Sự kiện hot
khoảng 1 năm trước

Mặt bằng lãi suất huy động dần dâng cao

Ngoài nguyên nhân chính là tín dụng tăng tốc thì việc mặt bằng lãi suất tăng trở lại còn đến từ sức ép lạm phát trong nước cũng như xu hướng dần thắt chặt chính sách tiền tệ của ngân hàng trung ương các nước lớn trên thế giới.

Lãi suất huy động đồng loạt tăng

Kể từ cuối tháng 4, đầu tháng 5 đến nay, nhiều ngân hàng đã có động thái điều chỉnh biểu lãi suất huy động với các mức tăng từ 0,1-0,3%/năm. Điển hình như SHB tăng mạnh lãi suất huy động thêm khoảng 0,2-0,4 điểm phần trăm tùy vào kỳ hạn.

Cụ thể, tại kỳ hạn 36 tháng khi gửi tại quầy, lãi suất tăng 0,4 điểm phần trăm lên 6,5-6,6%/năm. Theo đó, nếu số dư tiền gửi dưới 2 tỉ đồng sẽ có lãi suất là 6,5%/năm và từ 2 tỉ đồng trở lên sẽ có lãi suất là 6,6%/năm. Tại kỳ hạn 12 tháng, lãi suất huy động của SHB tăng từ mức 5,7-5,8%/năm lên mức 6,1-6,2%/năm. Đối với hình thức gửi trực tuyến, lãi suất cũng tăng khá mạnh tại ngân hàng này.

Một vài ngân hàng khác như ACB, MSB, VietCapitalBank hiện có mức lãi suất cao nhất từ 7-7,1%/năm. Nam A Bank cao nhất là 7,4%/năm. Eximbank cũng cập nhật biểu lãi suất mới hôm 28-4 vừa qua với việc giữ nguyên lãi suất tiền gửi tại quầy, cao nhất là 6%/năm khi gửi từ 15 tháng trở lên. Trong khi đó, đối với hình thức gửi trực tuyến, lãi suất cao nhất tăng lên 6,5%/năm, cao hơn khoảng 0,2 điểm phần trăm so với trước, áp dụng cho khách hàng gửi từ 15 tháng trở lên.

VietCapitalBank cũng cập nhật biểu lãi suất ngày 28-4. Hiện lãi suất huy động cao nhất tại ngân hàng này là 7%/năm khi gửi kỳ hạn 24 tháng theo hình thức trực tuyến. Trong khi đó, với hình thức gửi tại quầy, lãi suất cao nhất là 6,8%/năm khi gửi từ 24 tháng trở lên.

Trước đó, VPBank từ ngày 15-4 cũng đã tăng mạnh lãi suất từ 0,3-0,6 điểm phần trăm so với trước. Lãi suất cao nhất tại ngân hàng này hiện là 6,9%/năm, tuy nhiên chỉ áp dụng cho khách hàng gửi trực tuyến từ 50 tỉ đồng trở lên với kỳ hạn 36 tháng, tăng 0,2 điểm phần trăm so với trước. ABBank trở thành ngân hàng tăng lãi suất huy động mạnh nhất. Với giao dịch tại quầy, ngân hàng này tăng lãi thêm 0,4-0,5 điểm phần trăm một năm cho các kỳ 6, 9 và 12 tháng. Trên kênh trực tuyến, các kỳ gửi phổ biến đều được nâng lãi suất, riêng kỳ 9 tháng được điều chỉnh đến 0,7 điểm phần trăm.

Trong khi đó, tại thị trường liên ngân hàng, lãi suất giao dịch giữa các ngân hàng thương mại vào thời điểm cuối tháng 4 sụt giảm từ 0,5-0,7 điểm phần trăm/năm, nhưng đã tăng trở lại vào đầu tháng 5 này. Cụ thể, lãi suất kỳ hạn qua đêm tăng lên mức 1,56%/năm, kỳ hạn 1 tuần lên mức 1,95%/năm, kỳ hạn 2 tuần lên mức 2,33%/năm. Đồng thời, doanh số giao dịch cũng tăng mạnh ở kỳ hạn qua đêm với 70.000 tỉ đồng, lên mức 225.011 tỉ đồng.

Tín dụng tăng nhanh hơn huy động

Theo số liệu công bố của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tính đến ngày 25-4-2022, tăng trưởng huy động của các ngân hàng đạt khoảng 2,74% so với cuối năm 2021 trong khi tăng trưởng tín dụng đạt 6,75% (đồng nghĩa với việc các ngân hàng đã bơm ra thị trường khoảng 700.000 tỉ đồng trong vòng bốn tháng qua).

Riêng tốc độ tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng trên địa bàn TPHCM là khá nhanh, khoảng 7% so với cuối năm 2021, đạt trên 3 triệu tỉ đồng. Theo đó, đã có một khoảng cách nhất định giữa tăng trưởng cho vay và tăng trưởng huy động vốn tại các ngân hàng thương mại trong quí 1 vừa qua. Một số ví dụ như tăng trưởng tín dụng tại Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) đạt 5,2% trong khi huy động tăng 1,6%; tại Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) tăng trưởng tín dụng 6,9% trong khi huy động tăng 3,7%…

Nhu cầu tín dụng tăng mạnh đã khiến một số ngân hàng thương mại chạm đến hoặc gần với tỷ lệ tăng trưởng tín dụng được NHNN cấp nên khả năng nhiều ngân hàng sẽ phải xin thêm room tín dụng là rất cao. Tín dụng tăng đã buộc các ngân hàng phải đẩy mặt bằng lãi suất huy động lên nhằm thu hút nguồn vốn quay trở lại kênh tiết kiệm, chuẩn bị tốt thanh khoản đáp ứng nhu cầu vốn trong sáu tháng cuối năm. Nhưng điều này lại mang đến một hệ quả là các doanh nghiệp sớm muộn sẽ phải chịu một mức lãi suất cho vay cao hơn bởi khi lãi suất huy động tăng thì lãi suất cho vay cũng sẽ tăng.

Bên cạnh việc gặp khó khăn về dòng tiền sau đại dịch Covid-19 thì việc chi phí lãi vay tăng có thể sẽ khiến nhiều doanh nghiệp phải thu hẹp hoạt động, không thể mở rộng đầu tư, tăng cường sản xuất. Trong khi đó, chính sách hỗ trợ 2% lãi suất cho vay thông qua hệ thống ngân hàng đối với các khoản vay thương mại cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh được đưa ra từ đầu năm 2022 đến nay vẫn chưa đi vào triển khai.

Nhìn chung, ngoài nguyên nhân chính là tín dụng tăng tốc thì việc mặt bằng lãi suất tăng trở lại còn đến từ sức ép lạm phát trong nước cũng như xu hướng dần thắt chặt chính sách tiền tệ của các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới, điển hình là Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed). Trong cuộc họp chính sách mới nhất vào đầu tháng 5, Fed đã thông báo nâng lãi suất thêm 0,5 điểm phần trăm. Theo đó, lãi suất tham chiếu tại Mỹ hiện nằm trong khoảng 0,75-1%/năm.

Trước đó, hồi tháng 3-2022, cơ quan này cũng lần đầu tiên tăng lãi suất trở lại (0,25 điểm phần trăm) kể từ lần cuối cùng vào cuối năm 2018. Mặc dù vậy, nhận định từ giới chuyên gia đều cho rằng ảnh hưởng của việc Fed thắt chặt tiền tệ đến mặt bằng lãi suất ở Việt Nam là có nhưng sẽ không quá lớn. Lý do là kinh tế Việt Nam mở cửa “trễ” hơn một nhịp so với các nền kinh tế lớn nên sự phục hồi của nhu cầu tiêu dùng chưa quá mạnh.

Bên cạnh đó, tình hình lạm phát của Việt Nam ở thời điểm hiện tại cũng chưa “nóng” đến mức buộc cơ quan điều hành phải có động thái thắt chặt tiền tệ ngay. Trên cơ sở đó, các dự báo nhìn chung đều cho rằng mặt bằng lãi suất trong nước sẽ tăng từ nay cho đến cuối năm nhưng mức tăng sẽ không quá lớn, chỉ trên dưới 0,5 điểm phần trăm.

Với bối cảnh như vậy, việc chuẩn bị cho kịch bản lãi suất dâng cao lên một mặt bằng mới là cần thiết đối với các doanh nghiệp nhưng các kế hoạch kinh doanh cũng không nên vì thế mà ở trạng thái thận trọng quá mức đến nỗi phải dừng hay tạm hoãn việc mở rộng sản xuất kinh doanh!

Linh Trang
Theo nhadautu.vn

Từ khóa: