Sự kiện hot
khoảng 1 năm trước

Doanh nghiệp Hà Nội dần bắt kịp xu hướng sử dụng các nền tảng thương mại điện tử

Trong 5 tháng đầu năm 2023, dù vẫn còn gặp nhiều khó khăn do bất ổn chính trị diễn ra trên thế giới, song kim ngạch xuất khẩu 5 tháng đầu năm của TP Hà Nội đạt 6,781 tỷ USD và nhập khẩu đạt 14,4 tỷ USD. Để đạt được kết quả trên có sự đóng góp một phần không nhỏ của thương mại điện tử.

Những bài học thành công trong thương mại điện tử
Doanh nghiệp Hà Nội dần bắt kịp xu hướng sử dụng các nền tảng thương mại điện tử.

Theo Báo cáo Chỉ số thương mại điện tử Việt Nam năm 2022 do Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam công bố, chỉ số thương mại điện tử (EBI) của thành phố Hà Nội đứng thứ 2 cả nước, đạt 85,9 điểm; doanh số thương mại điện tử B2C ước chiếm 11% so với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn; tỷ lệ dân số Hà Nội tham gia mua sắm trực tuyến ước đạt 50%; tỷ lệ doanh nghiệp tiến hành hoạt động kinh doanh trên các sàn thương mại điện tử ước đạt 45%.

Giám đốc kinh doanh Công ty cổ phần Tập đoàn Sunhouse Vũ Thanh Hải chia sẻ: Để đạt hiệu quả cao khi tham gia vào các nền tảng TMĐT quốc tế rất cần nghiên cứu chi tiết thị trường nhập khẩu. Công ty hiện có hàng trăm sản phẩm, nhưng chúng tôi đã dành khoảng 5 tháng để nghiên cứu thị trường, lựa chọn ra 4 sản phẩm phù hợp nhất để đưa lên sàn Amazon và đã đạt được kết quả tích cực.

Còn ông Gijae Seong, Giám đốc điều hành Amazon Global Selling Việt Nam nhận xét: Giá trị xuất khẩu của các doanh nghiệp bán hàng Việt Nam trên Amazon đã tăng 45% trong năm 2022. Cũng trong năm qua, số lượng nhà bán hàng Việt Nam trên Amazon tăng 80%. Nhiều nhóm ngành hàng của Việt Nam đang có doanh số cao tại Amazon, như: Ngành hàng trang trí nhà cửa, thời trang, phụ kiện làm đẹp, nông sản chế biến…

Ông Tạ Dũng Trí, Phó Phòng Quản lý Thương mại (Sở Công thương Hà Nộ) cho biết, các doanh nghiệp tại Hà Nội đã bắt kịp xu hướng sử dụng các nền tảng thương mại điện tử để tiếp cận khách hàng trong nước và quốc tế để mở rộng thị trường xuất khẩu. Điều này đã đóng góp đáng kể vào tăng trưởng kinh tế và thúc đẩy sự phát triển của địa phương

Theo ông Tạ Dũng Trí, dù đạt được kết quả đáng ghi nhận, xong việc đưa thương mại điện tử vào xuất khẩu cũng đặt ra một số khó khăn và thách thức. Cụ thể, các doanh nghiệp phải đối mặt với vấn đề về cạnh tranh gay gắt từ các quốc gia khác, kỹ năng quản lý thương mại điện tử còn hạn chế, quy trình hải quan và vận chuyển quốc tế còn khó khăn và phức tạp."Đây là những vấn đề cần chú trọng để nâng cao hiệu quả của xuất khẩu trực tuyến và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp" – ông Tạ Dũng Trí khẳng định.

Bên cạnh đó, Ông Nguyễn Văn Thành, Giám đốc Trung tâm Phát triển thương mại điện tử, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số chia sẻ, thương mại điện tử xuyên biên giới hiện đang là xu hướng bùng nổ mạnh mẽ tại nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó Khu vực Đông Nam Á vẫn được đánh giá có nhiều tiềm năng tăng trưởng. Tại Việt Nam, đây cũng là lĩnh vực được đánh giá có nhiều tiềm năng và phù hợp chủ trương phát triển kinh tế số do Chính phủ đề ra.

Tiến Hoàng/KTDU

Từ khóa: