Sự kiện hot
4 năm trước

Mưa cổ tức tiền mặt từ hàng chục doanh nghiệp, cao nhất 3.000 đồng/cp

Trong tuần từ 11/5 đến 17/5 trên thị trường chứng khoán Việt Nam có 39 doanh nghiệp chốt quyền trả cổ tức, tất cả đều bằng tiền mặt. Tỷ lệ cao nhất là 30% mệnh giá, tương đương 3.000 đồng/cp.

Chứng khoán HSC (Mã: HCM) chuẩn bị chốt quyền nhận cổ tức tiền mặt 700 đồng/cp. (Ảnh minh họa: HSC).  

Nhiều doanh nghiệp đã tổ chức xong đại hội cổ đông thường niên 2021, kế hoạch cổ tức đã được thông qua nên số doanh nghiệp chốt quyền cổ tức trong tuần tới tăng đột biến so với các tuần trước. 

Một số doanh nghiệp đáng chú ý gồm:

CTCP Chứng khoán TP Hồ Chí Minh (HSC - Mã: HCM) có kế hoạch trả cổ tức 700 đồng/cp. Ngày chốt quyền và ngày thanh toán tương ứng là 12/5 và 27/5. HSC hiện có vốn điều lệ 3.058 tỷ đồng và do vậy sẽ cần chi ra khoảng 214 tỷ đồng để thanh toán cho cổ đông.

Trong quý I vừa qua, Chứng khoán HSC báo lãi sau thuế 321 tỷ đồng, cao gấp 3,2 lần cùng kỳ 2020. Các mảng hoạt động chính như tự doanh, môi giới, cho vay ký quỹ đều khởi sắc.

Tại ngày cuối quý I/2021, các cổ phiếu chiếm tỷ trọng lớn nhất trong danh mục của Chứng khoán HSC là HPG (Tập đoàn Hòa Phát) và MWG (Thế Giới Di Động), trị giá đều trên hàng trăm tỷ đồng. Tuy vậy, tổng giá trị danh mục tự doanh đã giảm hơn 1.200 tỷ so với ngày đầu năm, các cổ phiếu VNM (Vinamilk) và MBB (Ngân hàng Quân Đội) đã bị bán sạch.

CTCP May Sông Hồng (Mã: MSH) dự định trả cổ tức bằng tiền mặt tỷ lệ 30%. Ngày đăng ký cuối cùng và ngày thanh toán lần lượt là 14/5 và 26/5.

Số cổ phiếu MSH đang lưu hành là hơn 50 triệu đơn vị, tức là May Sông Hồng sẽ cần chi khoảng 150 tỷ đồng để thanh toán cho cổ đông. 

Tại ngày 31/3, cổ đông lớn nhất của May Sông Hồng là Chủ tịch HĐQT Bùi Đức Thịnh với tỷ lệ sở hữu 23,91%. Trong đợt cổ tức tới, ông Thịnh sẽ thu về gần 36 tỷ đồng. Tổng Giám đốc Bùi Việt Quang (con trai Chủ tịch Thịnh) nắm giữ 11,35% vốn và do vậy sẽ được nhận 17 tỷ đồng tiền cổ tức.

  • May Sông Hồng chốt ngày trả cổ tức 30% bằng tiền

CTCP Chứng khoán FPT (FPTS) cũng là một cổ đông lớn sở hữu xấp xỉ 13% vốn của May Sông Hồng. Vì vậy, FPTS sẽ được nhận khoảng 19,4 tỷ đồng. 

Công ty chứng khoán này là một trong những cổ đông lâu năm của May Sông Hồng, sở hữu 6,48 triệu cổ phiếu MSH với giá gốc chỉ khoảng 2.000 đồng/cp.

Kết phiên 7/5, thị giá MSH dừng ở 52.500 đồng/cp, tức cao gấp 26 lần giá vốn của FPTS, lợi nhuận trên sổ sách công ty chứng khoán này lên tới hàng trăm tỷ đồng.

Trong quý I/2021, May Sông Hồng ghi nhận doanh thu thuần 945 tỷ đồng, tăng 1% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhờ tiết kiệm chi phí và kiểm soát giá vốn, lợi nhuận sau thuế bật tăng 44% lên 92 tỷ. 

CTCP Harec Đầu tư và Thương mại (Mã: HRB) cũng dự định trả cổ tức bằng tiền mặt 3.000 đồng/cp. Ngày chốt quyền và thanh toán lần lượt là 17/5 và 1/6.

Quỹ Đầu tư tăng trưởng Thiên Việt 2 (Mã: FUCTVGF2) dự kiến trả lợi tức năm 2020 với giá trị 2.000 đồng/cp. Đây là quỹ do CTCP Quản lý quỹ Thiên Việt quản lý, tổng số chứng chỉ quỹ đang lưu hành là 17 triệu đơn vị. 

Vì vậy, Thiên Việt sẽ cần bỏ ra 34 tỷ đồng trong đợt này. Ngày chốt quyền và ngày thanh toán dự kiến lần lượt là 14/5 và 26/5.

Danh sách doanh nghiệp chốt quyền trả cổ tức tuần tới (Tổng hợp từ VNDirect):

STT Mã CK Chi tiết Ngày giao dịch
không hưởng quyền
1 HCM Đợt 2/2020 (700 đ/cp) 11/5
2 TQN Năm 2020 (2.228 đ/cp) 11/5
3 BNW Đợt 2/2020 (381 đ/cp) 11/5
4 TDW Năm 2020 (1.200 đ/cp) 12/5
5 SEB Đợt 1/2021 (700 đ/cp) 12/5
6 HPW Năm 2020 (800 đ/cp) 12/5
7 SEB Đợt 4/2020 (800 đ/cp) 12/5
8 DAP Năm 2020 (2.000 đ/cp) 12/5
9 VDT Năm 2020 (1.500 đ/cp) 13/5
10 INN Năm 2020 (2.000 đ/cp) 13/5
11 FUCTVGF2 Năm 2020 (2.000 đ/cp) 13/5
12 BTW Năm 2020 (1.300 đ/cp) 13/5
13 VQC Năm 2020 (1.500 đ/cp) 13/5
14 NAC Năm 2020 (1.500 đ/cp) 13/5
15 GIC Năm 2020 (1.200 đ/cp) 13/5
16 DRL Năm 2021 (220 đ/cp) 13/5
17 DRL Đợt 4/2020 (1.780 đ/cp) 13/5
18 NDW Năm 2020 (650 đ/cp) 13/5
19 QSP Năm 2020 (1.700 đ/cp) 13/5
20 MSH Năm 2020 (3.000 đ/cp) 13/5
21 BED Năm 2020 (2.300 đ/cp) 13/5
22 VBG Năm 2020 (350 đ/cp) 13/5
23 DCI Năm 2020 (1.500 đ/cp) 13/5
24 BHG Năm 2020 (61,44 đ/cp) 13/5
25 TTD Đợt 3/2020 (1.400 đ/cp) 13/5
26 TB8 Năm 2020 (1.500 đ/cp) 14/5
27 CLM Năm 2020 (2.000 đ/cp) 14/5
28 VWS Đợt 2/2020 (400 đ/cp) 14/5
29 BGW Năm 2020 (424 đ/cp) 14/5
30 ICS Năm 2020 (1.610 đ/cp) 14/5
31 CCR Năm 2020 (700 đ/cp) 14/5
32 HRB Năm 2020 (3.000 đ/cp) 14/5
33 VIM Năm 2020 (1.900 đ/cp) 17/5
34 TVD Năm 2020 (700 đ/cp) 17/5
35 PPC Đợt 3/2020 (1.894 đ/cp) 17/5
36 NNT Năm 2020 (2.500 đ/cp) 17/5
37 HKP Năm 2019 (154 đ/cp) 17/5
38 HKP Năm 2018 (222 đ/cp) 17/5
39 HKP Năm 2020 (1.002 đ/cp) 17/5
40 HKP Năm 2017 (23 đ/cp) 17/5
41 USD Năm 2020 (1.100 đ/cp) 17/5
42 ICN Đợt 2/2020 (1.000 đ/cp) 17/5

Song Ngọc

Theo Kinh tế & Tiêu dùng 

Từ khóa: