Sự kiện hot
13 năm trước

Một tuần thêm 1.500 ca mắc tay chân miệng

Chỉ trong vòng một tuần vừa qua, cả nước đã có thêm 1.403 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng.

Chỉ trong vòng một tuần vừa qua, cả nước đã có thêm 1.403 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng.

Khó kiểm soát bệnh tay chân miệng

Tính từ đầu năm 2012 đến 21/2, cả nước có 6.328 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng. Từ ngày 22 - 29/2 có thêm 1.403 ca mới, nâng tổng số mắc trên cả nước lên con số 7.731 bệnh nhân, trong đó có 9 bệnh nhân tử vong.

Đây là tuần có số ca mắc mới tăng vọt so với các tuần trước đây (tính từ đầu năm 2012). Các tuần trước đây mỗi tuần chỉ ghi nhận từ 900 -1.000 ca mắc mới.

Dịch tay chân miệng được Cục Y tế dự phòng nhận định là vẫn đang diễn biến phức tạp với số mắc trên phạm vi cả nước vẫn ở mức cao. Khu vực nóng bỏng của đợt dịch này đang tập trung ở các tỉnh miền Trung.


Dịch tay chân miệng diễn biến phức tạp ngay từ đầu năm (Ảnh: VietNamNet)

Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cũng đưa ra dự báo trong năm 2012 bệnh vẫn có những diễn biến phức tạp trên diện rộng với số mắc cao vì bệnh do vi rút đường ruột, lây theo đường tiêu hoá và tiếp xúc trực tiếp.

Hiện nay, có nhiều tuýp vi rút gây bệnh, một người có thể mắc nhiều tuýp vi rút khác nhau, đặc biệt sự lưu hành của tuýp vi rút EV71 cao nên có nguy cơ diễn biến bệnh cảnh lâm sàng nặng, dễ gây tử vong.

Điều khó khăn trong việc kiểm soát bệnh tay chân miệng là tỷ lệ người lành mang trùng rất cao. Theo kết quả của một số nghiên cứu cho thấy tỷ lệ người lành mang trùng trong các ổ dịch cao tới 71%, thời gian thải trùng kéo dài tới 6 tuần, tỷ lệ người chăm sóc trẻ áp dụng biện pháp rửa tay phòng bệnh còn thấp.

Hiện nay, bệnh chưa có vắc xin phòng bệnh, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Hiện nay bệnh tay chân miệng đang có xu hướng tăng cao tại nhiều nước trong khu vực

Trước tình hình thời tiết bất lợi như hiện nay, Cục Y tế dự phòng khuyến cáo mạnh mẽ người dân cần giữ gìn vệ sinh sạch sẽ, rửa tay với xà phòng nhiều lần/ngày và thực hiện ăn chín uống sôi.

Chủ động ứng phó dịch cúm mới xuất hiện

Mới đây, Trung tâm Dự phòng và kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ (CDC) đã ra thông báo về việc tại bang Iowa của nước này đã phát hiện 3 trường hợp nhiễm chủng virut cúm mới.

Theo đó, chủng virut cúm mới có tên S-OtrH3N2 là chủng virut nguy hiểm hơn do biến chủng tái tổ hợp từ chủng cúm A/H1N1 đại dịch năm 2009 và cúm A/H3N2 có nguồn gốc từ lợn. Tại nước ta cho tới thời điểm này chưa ghi nhận trường hợp nào mắc chủng virus cúm mới S-OtrH3N2.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Văn Bình, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, với nhiều loại virus cúm mùa thông thường như cúm B, cúm A/H1N1, H3N1, H5N1… có mặt ở nước ta thì việc các chủng virut cúm này kết hợp với nhau hoặc biến chủng tạo nên virus cúm mới có độc lực cao và nguy hiểm hơn có thể xảy ra.

Mặc dù cúm A/H1N1 và H3N2 đã tái tổ hợp với nhau tạo chủng virut cúm mới nhưng đáng lo ngại vẫn là sự tái tổ hợp giữa cúm A/H5N1 kết hợp với chủng cúm A/H1N1. Vì chủng H1N1 có khả năng lây lan rất nhanh, còn chủng H5N1 có độc lực mạnh nên nguy cơ xảy ra dịch cúm độc lực mạnh, lây lan nhanh trên diện rộng là rất cao.

Trước diễn biến này, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) đã có công điện gửi các Viện vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur yêu cầu chủ động phòng, chống dịch cúm mới xâm nhập và lây lan tại Việt Nam, nhất là trong điều kiện thời tiết lạnh và diễn biến bất thường như hiện nay.

N.Anh
Theo Vietnamnet

Từ khóa: