Phong trào các đại gia ngân hàng thâu tóm đất vàng đang lên cao. Tuy nhiên, nhiều đại gia sau khi thâu tóm xong không biết làm gì ngoài việc quây tôn lại rồi... bỏ hoang.
Phong trào các đại gia ngân hàng thâu tóm đất vàng đang lên cao. Tuy nhiên, nhiều đại gia sau khi thâu tóm xong không biết làm gì ngoài việc quây tôn lại rồi... bỏ hoang.
Lý giải cho việc gần đây người ta hay nói đến trào lưu thu gom đất vàng của các ngân hàng, các chuyên gia cho rằng, trong bối cảnh thắt chặt tín dụng cho vay đối với nghiệp bất động sản, nhiều doanh nghiệp trong tình trạng nợ nần chồng chất đã buộc phải gán cả những mảnh đất dự án đang sở hữu để trả nợ ngân hàng. Thậm chí, họ đã phải chấp nhận bán đi những mảnh "đất vàng" vốn được xem là "của để dành" của doanh nghiệp. Nắm bắt được cơ hội này, các đại gia ngân hàng, các tập đoàn lớn đã mua vào.
Tuy nhiên, cũng có nhiều mảnh đất vàng ngân hàng thâu tóm được không phải là do họ bỏ tiền ra mua, mà chỉ là trừ đi khoản nợ của doanh với mức giá hời hơn so với thị trường. Theo một chuyên gia, "ngân hàng bao giờ cũng nắm đằng chuôi. Khi doanh nghiệp vay ngân hàng phải chạy quá nhiều cửa và có những ràng buộc vô hình với ngân hàng. Đến khi gán nợ tài sản chỉ được định giá rất thấp." Tại thị trường Hà Nội, việc gom các dự án đất vàng đang diễn ra âm thầm và kín đáo.
Tập đoàn B hiện đang nắm giữ rất nhiều mảnh đất vàng tại Hà Nội, nhưng phần lớn số đó đang nằm trong tình trạng bỏ hoang. Tiêu biểu là mảnh đất tại 16 Láng Hạ nằm ở vị trí đắc địa cạnh hồ Thành Công. Mảnh đất rộng hơn 8000m2 hiện vẫn đang quây tôn chưa triển khai. Hay lô đất 4.1 tại ngã tư Lê Văn Lương cắt Hoàng Đạo Thúy cũng hơn 8000 m2, lô đất 269 Kim Mã rộng 3644m2 tại ngã tư Kim Mã - Núi Trúc.
Đất bỏ hoang ở đường Lê Văn Lương (ảnh Infonet)
Hay như, dự án StarCity Center tọa lạc ngã tư Trần Duy Hưng, Khuất Duy Tiến thuộc sở hữu của tập đoàn Ocean Group. StarCity Center là dự án trọng điểm của khu vực với tổng diện tích là 5ha và 400.000m2 sàn xây dựng. Starcity Center sẽ là tổ hợp khu văn phòng, căn hộ cao cấp và trung tâm thương mại khép kín. Dự án có tổng mức đầu tư 12 ngàn tỷ đồng. Theo dự kiến của Tập đoàn này thì thời gian khởi công dự án vào cuối năm 2011, tuy nhiên cho đến thời điểm này dự án vẫn đang nằm bất động.
Theo một chuyên gia trong lĩnh vực tài chính, thực ra kinh doanh bất động sản không phải là nghề của ngân hàng. Họ chỉ mạnh về vốn, sau khi thâu tóm đất vàng họ cũng chưa có kế hoạch gì cụ thể. Vì nếu để lập kế hoạch cho một dự án bất động sản sẽ tốn rất nhiều thời gian, nguồn lực và phải thành lập một công ty phát triển bất động sản chuyên nghiệp.
Ở thời điểm hiện nay, bài toán đầu ra sản phẩm không rõ, nên bản thân ngân hàng cũng không dám mạo hiểm đầu tư xây dựng trên đất vàng đó. Vì vậy họ vẫn tiếp tục chọn phương án bỏ hoang các mảnh đất nếu thuận lợi sẽ chuyển nhượng tiếp để kiếm lời.
Đối với các đại gia ngân hàng bài toán kinh doanh ở đây đơn thuần là mua bán tài sản, nên những tài sản đất vàng bỏ hoang của họ ngày càng nhiều lên nếu các doanh nghiệp sở hữu các mảnh đất vàng vẫn tiếp tục gặp khó khăn.
Theo VnMedia