Trong cơ cấu doanh thu của HHV, nguồn thu chính đến từ các trạm thu phí BOT chiếm 75% với giá trị 1.112 tỷ đồng, tăng 20% so với 9 tháng năm 2021.
Dữ liệu tài chính quý 3.2022 thể hiện, CTCP Đầu tư Hạ tầng Giao thông Đèo Cả (mã chứng khoán: HHV) doanh thu 563 tỷ đồng, tăng 25% so với cùng kỳ. Lợi nhuận gộp cải thiện 22% lên 257 tỉ đồng.
Trong quý, doanh thu hoạt động tài chính giảm mạnh 87,5%, do không ghi nhận khoản cổ tức lợi nhuận được chia; còn chi phí tài chính lại tăng vọt 88% lên 165 tỷ đồng (tất cả đều là chi phí lãi vay). Bên cạnh đó, HHV ghi nhận 13 tỷ đồng lãi trong công ty liên doanh, liên kết (cùng kỳ lỗ 20 tỷ đồng).
Kết quả, dù doanh thu tăng trưởng nhưng gánh nặng từ chi phí lãi vay đã khiến lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh của công ty giảm 12% so với cùng kỳ, còn 91 tỷ đồng. Sau khi trừ thuế, HHV có lợi nhuận 80,7 tỷ đồng, giảm gần 1 tỷ đồng so với quý 3 năm ngoái.
Luỹ kế 9 tháng, doanh thu và lợi nhuận sau thuế của HHV đều tăng trưởng; cụ thể lần lượt tăng 19% và 9,5%, đạt 1.478 tỷ đồng và 240 tỷ đồng.
Trong cơ cấu doanh thu, doanh thu các trạm thu phí BOT chiếm 75% với 1.112 tỷ đồng, tăng 20% so với 9 tháng năm 2021. Hoạt động xây lắp mang về 320 tỷ đồng (chiếm 22%) tăng 42% so với cùng kỳ năm ngoái. Còn lại là doanh thu hoạt động tu bảo dưỡng hầm đường, cung cấp dịch vụ trung chuyển.
Về tình hình tài chính, tại ngày 30.9, tổng tài sản của Hạ tầng Giao thông Đèo Cả là 35.020 tỷ đồng, tăng 1.057 tỷ đồng so với đầu năm. Trong đó, tài sản cố định chiếm tỷ trọng lớn nhất là 28.562 tỷ đồng (chiếm 82%). Khoản tiền, tương đương với tiền, tiền gửi có kỳ hạn đạt 514 tỷ đồng.
Trong cơ cấu nguồn vốn, tổng nợ vay của doanh nghiệp là hơn 20.800 tỷ đồng, chiếm 59% tổng nguồn vốn. Vay dài hạn là 20.539 tỷ đồng, trong đó, doanh nghiệp vay Vietinbank gần 19.357 tỷ đồng và VietABank gần 939 tỷ đồng với thời hạn trên 5 năm. Tài sản đảm bảo với khoản nợ dài hạn là quyền thu phí của dự án BOT với thời hạn vay từ 15 - 20 năm.
9 tháng đầu năm, doanh nghiệp đi vay thêm 383 tỷ đồng thời trả nợ gốc vay 655 tỷ đồng. Tổng chi phí lãi vay ba quý đầu năm là 480 tỷ đồng.
CTCP Đầu tư Hạ tầng giao thông Đèo Cả (mã chứng khoán: HHV) được thành lập từ năm 1974, là một thành viên thuộc hệ sinh thái của Tập đoàn Đèo Cả của doanh nhân Hồ Minh Hoàng. Với việc tăng vốn điều lệ lớn trong năm 2019, nhiều người bắt đầu chú ý tới với mã cổ phiếu HHV, năm đó, từ vốn điều lệ 79 tỷ đồng, HHV được bơm thêm, tăng vốn lên 2.270 tỷ.
Theo Nhà đầu tư, Về lĩnh vực thi công xây lắp, chỉ tính từ đầu năm 2022 cho tới nay, HHV đã trúng hơn 10 gói thầu với tổng giá trị gần 1.500 tỷ đồng, chủ yếu đến từ dự án xây dựng tuyến cao tốc Bắc – Nam phía Đông đoạn Cam Lâm – Vĩnh Hảo và một số dự án đường ven biển qua các địa phương.
Bên cạnh đó, hiện nay, HHV đang quản lý, vận hành an toàn, thông suốt cho hơn 25km hầm đường bộ, hơn 265km đường cao tốc và đường Quốc lộ, cùng với quản lý 15 trạm thu phí dịch vụ sử dụng công trình giao thông.
Trong tháng 4/2022, HHV liên tiếp nhận tiếp quản công tác quản lý vận hành hầm Mũi Trâu thuộc cao tốc La Sơn - Túy Loan và quản lý khai thác, bảo trì hơn 51km đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, khẳng định thế mạnh chuyên nghiệp của mình trong lĩnh vực quản lý vận hành công trình giao thông, đặc biệt là các công trình yêu cầu kỹ thuật cao như hầm giao thông và đường cao tốc.
Chiến lược phát triển giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030 của HHV là tiếp tục duy trì vị trí Top đầu trong lĩnh vực đầu tư, thi công các công trình hạ tầng giao thông tại thị trường Việt Nam. Phát huy các thế mạnh của mình, HHV ngày càng thể hiện rõ chiến lược phát triển phù hợp với định hướng của Chính phủ là phát triển hạ tầng giao thông đất nước từ hệ thống 5.000km đường bộ cao tốc Bắc - Nam và 1.545 km đường sắt cao tốc Bắc - Nam. Đây cũng là dư địa, mở ra cơ hội lớn cho HHV về thi công xây lắp, công tác quản lý vận hành (O&M) và đầu tư các dự án PPP về hạ tầng giao thông trong tương lai.
PV/KTDU