Sự kiện hot
2 năm trước

Doanh nghiệp và người dân cùng “chia khó” tiêu thụ chè dịp cuối năm, vượt qua khó khăn đại dịch

Theo thống kê từ ngành nông nghiệp, chè là một trong bốn nông sản chịu ảnh hưởng trực tiếp từ đại dịch Covid-19. Hiện, người dân và các doanh nghiệp của nhiều địa phương đang cùng chia sẻ khó khăn, tìm cách tiêu thụ chè, vượt qua khó khăn, tận dụng tốt thị trường tiêu thụ dịp cuối năm.

Cán bộ xã Thanh Mai động viên, chia sẻ với người trồng chè xóm Đá Bia. Ảnh: Thanh Phúc

Cán bộ xã Thanh Mai động viên, chia sẻ với người trồng chè xóm Đá Bia. Ảnh: Thanh Phúc.

Cơ hội đẩy mạnh tiêu thụ chè dịp cuối năm

Có thể nói đại dịch Covid-19 gây ra nhiều ảnh hưởng đối với hầu hết các ngành nghề, đặc biệt là ngành nông sản, trong đó có ngành chè của Việt Nam. Xuất khẩu chè của Việt Nam trong quý III/2021 giảm mạnh về lượng và trị giá do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Theo tính toán từ số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu chè trong quý III/2021 chỉ đạt 33,5 nghìn tấn, trị giá 58,43 triệu USD, giảm 16,5% về lượng và giảm 11,9% về trị giá so với quý III/2020. 

Giá chè xuất khẩu bình quân trong quý III/2021 đạt 1.744 USD/ tấn, tăng 5,5% so với quý III/2020. Luỹ kế từ đầu năm đến hết tháng 9/2021, chè xuất khẩu đạt 91,6 nghìn tấn, trị giá 153,3 triệu USD, giảm 6,6% về lượng và giảm 2,5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. 

Xuất khẩu, tiêu thụ chè trong quý III/2021 giảm mạnh do hoạt động sản xuất và xuất khẩu bị gián đoạn bởi dịch Covid-19. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều nhà hàng, khách sạn, khu du lịch, siêu thị phải tạm thời đóng cửa khiến việc tiêu thụ sản phẩm chè gặp nhiều khó khăn.

Xuất khẩu chè ra nước ngoài cũng gặp khó. Các doanh nghiệp xuất khẩu chè phải đối mặt với tình trạng cước phí vận chuyển tăng; nhiều chuỗi cung ứng hàng hóa, nguyên phụ liệu bị gián đoạn; nhu cầu của nhiều thị trường chưa phục hồi; nguyên vật liệu nhập khẩu tăng...

Mặc dù đã có nhiều chuyển biến tích cực về canh tác sản xuất chè, nhưng hiện nay ngành chè vẫn còn đối mặt với khó khăn như quy mô sản xuất chè còn nhỏ lẻ, nguyên liệu chè cung cấp cho chế biến chủ yếu từ các giống chè có chất lượng thấp. Sản xuất chè nhỏ lẻ nên khó tiếp cận với các kỹ thuật mới, hiện đại và chứng nhận chè an toàn. 

Do đó, để ngành chè phát triển mạnh trong thời gian tới cần nâng cao năng suất, chất lượng chè bằng cách thay đổi các giống chè cũ sang các giống chè mới. Đầu tư công nghệ để chế biến sâu tạo ra các sản phẩm chè tiêu chuẩn quy định về chất lượng, an toàn thực phẩm, mang lại giá trị kinh tế lớn. 

Doanh nghiệp chế biến chè và người trồng chè cần có sự liên kết từ xây dựng vùng nguyên liệu đến bao tiêu sản phẩm nhằm đảm bảo sự ổn định, đủ nguyên liệu chè tươi cho chế biến. Đẩy mạnh mô hình sản xuất chè an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP. Duy trì và đẩy mạnh xuất khẩu chè sang các thị trường chủ lực.

Dù gặp khó khăn về xuất khẩu do ảnh hưởng của dịch Covid -19 song các xưởng chè vẫn tìm cách xoay xở để tiêu thụ hết sản lượng chè búp tươi cho người dân. Ảnh: Thanh Phúc.

Có thể khẳng định, nhu cầu thị trường chè thế giới cuối năm sẽ tăng rất mạnh và cơ hội cho Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu chè là rất lớn. Để nắm bắt được, các doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất, kinh doanh chè trên cả nước cần phải năng động, linh hoạt chế biến các sản phẩm chè an toàn, đảm bảo chất lượng cả trong nước cũng như xuất khẩu. Đây cũng chính là điều kiện cần thiết khi dịch Covid-19 đã được kiểm soát, các doanh nghiệp, hợp tác xã tận dụng cơ hội, đặc biệt là cơ hội từ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) mang lại để mở rộng thị trường xuất khẩu. 

Để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu chè, các địa phương cần đẩy mạnh cải cách hành chính, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong hoạt động sản xuất, kinh doanh như: Hỗ trợ xúc tiến đầu tư, quảng bá sản phẩm; hỗ trợ gia hạn thời gian nộp thuế và tiền thuê đất; hỗ trợ doanh nghiệp khai thác tốt thị trường nội địa và mở rộng thị trường xuất khẩu...

Chia sẻ khó khăn, tìm cách tiêu thụ chè, vượt qua khó khăn

Từ đầu năm 2021 đến nay, do dịch Covid -19 diễn biến phức tạp nên các chuyên gia kỹ thuật của các đối tác không thể sang kiểm tra chất lượng chè, do vậy không xuất khẩu bởi thiếu thủ tục. Trước thực trạng đó, nhiều xưởng đã chủ động tìm cách xoay xở như gửi mẫu kiểm nghiệm, cam kết chất lượng chè, nếu không đảm bảo sẽ chịu mọi chi phí… Để gỡ khó trước mắt, nhiều xưởng chè chấp nhận bán “hòa vốn” hoặc lãi ít cho các công ty, doanh nghiệp lớn trong nước để thu hồi vốn, có tiền chi trả cho bà con.

Tại tỉnh Nghệ An, dù khó khăn do dịch bệnh mang lại, việc tiêu thụ chè chậm, giá vận chuyển tăng nhưng các chủ xưởng chè vẫn chủ động thu mua, bao tiêu sản phẩm chè tươi cho người trồng, cho người dân ứng tiền trước để mua vật tư, phân bón tái chăm sóc cây chè cho vụ thu hoạch sau.

Theo chia sẻ của ông Phan Đình Đường, chủ xưởng chè ở Hạnh Lâm (Thanh Chương, Nghệ An) cho biết: “Trước những khó khăn, ảnh hưởng từ dịch Covid-19, xưởng vẫn bao tiêu hàng nghìn tấn chè cho bà con, đảm bảo bà con thu hoạch đến đâu sẽ thu mua hết đến đấy. Xuất khẩu bị chậm lại nên nguồn tiền cũng hạn hẹp, gia đình đã huy động vốn vay để chi trả cho bà con kịp thời, giúp bà con có vốn tái đầu tư chăm sóc cây chè”.

Các hộ trồng chè cũng chủ động chia khó với doanh nghiệp về giá cả, nợ vốn, thậm chí hỗ trợ một số công đoạn chế biến chè. Ảnh: Thanh Phúc.

Một số xưởng thì cùng liên kết lại và chia sẻ thị trường cùng nhau, cùng chung nhau xuất khẩu các container chè chất lượng, đồng thời, tìm kiếm đối tác mới, mở rộng thị trường xuất khẩu sang các nước như Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản.

Đồng hành cùng các doanh nghiệp, các hộ trồng chè đã chia sẻ khó khăn bằng cách: nhiều hộ bán nợ chè cho các xưởng không lãi suất; tập trung chăm sóc và thu hái chè búp đạt chất lượng tốt nhất; vào lúc cao điểm chế biến, sẵn sàng hỗ trợ các xưởng chè trong vận chuyển, đóng gói và một số công đoạn chế biến...

Về phía chính quyền địa phương từ xóm, xã đến huyện, nhiều địa phương chú trọng, tổ chức các cuộc gặp gỡ, trao đổi nhằm động viên người dân vượt qua khó khăn khi giá chè xuống thấp, ổn định tư tưởng, tập trung chăm sóc cây chè và chuẩn bị tốt nhất cho việc thu hoạch chè mùa sắp tới, đồng thời chủ động các giải pháp chống hạn cho cây chè. Bên cạnh đó, phối hợp các ban, ngành tạo điều kiện cho các hộ kinh doanh tiếp cận nguồn vốn vay; kiến nghị giãn nợ, giảm lãi suất... để họ ổn định sản xuất, chế biến và bao tiêu chè búp tươi cho người dân. 

Theo nhiều đơn vị, doanh nghiệp sản xuất chè cho biết, về lâu dài, để nâng cao giá trị cây chè, nâng thu nhập cho người dân thì cần thiết phải thay đổi tư duy sản xuất. Đó là hình thành các vùng trồng chè theo chuẩn VietGAP, tạo ra vùng nguyên liệu an toàn để nâng cao chất lượng sản phẩm chè xanh, từ đó chế biến chè khô chất lượng, sạch, đáp ứng các tiêu chí khắt khe từ các thị trường khó tính như Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc... Đồng thời, chế biến sâu thành nhiều sản phẩm khác từ chè xanh...

Cụ thể như ở huyện Thanh Chương (Nghệ An), hiện đã triển khai trồng vùng chè nguyên liệu VietGAP ở xã Thanh Đức với quy mô gần 10ha. Kết quả cho thấy, chè trồng theo chuẩn VietGAP năng suất cao hơn, dư lượng thuốc BVTV trong chè và tồn dư kim loại nặng đều ở dưới mức cho phép. Đây là yếu tố quan trọng để sản phẩm chè Nghệ An cạnh tranh bình đẳng với chè trong nước và thế giới cũng như mở rộng thị trường xuất khẩu. Qua đó, giúp người sản xuất và kinh doanh chè có thêm nhiều cơ hội gia tăng giá trị kinh tế từ cây chè. 

Tạ Thành

Theo KTĐU

Từ khóa: