồng đặt cọc. Trường hợp thời hạn đặt cọc đã kết thúc mà các bên chưa ký được hợp đồng mua bán căn hộ thì sẽ tự động gia hạn thêm một thời gian là 3 tháng”, như vậy, nếu thỏa thuận dân sự này được xác lập, chủ đầu tư đã có đến 9 tháng sử dụng vốn của khách hàng trước khi ra được hợp đồng mua bán căn hộ.
Phối cảnh Khu đô thị mới Đại Thanh.
Tình trạng này cũng tương tự tâm trạng của nhiều khách hàng phản ánh trên các diễn đàn về gia đình và bất động sản. Thành viên Nguyễn Yến chia sẻ trên diễn đàn “Gia đình trẻ” rằng, mức giá 14-16 triệu đồng/m2 mà chưa VAT vẫn còn cao. Còn thành viên Hồng Nguyên (diễn đàn “Kiến trúc”) cho rằng, đây là một chiêu bán hàng của chủ đầu tư, vì dự án có hàng trăm căn hộ, và nếu chủ đầu tư không tích cực, thì người mua vì ham rẻ mà có thể bỏ tiền vào dự án chưa biết khi nào thành sự thực.
Giám đốc một sàn giao dịch BĐS chia sẻ với phóng viên, khảo sát thị trường của sàn này cho thấy, số lượng người mua thực của dự án Đại Thanh này chỉ khoảng 30%, còn lại là các nhà đầu cơ và các sàn bất động sản "ôm". “Chính các sàn cũng đang chơi một ván bài mạo hiểm. Nếu bây giờ các dự án quy mô hạ giá cắt lỗ, các sàn sẽ phá sản hoàn toàn với những căn hộ trên giấy thế này” – vị giám đốc nói.
Nhìn sang các dự án khác như Usilk City, Văn Khê… với chủ đầu tư có tiềm năng lớn mà các tòa nhà xây thô xong không thể hoàn thiện để bàn giao, có thể thấy, đầu tư vào những căn hộ trên giấy vài năm nữa mới có nhà, dù có giá rẻ, là đầu tư mạo hiểm mà hiếm có khách hàng điều kiện trung bình nào dám thử.
Theo Pháp luật Việt Nam