Vừa qua, Báo Đời sống và Tiêu dùng nhận được đơn thư của các ông bà: Kim Thị San, Kim Đình Thủy, Kim Thị Lâm (thường trú tại thôn Nhân Lý, xã Tam Quan, Huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc) phản ánh về việc thửa đất của gia đình bị chuyển sang cho con dâu mà chưa được sự đồng ý của gia đình.
Theo nội dung đơn, các ông bà Kim Thị San, Kim Đình Thủy, Kim Thị Lâm là con ruột của cụ Kim Đình Hào cho biết, gia đình cụ Hào có thửa đất số 159, tờ bản đồ số 25, diện tích là 2397,7m2 đã sinh sống ổn định, không tranh chấp với ai từ năm 1930. Do trước đây cụ Hào có sống với con trai là Kim Đình Tề (chồng của bà Trần Thị Xuân) nên có ủy quyền cho ông Tề thay cụ nộp tiền thuế đất hàng năm vì cụ Hào tuổi đã cao, sức yếu, đi lại khó khăn. Đến tháng 10 năm 2017, ông Tề mất, để tiện cho việc trông nom chăm sóc, cụ chuyển về sống với con trai lớn là Kim Đình Thủy.
“Tháng 6 năm 2019, gia đình tôi có nộp đơn xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) đối với thửa đất của gia đình thì mới hay tin bà Trần Thị Xuân cũng đang nộp hồ sơ xin cấp GCNQSDĐ đối với thửa đất của gia đình mà trước đó cụ Kim Đình Hào và gia đình không hề hay biết, các ông bà (Kim Thị San, Kim Đình Thủy, Kim Thị Lâm) là con ruột của cụ Kim Đình Hào cho biết”, đơn cho hay.
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Đức Huy - Cán bộ địa chính xã Tam Quan cho biết: “UBND huyện Tam Đảo đã cấp GCNQSDĐ cho hộ bà Trần Thị Xuân vào ngày 31/7/2019 nhưng do phía gia đình vẫn còn tranh chấp nên chưa giao GCNQSDĐ cho bà Xuân”.
Theo Luật đất đai, điều kiện để tặng cho QSDĐ quy định tại khoản 1 Điều 168 Luật đất đai 2003 thì các cá nhân, hộ gia đình được quyền tặng cho đất khi: Trường hợp nhận quyền thừa kế sử dụng đất thì người sử dụng đất được quyền tặng, cho khi có điều kiện để cấp giấy chứng nhận (chưa cần có giấy chứng nhận), đất không có tranh chấp, thủ tục tặng, cho cần có hợp đồng công chứng. Hợp đồng tặng cho QSDĐ hoặc QSDĐ và tài sản khác gắn liền với đất phải được công chứng và chứng thực theo khoản 3 điều 167 luật đất đai 2013.
Đánh giá vụ việc qua góc nhìn pháp lý, Luật sư Lê Thị Thúy Hằng, Công ty Luật Dragon thuộc Đoàn Luật sư TP. Hà Nội nhận định: Trong trường hợp này, do vợ cụ Hào là bà Nguyễn Thị Thục đã chết từ năm 2004 mà không để lại di chúc nên theo điều 676 bộ luật dân sự 2005, những người còn lại (cụ Hào và các con của cụ) có quyền được hưởng thừa kế đối với thửa đất của gia đình theo qui định của pháp luật. Do đó, vấn đề cần xem xét ở đây là UBND huyện Tam Đảo dựa trên căn cứ nào để cấp GCN QSDĐ cho hộ bà Trần Thị Xuân mà không phải là cụ Hào và các con?
Báo Đời sống & Tiêu dùng tiếp tục thông tin về vụ việc!
Phạm Duy - Trung Hiếu
Theo Báo Đời sống & Tiêu dùng