Sự kiện hot
3 năm trước

Cổ phiếu ngân hàng: Rủi ro tăng cung và nợ xấu

Từ đầu năm 2022 đến nay, có khá nhiều ngân hàng đã đề cập đến kế hoạch chuyển sàn hay tăng vốn, khiến cho nguồn cung cổ phiếu ngày càng gia tăng. Về tổng thể, cổ phiếu nhóm ngân hàng sẽ đối mặt với rủi ro liên quan đến nợ xấu tăng và cung cổ phiếu lớn trong năm 2022.

Không chỉ có kế hoạch niêm yết hay chuyển sàn, kế hoạch hoạt động của nhiều ngân hàng trong năm nay còn là tăng vốn thông qua chia cổ tức bằng cổ phiếu và chào bán cổ phiếu cho cổ đông nước ngoài. Bên cạnh đó, nợ xấu tăng cũng là yếu tố cần lưu ý đối với cổ phiếu ngành ngân hàng.

5-1-1656147616-9914-1656147988.jpg
Giai đoạn 2020-2021, ACB và SHB chuyển từ sàn HNX sang HoSE trở thành chất xúc tác mạnh mẽ cho đà tăng của nhiều cổ phiếu ngân hàng.

Đẩy mạnh kế hoạch niêm yết và chuyển sàn

Trên sàn chứng khoán hiện nay có 27 ngân hàng đang niêm yết/giao dịch cổ phiếu, trong đó có 17 ngân hàng niêm yết trên sàn HoSE, 2 ngân hàng niêm yết trên sàn HNX và 8 ngân hàng đăng ký giao dịch cổ phiếu trên UPCoM. Mặc dù số lượng các ngân hàng niêm yết trên thị trường chứng khoán không quá nhiều nhưng với đặc tính vốn điều lệ lớn, lượng cổ phiếu lưu hành nhiều thì nguồn cung cổ phiếu ngân hàng luôn là một con số “khổng lồ” nếu so với các ngành khác.

Và từ đầu năm 2022 đến nay, có khá nhiều ngân hàng đã đề cập đến kế hoạch chuyển sàn hay tăng vốn, khiến cho nguồn cung cổ phiếu ngày càng gia tăng. Cụ thể, đại hội đồng cổ đông thường niên 2022 của ABBank đã thông qua kế hoạch đưa cổ phiếu lên niêm yết trên Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM (HoSE) và tăng vốn điều lệ thêm gần 991 tỷ đồng, lên mức hơn 10.400 tỷ đồng.

Mức độ ảnh hưởng tới từng ngân hàng cũng như mức độ chiết khấu của giá nhiều cổ phiếu ngân hàng trong giai đoạn sụt giảm vừa qua là rất khác nhau. Vì thế, sự phân hóa về diễn biến giá giữa các cổ phiếu trong ngành được dự báo sẽ ngày càng lớn trong thời gian tới.

Nếu kế hoạch này được triển khai, sàn HoSE sẽ đón nhận nguồn cung hơn 1,04 tỷ cổ phiếu ABB. Không riêng ABBank, trong mùa đại hội đồng cổ đông năm nay, nhiều ngân hàng đang đăng ký giao dịch cổ phiếu trên UPCoM đã bàn về kế hoạch đưa cổ phiếu lên sàn niêm yết (HoSE hoặc HNX) với kỳ vọng sẽ thu hút sự quan tâm của giới đầu tư cũng như tăng tính thanh khoản của cổ phiếu.

Tại đại hội đồng cổ đông thường niên 2022 của KienlongBank, cổ đông đã thông qua nhiều nội dung quan trọng, trong đó đáng chú ý là tờ trình về kế hoạch niêm yết cổ phiếu trên sàn HoSE hoặc HNX. Cổ phiếu KLB đã giao dịch trên UPCoM từ ngày 29-6-2017 đến nay.

Tương tự, tại NamABank, đại hội đồng cổ đông thường niên 2022 cũng thông qua phương án chuyển sàn từ UPCoM sang HoSE hoặc HNX. Trên thực tế, kế hoạch niêm yết cổ phiếu trên HOSE được Nam A Bank “rục rịch” chuẩn bị từ hai năm trước nhưng do yếu tố thị trường nên kế hoạch trên chưa thực hiện được.

Trước đó, giai đoạn 2020-2021, hàng loạt ngân hàng đã đưa cổ phiếu lên niêm yết hoặc chuyển sàn chứng khoán. Trong đó, ACB và SHB chuyển từ sàn HNX sang HoSE; LPB và VIB chuyển từ UPCoM lên HoSE. Làn sóng niêm yết, chuyển sàn giai đoạn này đã trở thành chất xúc tác mạnh mẽ cho đà tăng của nhiều cổ phiếu ngân hàng. Việc đưa cổ phiếu lên niêm yết trên HoSE được đánh giá sẽ mang lại nhiều lợi ích cho ngân hàng, trong đó cơ hội tăng vốn là yếu tố nổi bật nhất.

Cuộc đua tăng vốn của các ngân hàng vẫn đang rất “nóng”, nhằm đáp ứng chuẩn Basel II và sắp tới là Basel III. Đồng thời, việc chuyển sàn còn có ý nghĩa khẳng định thương hiệu, tăng tính minh bạch của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, niêm yết trên sàn HoSE cũng giúp tăng tính thanh khoản cho cổ phiếu vì nhận được sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư hơn.

Cung cổ phiếu tăng do tăng vốn

Không chỉ có kế hoạch niêm yết hay chuyển sàn, kế hoạch hoạt động của nhiều ngân hàng trong năm nay còn là tăng vốn thông qua chia cổ tức bằng cổ phiếu và chào bán cổ phiếu cho cổ đông nước ngoài. Điển hình như VPBank dự định tăng vốn “khủng” lên gần 80.000 tỷ đồng thông qua hai phương án, bao gồm phát hành riêng lẻ cho nhà đầu tư nước ngoài và trả cổ tức/cổ phiếu thưởng từ nguồn vốn chủ sở hữu.

Nếu kế hoạch này thành công, VPBank sẽ trở thành ngân hàng có vốn hóa lớn nhất Việt Nam. Một ngân hàng khác là MBBank cũng lên kế hoạch tăng vốn điều lệ từ 37.783 tỷ đồng lên 46.882 tỷ đồng trong năm nay. Hay SeABank dự kiến tăng vốn điều lệ từ 16.598 tỷ đồng lên 22.690 tỷ đồng. SHB, ACB, Sacombank, SHB, VIB, OCB, HDBank cũng lên kế hoạch tăng vốn từ 25-35% thông qua chia cổ tức… BIDV có kế hoạch phát hành thêm 341,5 triệu cổ phần mới, tương đương 8,5% vốn điều lệ qua chào bán ra công chúng, hoặc chào bán riêng lẻ nhưng chưa thực hiện.

Tỷ lệ bao phủ nợ xấu của các ngân hàng Việt Nam cũng đã tăng rất mạnh, năm 2017 là 75% thì đến năm 2021 tăng lên trên mức 100%.

Dự báo cuộc đua tăng vốn của các ngân hàng sẽ chưa dừng lại, thậm chí có thể diễn ra mạnh mẽ hơn trong năm nay vì khi tốc độ tăng trưởng tín dụng gia tăng thì tốc độ tăng trưởng vốn chủ sở hữu cũng phải tăng tương ứng để giúp các ngân hàng có bộ đệm vốn lớn hơn, vừa duy trì đà tăng trưởng hiện tại vừa đáp ứng biên độ an toàn vốn lớn hơn trong giai đoạn tới.

Tuy nhiên, việc đẩy mạnh chia cổ tức bằng cổ phiếu và ồ ạt phát hành cổ phiếu tăng vốn của các ngân hàng có thể tạo ra rủi ro “pha loãng” các chỉ số định giá, khiến cổ phiếu nhóm này kém hấp dẫn, nhất là trong bối cảnh giá cổ phiếu “vua” đã và đang có đợt điều chỉnh mạnh.

Trong khi đó, ở phương diện cơ bản, từ nửa cuối năm 2021 tới nay, nợ xấu theo đánh giá chung là đang trong xu hướng tăng, cũng là một phần nguyên nhân khiến giá cổ phiếu ngân hàng sụt giảm. Tuy nhiên, điều cần lưu ý là hiện tại, nợ xấu tăng chủ yếu do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, chứ không xuất phát từ nội tại các ngân hàng như giai đoạn trước.

Tỷ lệ bao phủ nợ xấu của các ngân hàng Việt Nam cũng đã tăng rất mạnh, năm 2017 là 75% thì đến năm 2021 tăng lên trên mức 100%. Trên thực tế, ngành ngân hàng đã có sự chuẩn bị cho câu chuyện nợ xấu, khi các ngân hàng đều đã trích lập trước dự phòng rủi ro. Bên cạnh đó, việc kiểm soát chất lượng tài sản cũng được các ngân hàng ngày càng chú trọng.

Về phía nhà điều hành, để hạn chế rủi ro trong hoạt động, Ngân hàng Nhà nước cũng đã đưa ra lộ trình trích lập dự phòng rủi ro cho các ngân hàng trong ba năm, bắt đầu từ năm 2021 đối với các khoản nợ tái cơ cấu, trong đó nhiều ngân hàng đã hoàn thành việc trích lập trước thời hạn. Mặt khác, nhiều ngân hàng cho biết, tiến độ trả nợ của khách hàng ngày một cải thiện sau dịch cũng giúp giảm nợ xấu.

Như vậy, về tổng thể, cổ phiếu nhóm ngân hàng sẽ đối mặt với rủi ro liên quan đến nợ xấu tăng và cung cổ phiếu lớn trong năm 2022. Tuy nhiên, mức độ ảnh hưởng tới từng ngân hàng cũng như mức độ chiết khấu của giá nhiều cổ phiếu ngân hàng trong giai đoạn sụt giảm vừa qua là rất khác nhau. Vì thế, sự phân hóa về diễn biến giá giữa các cổ phiếu trong ngành được dự báo sẽ ngày càng lớn trong thời gian tới.

Theo ndh.vn

Từ khóa: