Mặc dù thị trường biến động khá giằng co và lên xuống quanh vùng giá 850 điểm, nhưng vẫn có nhiều cổ phiếu được đưa ra khuyến nghị có mức tăng vượt 10%.
Cùng Đầu tư Chứng khoán nhìn lại nhận định của các công ty chứng khoán về cổ phiếu cần quan tâm trong tuần qua.
* BVSC khuyến nghị tích cực dành cho BMP với giá mục tiêu 63.300 đồng/CP
Cổ phiếu BMP của CTCP Nhựa Bình Minh đóng cửa tại mức giá 54.100 đồng vào ngày 19/8/2020, theo đó giao dịch tại mức P/E và EV/EBITDA năm 2020 lần lượt là 9,0x và 4,3x; và mức P/E và EV/EBITDA năm 2021 lần lượt là 8,4x và 4,1x; hấp dẫn so với mức trung bình ngành hiện tại là 11,7x và 5,2x.
Duy trì khuyến nghị OUTPERFORM với giá mục tiêu 1 năm là 63.300 đồng/cổ phần (26,2% upside bao gồm suất cổ tức hấp dẫn 9,2%; mức P/E hợp lý năm 2020 là 10,5x).
Sau tuần diễn biến lình xình trước đó, cổ phiếu BMP đã bật khá cao trong tuần qua (từ 17-21/8). Cụ thể, với việc đón nhận 4 phiên tăng và duy nhất 1 phiên giảm ngày 18/8, tổng cộng cả tuần, giá cổ phiếu BMP tăng 5.500 đồng (+10,64%) từ mức giá 51.700 đồng/CP lên 57.200 đồng/CP. So với giá mục tiêu mà BVSC đưa ra là 63.300 đồng/CP, thị giá hiện tại của BMP còn thấp hơn 9,64%.
* Theo BSC, mục tiêu chốt lãi của SHB tại xung quanh giá 15.4
Theo nhận định hiện tại, cổ phiếu SHB có thể tiếp tục điều chỉnh trong 1 đến 2 phiên tới trước khi tiếp tục tăng đến những mốc cao hơn. Ngưỡng hỗ trợ gần nhất của SHB nằm ở khoảng giá 13.4. Mục tiêu chốt lãi của cổ phiếu nằm tại xung quanh giá 15.4, cắt lỗ nếu ngưỡng 12.6 bị xuyên thủng.
Mặc dù vẫn chủ yếu diễn biến lình xình trong biên độ hẹp nhưng phiên tỏa sáng ngày 19/8 đã giúp nhà đầu tư kiếm lời khi tích lũy cổ phiếu SHB trong tuần qua. Cụ thể, với việc đón nhận 1 phiên tăng trần trần, 2 phiên đứng giá và 2 phiên giảm, tổng cộng cả tuần, giá cổ phiếu SHB tăng 900 đồng (+7,2%) từ mức giá 12.500 đồng/CP lên 13.400 đồng/CP.
* VCSC khuyến nghị khả quan cho ACB với giá mục tiêu 29.200 đồng/CP
Chúng tôi nâng giá mục tiêu thêm 0,7% lên 29.200 đồng/CP nhưng điều chỉnh khuyến nghị của Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) từ mua thành khả quan khi giá cổ phiếu đã tang 16,2% trong 3 tháng qua. Mức tăng trong giá mục tiêu chủ yếu đến từ mức tăng trung bình 1,6% trong dự báo thu nhập ròng giai đoạn 2020-2024 của chúng tôi.
Cũng là một trong những nhân tố chính hỗ trợ cho đà tăng điểm trên sàn HNX, cổ phiếu ACB đã có tuần giao dịch khởi sắc sau thông tin trả cổ tức và việc triển khai chuyển sang sàn HOSE. Thống kê tuần qua, với việc đón nhận 3 phiên tăng, 1 phiên đứng giá ngày 19/8 và 1 phiên giảm ngày 18/8, tổng cộng, giá cổ phiếu ACB tăng 8,7% và đóng cửa phiên cuối tuần tại mức giá 21.200 đồng/CP.
* Theo BSC, mục tiêu chốt lãi của TCB nằm tại xung quanh giá 21.5
Hôm 19/8, các đường EMA vừa xuất hiện Golden Cross đồng thời chỉ báo động lượng RSI vẫn còn cách khá xa vùng quá mua nên cổ phiếu có thể duy trì đà tăng trong những phiên tới.
Ngưỡng hỗ trợ gần nhất của TCB nằm ở khu vực 19.5-20. Mục tiêu chốt lãi của cổ phiếu nằm tại xung quanh giá 21.5, cắt lỗ nếu ngưỡng 19.2 bị xuyên thủng.
Việc HĐQT chính thức thông báo bổ nhiệm ông Jens Lottner đảm nhiệm vị trí Tổng Giám đốc Techcombank kể từ ngày 18/08/2020 không giúp cổ phiếu TCB bật cao. Thống kê tuần qua, với việc đón nhận 3 phiên tăng và 2 phiên giảm, tổng cộng, giá cổ phiếu TCB tăng 550 đồng (+2,78%) từ mức giá 19.800 đồng/CP lên 20.350 đồng/CP.
* Theo BSC, mục tiêu chốt lãi của MBB nằm tại xung quanh giá 18
Hôm nay 18/8, các đường EMA vừa xuất hiện Golden Cross đồng thời chỉ báo động lượng RSI vẫn còn cách khá xa vùng quá mua nên cổ phiếu có thể duy trì đà tăng trong những phiên tới.
Ngưỡng hỗ trợ gần nhất của MBB nằm tại khu vực 16.5-17. Mục tiêu chốt lãi của cổ phiếu nằm tại xung quanh giá 18, cắt lỗ nếu ngưỡng 16.2 bị xuyên thủng.
Cũng như phần lớn các cổ phiếu trong nhóm ngân hàng trên HOSE, MBB đã có tuần giao dịch với những phiên tăng giảm nhẹ. Thống kê tuần qua, với việc đón nhận 2 phiên tăng, 2 phiên giảm và 1 phiên đứng giá ngày 20/8, tổng cộng, giá cổ phiếu MBB tăng 150 đồng (+0,87%) từ mức giá 17.150 đồng/CP lên 17.300 đồng/CP.
* VCSC khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu VPB
Chúng tôi điều chỉnh giảm 4,7% giá mục tiêu của Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPB) và duy trì khuyến nghị mua dành cho VPB. Mức giảm trong giá mục tiêu chủ yếu đến từ mức giảm 5,3% trong tổng dự báo thu nhập ròng giai đoạn 2020-2024.
Tương tự, cổ phiếu VPB cũng đón nhận 2 phiên tăng, 2 phiên giảm và 1 phiên đứng giá ngày 18/8, tổng cộng, giá cổ phiếu VPB tăng 500 đồng (+2,34%) từ mức giá 21.400 đồng/CP lên 21.900 đồng/CP.
* VCSC khuyến nghị mua cho GMD với giá mục tiêu 24.400 đồng/CP
Chúng tôi hiện có khuyến nghị mua cho GMD với giá mục tiêu 24.400 đồng/CP (tổng mức sinh lời dự phóng 10,7%, bao gồm lợi suất cổ tức 4,4%).
Thông báo chốt danh sách cổ đông chia cổ tức năm 2019 bằng tiền mặt theo tỷ lệ 10% đã tác động tích cực tới diễn biến cổ phiếu GMD tuần qua. Theo đó, với việc đón nhận 4 phiên tăng và 1 phiên giảm duy nhất ngày 20/8, tổng cộng cả tuần, giá cổ phiếu GMD tăng 2.250 đồng (+10,87%) từ mức giá 20.700 đồng/CP lên 22.950 đồng/CP.
* VCSC khuyến nghị mua cho BVH với giá mục tiêu 59.500 đồng/CP
Chúng tôi nâng khuyến nghị của Tập đoàn Bảo Việt (BVH) từ khả quan lên mua do việc (1) nâng giá mục tiêu thêm 2,6% lên 59.500 đồng/CP và (2) do giá cổ phiếu của BVH đã giảm 9,3% kể từ báo cáo cập nhât gần nhất của chúng tôi. Mức tăng trong giá mục tiêu của chúng tôi chủ yếu đến từ mức tăng 18,2%/11,6% trong dự báo thu nhập ròng 2020/2021 của chúng tôi.
Không được như kỳ vọng của VCSC, diễn biến cổ phiếu BVH tuần qua khá giằng co. Thống kê tuần qua, với việc đón nhận 2 phiên tăng, 2 phiên giảm và 1 phiên đứng giá ngày 20/8, tổng cộng, giá cổ phiếu BVH không có biến động và giữ nguyên tại mức giá 45.850 đồng/CP.
* VCSC khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu FPT
Chúng tôi hiện có khuyến nghị mua cho FPT với giá mục tiêu 58.400 đồng/CP, tương ứng tổng mức sinh lời dự phóng 28,9%, bao gồm lợi suất cổ tức 4,3%, dựa theo giá đóng cửa phiên 18/8.
Mặc dù trong tuần qua, FPT đã công bố kết quả kinh doanh ước đạt 7 tháng với lợi nhuận sau thuế 1.922 tỷ đồng, tăng trưởng 14% so với cùng kỳ năm ngoái, những diễn biến cổ phiếu cũng không mấy cải thiện. Thống kê tuần qua, với việc đón nhận 2 phiên tăng, 2 phiên giảm và 1 phiên đứng giá ngày 19/8, tổng cộng, giá cổ phiếu FPT tăng 600 đồng (+1,28%) từ mức giá 46.800 đồng/CP lên 47.400 đồng/CP.
* VCSC khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu POW
Chúng tôi điều chỉnh giảm giá mục tiêu 2% nhưng duy trì khuyến nghị mua dành cho Tổng công ty Điện lực Dầu khí (POW).
Mới đây, PV Power đã quyết định góp vốn 51% lập PV Power REC, chính thức lấn sân năng lượng tái tạo. Tuy vậy, cổ phiếu POW vẫn khá rung lắc với những phiên tăng giảm đan xen. Thống kê tuần qua, với việc đón nhận 3 phiên tăng và 2 phiên giảm, tổng cộng, giá cổ phiếu POW tăng nhẹ 60 đồng (+0,6%) từ mức giá 9.990 đồng/CP lên 10.050 đồng/CP.
* VCSC khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu NT2 với giá mục tiêu 26.200 đồng/CP
Chúng tôi duy trì khuyến nghị mua cho CTCP Điện lực Dầu khí Nhơn Trạch 2 (NT2) nhưng giảm giá mục tiêu 1% còn 26.200 đồng/CP.
Bên cạnh diễn biến cổ phiếu POW không mấy tích cực, “người anh em” cùng họ là NT2 lại có tuần giao dịch khởi sắc. Thống kê tuần qua, với việc đón nhận 4 phiên tăng và 1 phiên đứng giá ngày đầu tuần 17/8, tổng cộng, giá cổ phiếu NT2 tăng 950 đồng (+4,38%) từ mức giá 21.700 đồng/CP lên 22.650 đồng/CP.
* VCSC và KIS cùng khuyến nghị mua cho DXG
VCSC có khuyến nghị mua cho DXG với giá mục tiêu 14.000 đồng/CP, tương ứng tổng mức sinh lời dự phóng 48,5%.
Đồng thời, KIS cũng duy trì khuyến nghị mua và giá mục tiêu dựa trên RNAV là 12.800 đồng với chiết khấu 10 - 50% áp dụng cho giá trị hợp lý của từng dự án dựa trên thời gian thực hiện và thu hồi đất tương ứng.
Trái với khuyến nghị của VCSC và KIS, cổ phiếu DXG đã có một tuần giao dịch không mấy tích cực. Thống kê tuần qua, với việc đón nhận duy nhất 1 phiên tăng ngày 20/8 và 4 phiên giảm, tổng cộng, giá cổ phiếu DXG giảm 440 đồng (-4,55%) từ mức giá 9.680 đồng/CP xuống 9.240 đồng/CP.
* MBS khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu MWG
Chúng tôi khuyến nghị mua đối với cổ phiếu MWG với giá mục tiêu 12 tháng khoảng 129.000 đồng/CP, trên cơ sở: nhu cầu đối với nh yếu phẩm hàng ngày gia tăng, làm cải thiện mạnh doanh thu chuỗi bách hóa xanh trong khi biên lợi nhuận gộp được cải thiện; và kinh doanh đồng hồ tiếp tục là động lực tăng trưởng chính trong chuỗi thế giới di động, đặc biệt trong những tháng cuối năm.
Vừa qua, MWG đã giới thiệu chuỗi Điện máy Xanh supermini tại Tiền Giang, đồng thời chuỗi nhà thuốc An Khang sẽ tích hợp vào cửa hàng Bách Hóa Xanh để hưởng lợi về lưu lượng khách hàng. Tuy nhiên, những thông tin này không giúp cổ phiếu MWG duy trì đà khởi sắc như tuần trước. Cụ thể, với việc đón nhận 2 phiên tăng và 3 phiên giảm, tổng cộng cả tuần, giá cổ phiếu MWG giảm 1.100 đồng (-1,32%) từ mức giá 83.100 đồng/CP xuống 82.000 đồng/CP.
* KIS khuyến nghị mua dành cho VHM với giá mục tiêu 93.500 đồng/CP
Chúng tôi giữ khuyến nghị mua cổ phiếu VHM của CTCP Vinhomes nhưng nâng giá mục tiêu dựa trên RNAV lên 93.500 đồng để phản ánh việc nhận tiền nhanh hơn từ ba giao dịch bán buôn.
Nhóm cổ phiếu nhà Vingroup đã có tuần giao dịch không mấy thành công khi các mã đều có những phiên giao dịch lình xình, trong đó VHM cũng không ngoại trừ. Thống kê tuần qua, với việc đón nhận 1 phiên tăng, 2 phiên đứng giá và 2 phiên giảm, tổng cộng, giá cổ phiếu VHM giảm nhẹ 100 đồng (-0,25%) từ mức giá 79.700 đồng/CP xuống 79.500 đồng/CP.
* VCSC khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu HPG với giá mục tiêu 29.000 đồng/CP
Chúng tôi giữ khuyến nghị mua dành cho CTCP Tập đoàn Hòa Phát (HPG) trong khi nâng giá mục tiêu thêm 4% đạt 29.000 đồng/CP (điều chỉnh cho phát hành cổ tức cổ phiếu 20% trong tháng 7/2020), chủ yếu do số dư tiền mặt cao hơn vào cuối quý 2/2020.
Cổ phiếu HPG tuần qua biến động khá giằng co với những phiên tăng giảm trong biên độ hẹp đan xen. Cụ thể, với việc đón nhận 3 phiên tăng và 2 phiên giảm, tổng cộng cả tuần, giá cổ phiếu HPG tăng 250 đồng (+1,04%) từ mức giá 24.100 đồng/CP lên 24.350 đồng/CP.
N.T
Theo Đầu tư Chứng khoán