Phiên giao dịch ngày 1-6, HoSE đã quyết định ngừng giao dịch phiên chiều sau khi giá trị giao dịch tại HoSE phiên sáng vượt mức 21.700 tỷ đồng dẫn tới tình trạng báo động đối với an toàn của hệ thống. Giá đóng cửa của chứng khoán ngày 1-6 là giá khớp lệnh cuối cùng trong buổi sáng; như vậy, VN-Index đóng cửa tăng 9,73 điểm, lên 1.337,78 điểm. HNX-Index chốt phiên giảm 0,67 điểm, xuống 317,18 điểm; UPCoM-Index tăng 0,48 điểm, lên 89,25 điểm. Thanh khoản HNX tiếp tục lập kỷ lục với khối lượng khớp lệnh đạt 4.500 tỷ đồng.
Dựa theo các chỉ báo tâm lý và kỹ thuật, KTDU xin trích lược lại nhận định của một số công ty chứng khoán trong ngày 2/6/2021.
Công ty Cổ phần Chứng khoán BIDV (BSC)
Theo quan điểm của BSC, VN-Index tiếp tục duy trì sắc xanh trong phiên 1/6 và hiện đã vượt lên trên ngưỡng 1235. Dòng tiền đầu tư không thay đổi nhiều với 9/19 nhóm ngành tăng điểm.
Trong khi đó, khối ngoại bán ròng trên cả 2 sàn HSX và HNX. Ngoài ra, độ rộng thị trường duy trì trạng thái tiêu cực với thanh khoản suy giảm so với phiên trước.
Theo đánh giá của BSC, VN-Index có thể có sự giằng co ngắn hạn trong khu vực 1330-1345 trong những phiên tới.
Công ty Cổ phần Chứng khoán MB (MBS)
Theo MBS, dòng tiền đổ vào thị trường ngày càng mạnh mẽ và cũng giống phiên 31/5, nhịp võng sau giờ mở cửa đã bị dòng tiền khổng lồ cuốn đi. Theo CNBC, Việt Nam là thị trường chứng khoán tốt nhất khu vực châu Á – Thái Bình Dương trong tháng 5 với VN-Index tăng 7,15%.
Thị trường Việt Nam tăng bất chấp tình hình Covid-19 gần đây có chiều hướng xấu, với số ca nhiễm mới tăng.
Ở phiên này, trước khi sàn HSX ngừng giao dịch trong phiên chiều, thị trường đã có sự đổi trụ khá thành công với sự trở lại của nhóm cổ phiếu Vingroup và VCB, trong khi HPG vẫn rất mạnh.
Tiếp tục giữ nguyên quan điểm thử thách đối với thị trường trong những phiên tới là ngưỡng 1.350 điểm, trong khi ngưỡng hỗ trợ ở 1.300 điểm.
Công ty Cổ phần Chứng khoán Rồng Việt (VDSC)
VN-Index chùn bước khi tiến gần đến vùng cản 1.350 điểm. Thanh khoản giảm so với phiên trước, cho thấy áp lực chốt lời chưa lớn nhưng sẽ ít nhiều gây tác động không tốt cho chỉsố, do dòng tiền hỗ trợ đang có động thái thận trọng trước vùng cản.
Với tín hiệu này, có khả năng thị trường sẽ có nhịp điều chỉnh ngắn hạn để tìm lại điểm cân bằng và kiểm tra lại cán cân cung cầu trong thời gian gần tới.
Do vậy, Quý nhà đầu tư nên cân nhắc chốt lời tại những cổ phiếu đã tăng nhanh đến vùng cản mạnh hoặc đang có diễn biến không thuận lợi để gặt hái thành quả. Đồng thời, chờ cơ hội giải ngân mới khi thị trường ổn định trở lại hoặc tận dụng diễn biến phân hóa để tìm kiếm một số cơ hội ngắn hạn.
Công ty Cổ phần Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS)
VN-Index tăng điểm trong phiên thứ ba liên tiếp với thanh khoản suy giảm trong bối cảnh HOSE chỉ giao dịch trong phiên sáng do thanh khoản đã đạt khoảng 21.000 tỷ đồng chỉ tính phần khớp lệnh. Điều này kết hợp với diễn biến intraday trong phiên sáng cho thấy áp lực bán gia tăng mạnh từ khoảng 10h30 trở đi khiến mức tăng bị thu hẹp đáng kể.
Trên góc độ sóng elliott, sóng tăng 5 trong kịch bản bản tích cực sẽ bằng khoảng 161,8% sóng điều chỉnh 4 tương đương với khoảng 325 điểm và target trên lý thuyết của VN-Index đợt này sẽ là quanh ngưỡng 1.325 điểm.
Trong phiên 1/6, chỉ số này đã có lúc vượt mức target khoảng 20 điểm lên quanh ngưỡng 1.345 điểm rồi xuất hiện áp lực bán mạnh. Do đó, trong phiên giao dịch tiếp theo 2/6, thị trường có thể sẽ rung lắc mạnh khi áp lực bán tiếp tục gia tăng.
Nhà đầu tư đã mua vào các vị thế ngắn hạn khi thị trường điều chỉnh về quanh ngưỡng 1.250 điểm (MA20) trong phiên 18/5 và đã chốt lời quanh ngưỡng 1.325 điểm trong hai phiên 28/5 và 31/5 nên đứng ngoài và quan sát thị trường.
Nhà đầu tư chỉ nên xem những nhận định của các công ty chứng khoán là nguồn thông tin tham khảo. Các công ty chứng khoán đều có khuyến cáo miễn trách nhiệm đối với những nhận định trên. KTDU và tác giả không chịu trách nhiệm về các thiệt hại phát sinh (nếu có) liên quan đến nội dung được đăng tải.
Tạ Thành
Theo KTDU