Sự kiện hot
3 năm trước

Đánh giá thị trường chứng khoán ngày 25/12: Thị trường dự báo sẽ tiếp tục chịu áp lực rung lắc, điều chỉnh mạnh trong một vài phiên kế tiếp

Thị trường hồi nhẹ vào đầu phiên sáng và giảm mạnh trở lại sau đó khi nhà đầu tư quyết định chốt lời từ khoảng 9h30 trở đi (ngày 24/12). Kết phiên, VN-Index giảm 11,38 điểm (-1,05%) xuống 1.067,52 điểm; HNXIndex giảm 2,62 điểm (-1,38%) xuống 187,63 điểm.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Thanh khoản trên hai sàn suy giảm so với phiên giảm trước đó những vẫn ở mức cao trên trung bình 20 phiên với giá trị giao dịch đạt 15.951 tỷ đồng tương ứng với khối lượng giao dịch 909 triệu cổ phiếu, trong đó giao dịch thỏa thuận chiếm 1.507 tỷ đồng. Độ rộng thị trường nghiêng hẳn về tiêu cực với 186 mã tăng, 81 mã tham chiếu, 517 mã giảm.

Dựa theo các chỉ báo tâm lý và kỹ thuật, KTDU xin trích lược lại nhận định của một số công ty chứng khoán trong ngày 25/12.

Công ty Cổ phần Chứng khoán Bảo Việt (BVSC)

Theo quan điểm của BVSC, thị trường dự báo sẽ tiếp tục chịu áp lực rung lắc, điều chỉnh mạnh trong một vài phiên kế tiếp. VN-Index nhiều khả năng sẽ giảm về vùng hỗ trợ 1000-1030 điểm trong ngắn hạn khi mà nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn đã bắt đầu xuất hiện các tín hiệu điều chỉnh sau một nhịp tăng điểm mạnh trước đó.

Dòng tiền nhiều khả năng sẽ tiếp tục có sự luân phiên dịch chuyển qua các dòng cổ phiếu để tìm kiếm lợi nhuận. Nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ vẫn sẽ thu hút được sự quan tâm của dòng tiền, đặc biệt là các cổ phiếu trên sàn HNX và Upcom. Tuy nhiên, rủi ro khi tham gia vào nhóm cổ phiếu này sẽ gia tăng mạnh khi thị trường phải đối mặt với áp lực giảm điểm.

Chiến lược đầu tư được BVSC đưa ra: Duy trì tỷ trọng danh mục hiện tại ở mức 25-45% cổ phiếu; Ngừng các hoạt động giải ngân mới ở thời điểm hiện tại; Nhà đầu tư tiếp tục xem xét bán giảm tỷ trọng các vị thế ngắn hạn trong các nhịp tăng điểm của thị trường.

Công ty Cổ phần Chứng khoán MB (MBS)

Theo MBS, việc nghẽn lệnh khiến cho giao dịch trên sàn HoSE 2 phiên gần đây và đặc biệt là phiên chiều ngày 24/12 đang không thực sự phản ánh đúng cung cầu thị trường. Dù chưa biết chính xác câu chuyện nghẽn lệnh trên thị trường chứng khoán xuất phát từ đâu nhưng theo các lãnh đạo cao cấp của HoSE thì "qua xác định bước đầu, nguyên nhân nghẽn lệnh truyền từ các CTCK vào hệ thống của HOSE là do số lượng lệnh giao dịch tăng nhanh khi số nhà đầu tư tăng, số tài khoản tăng, số cổ phiếu và chứng khoán mới gia nhập thị trường lớn, cùng với khả năng các robot được sử dụng để đặt lệnh".

Hiện, HoSE đang tích cực tìm cách khắc phục dứt điểm hiện tượng tăng trưởng bất ngờ ngoài dự báo này. Do vậy, MBS cho rằng nhà đầu tư có thể canh chốt lời đối với những mã cổ phiếu có lãi để bảo vệ thành quả trong khi chưa vội mở vị thế mua mới.

Về kỹ thuật, xu hướng tăng kéo dài hơn 5 tháng qua vẫn tiếp diễn, vùng hỗ trợ mạnh ngắn hạn đối với chỉ số tại vùng 1.036-1.040 điểm.

Công ty Cổ phần Chứng khoán BIDV (BSC)

Sau một chuỗi tăng điểm mạnh mẽ, thị trường đã có một phiên điều chỉnh mạnh với sắc đỏ bao trùm từ phiên sáng đến hết phiên chiều. Dòng tiền đầu tư suy giảm với toàn bộ nhóm ngành đều giảm điểm.

Thanh khoản thị trường giảm nhẹ, biên độ thị trường nới rộng và độ rộng thị trường tiêu cực phản ánh tâm lý bán tháo hoảng loạn do áp lực chốt lời ngắn hạn sau chuỗi phiên tăng điểm kéo dài.

Trong phiên giao dịch thị trường đã từng giảm tới gần 3% nhưng đã nhanh chóng hồi phục lại và chỉ còn giảm hơn 1% vào cuối phiên. Hiện tượng này cho thấy dòng tiền thông minh vẫn đang bắt đáy những cổ phiếu cơ bản trong phiên điều chỉnh mạnh này.

BSC dự kiến thị trường có thể quay trở lại vùng 1,080 điểm -1,100 điểm vào tuần sau.

Công ty Cổ phần Chứng khoán Rồng Việt (VDSC)

VN-Index tiếp tục chịu áp lực bán chốt lời trong phiên 24/12. Tín hiệu giao dịch trong phiên chiều khá nhỏ giọt, điều này đang gây khó khăn trong việc đánh giá trạng thái thị trường. Tuy nhiên, nhìn chung dòng tiền vẫn đang hỗ trợ thị trường và hấp thụ bớt áp lực chốt lời hiện tại.

Dự kiến thị trường vẫn chịu áp lực bán đầu phiên nhưng có khả năng dòng tiền sẽ tiếp tục hỗ trợ thị trường lấy lại cân bằng. Do vậy, Quý nhà đầu tư tạm thời nên quan sát động thái của thị trường và quản lý rủi ro danh mục chặt chẽ, vẫn có thể lưu giữ một số cổ phiếu đang mạnh nhưng cần thu hẹp danh mục tại những cổ phiếu có dấu hiệu thoái trào.

Công ty Cổ phần Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS)

Phiên thứ ba liên tiếp, thị trường chứng khoán Việt Nam thử thách ngưỡng kháng cự quanh 1.084 điểm (đỉnh tháng 5/2018) không thành công khi không thể đóng cửa trên ngưỡng này để xác nhận dư địa tăng tiếp theo lên ngưỡng 1.200 điểm (đỉnh tháng 4/2018).

Thất bại trước ngưỡng này khiến tâm lý nhà đầu tư trở nên tiêu cực hơn dẫn đến áp lực bán chốt lời trong hai phiên gần đây. Tuy nhiên, điểm tích cực hiện tại là tâm lý bắt đáy vẫn còn tương đối mạnh giúp thu hẹp mức giảm trong phiên 24/12.

Thị trường phản ứng tốt với ngưỡng 1.045 điểm (MA20, đỉnh tháng 6/2018) và đây sẽ là hỗ trợ ngắn hạn trong các phiên tiếp theo.

Basis trên thị trường phái sinh duy trì mức dương lớn từ 8,55 đến 12,15 điểm cho thấy các nhà giao dịch đang kỳ vọng thị trường sẽ sớm bặt tăng trở lại. Với xu hướng thị trường hiện nay thì thị trường có thể giảm thêm 1 đến 2 phiên nữa như diễn biến vào cuối tháng 10/2020 để về vùng cân bằng cung cầu mới.

Nhà đầu tư đang có tỷ trọng cổ phiếu cao có thể tiếp tục bán ra giảm tỷ trọng trong các nhịp tăng để giảm rủi ro nếu thị trường tiếp tục điều chỉnh. Nhà đầu tư có tỷ trọng tiền mặt cao đã bắt đáy một phần trong phiên 24/12 nên tiếp tục quan sát và có thể giải ngân thêm nếu thị trường tiếp tục giảm về các ngưỡng hỗ trợ mạnh hơn.

Nhà đầu tư chỉ nên xem những nhận định của các công ty chứng khoán là nguồn thông tin tham khảo. Các công ty chứng khoán đều có khuyến cáo miễn trách nhiệm đối với những nhận định trên. KTDU và tác giả không chịu trách nhiệm về các thiệt hại phát sinh (nếu có) liên quan đến nội dung được đăng tải. 

Tạ Thành

Theo KTDU

Từ khóa: