Sự kiện hot
5 năm trước

Nghệ An: Sống cạnh bãi rác, người dân kêu cứu

Hàng trăm người dân gần Khu liên hợp xử lý chất thải rắn ở xã Nghi Yên, huyện Nghi Lộc (Nghệ An) đang phải sống chung với không khí, nguồn nước bị ô nhiễm nhiều năm nay do bãi rác, đang ngày đêm chờ đợi chính quyền di dời về nơi ở mới…

Dân khốn khổ vì bãi rác gây ô nhiễm?

Khu liên hợp xử lý chất thải rắn ở xã Nghi Yên (huyện Nghi Lộc) đi vào hoạt động từ tháng 9/2011, đây là nơi trực tiếp thu nạp, xử lý rác thải toàn khu vực thành phố Vinh, thị xã Cửa Lò, huyện Nghi Lộc và một phần của huyện Hưng Nguyên. Dự án khu liên hợp xử lý chất thải rắn của tỉnh Nghệ An được đầu tư xây dựng tại xóm 4, xã Nghi Yên, huyện Nghi Lộc, trên diện tích 53ha, công suất xử lý 300 tấn/ngày và hiện đang được Công ty CP Môi trường và Công trình đô thị Nghệ An khai thác và quản lý.

Khu liên hợp xử lý chất thải rắn xã Nghi Yên
Khu liên hợp xử lý chất thải rắn xã Nghi Yên

Hằng ngày hàng trăm hộ dân nơi đây phải sống chung với môi trường ô nhiễm do khói, bụi và mùi hôi bốc lên từ Khu liên hợp này. Ông Nguyễn Xuân Khanh sống cạnh bãi rác cho biết: “Gia đình anh phải di nơi khác ở vì ô nhiễm, nhiều hôm khói bao phủ cả vùng không thở được. Mùi rác mình ở nhiều đêm quen còn đỡ nhưng còn mùi đốt rác từ ống khói lò bay ra buồn nôn. Vào những lúc trời mưa, mùi khói quẩn dưới không bay được lên cao càng khổ”.

Nhà của ông Trần Châu Mỹ, cách hàng rào Khu xử lý rác thải rắn khoảng 100m, nhiều năm sống trong cảnh ô nhiễm, ông than thở: “Đã gần 8 năm rồi, ở đây tồn tại nhiều mùi, không chỉ có mùi khét, mùi thối mà còn nhiều loại mùi khác quẩn lại, ruồi thì nhiều không xuể. Tôi và nhiều người ở đây mong muốn di dời đến nơi ở mới ngày sớm nào hay ngày đó”.

Hằng ngày khói bụi bay vào khu dân cư khiến người dân hết sức cực khổ
Khu liên hợp xử lý chất thải rắn xã Nghi Yên

Còn ông Trần Đình Lương, nhà cách Khu liên hợp xử lý rác thải rắn hơn nửa cây số, nhưng ông vẫn phải chịu đựng sự ô nhiễm từng ngày cũng đành chấp nhận sống chung: mùi thối đậm đặc nên đêm trời nóng nhà cũng phải đóng cửa hết, tối không ngủ được, giếng đào cũng bốc mùi hôi nên không dám sử dụng, trẻ con trong xóm nhiều đứa đi viện vì bị viêm phổi. Tái định cư hứa năm này qua năm khác nhưng mãi không thấy thực hiện, nhìn đám trẻ đang chơi đầu ngõ, ông Đô than thở: “Chúng tôi già không nói làm gì nhưng chỉ tội trẻ con...”

Mỏi mòn chờ đợi tái định cư

Được biết, không thể chịu cảnh sống chung với môi trường ô nhiễm, cuối tháng 5/2018, nhiều hộ dân ở xóm 4 đã tập trung chặn xe chở rác không cho vào đổ trong khu liên hợp. Sau đó, chính quyền huyện Nghi Lộc, xã Nghi Yên tổ chức vận động tuyên truyền để cho nhân dân hiểu và chia sẻ những khó khăn chung, huyện Nghi Lộc cũng cam kết với người dân sẽ di dời 75 hộ trong thời gian sớm nhất. Sở Tài nguyên & Môi trường tỉnh Nghệ An cùng các ngành chức năng đã vào cuộc để kiểm tra việc chôn lấp và đốt rác ở lò xử lý rác thải rắn.

Ông Hoàng Phúc Nam - Phó Chủ tịch UBND xã Nghi Yên cho biết: Năm 2010, xã Nghi Yên mới tiến hành tái định cư 39 hộ dân để lấy đất xây dựng Khu liên hợp xử lý rác thải rắn. Xã đã khảo sát diện tích cụ thể của từng hộ dân để đưa vào danh sách xây dựng phương án đền bù.

Tháng 2/2017, UBND huyện Nghi Lộc tiến hành khảo sát, thống kê các hộ dân bị ảnh hưởng và báo cáo với UBND tỉnh Nghệ An về phương án di dời các hộ dân, đã quy hoạch khu tái định cư rộng gần 6 ha tại xóm 3, xã Nghi Yên, nay đã phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1: 500. Tổng dự án khu tái định cư là 51 tỷ đồng, đây là nguồn từ ngân sách tỉnh, TP Vinh, thị xã Cửa Lò và huyện Nghi Lộc.

Ông Nguyễn Thanh Hải - Phó chủ tịch UBND huyện Nghi Lộc chia sẻ: Hơn 50 tỷ là tiền để đầu tư xây dựng hạ tầng khu tái định cư. Còn nếu tổng dự án bồi thường, hỗ trợ di dời tái định cư các hộ dân ước khoảng 200 tỷ đồng.

Còn ông Thái Văn Nông - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên & Môi trường tỉnh Nghệ An khẳng định: Sau khi làm việc với huyện Nghi Lộc và xã Nghi Yên, Sở đã có văn bản đề nghị UBND tỉnh sớm giải quyết di dời các hộ dân, vì việc tái định cư cho các hộ dân bị ảnh hưởng rất phù hợp với điều kiện hiện nay. Đối với việc xử lý rác thải tại khu liên hợp, Sở yêu cầu doanh nghiệp phải nâng cấp lò đốt, hạn chế khói xả ra môi trường; Công ty CP Môi trường và Công trình đô thị Nghệ An hạn chế việc xả nước rỉ ra ngoài bằng cách bơm ngược lại để các bể chứa tạo sự tuần hoàn các bể; đồng thời yêu cầu TP Vinh đầu tư thêm một khâu xử lý nước thải đạt chuẩn trước khi thải ra môi trường.

Được biết, ngày 10/8/2018, UBND tỉnh Nghệ An có Công văn “hỏa tốc” gửi các bên liên quan về việc tăng cường công tác đảm bảo môi trường tại Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Nghi Yên, huyện Nghi Lộc. Trong đó có nội dung, yêu cầu Sở TN&MT tỉnh Nghệ An chủ trì phối hợp cùng UBND TP. Vinh và các cơ quan có liên quan tăng cường, thường xuyên kiểm tra việc xử lý rác thải và công tác đảm bảo môi trường tại Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Nghi Yên. UBND tỉnh cũng yêu cầu UBND huyện Nghi Lộc tập trung đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các thủ tục để triển khai xây dựng hạ tầng tái định cư, phấn đấu hoàn thành trong quý II/2019 để di dời tái định cư các hộ dân trong phạm vi ảnh hưởng theo quy định của pháp luật. Tăng cường công tác kiểm tra, nắm bắt tình hình về môi trường và an ninh trật tự khu vực, tuyên truyền, giải thích và vận động nhân dân.

Trước đó, ngày 13/6/2018, UBND tỉnh Nghệ An cũng đã có văn bản số 4175/UBND-CN, về tập trung xử lý các vấn đề liên quan đến Khu xử lý chất thải rắn Nghi Yên. Trong đó, UBND tỉnh Nghệ An yêu cầu Công ty CP Galax – Chi nhánh Nghệ An (nằm trong khuôn viên Khu liên hợp) giảm công suất lò đốt rác; không đốt rác khi trời nhiều mây, mưa; rác thải trước khi đốt phải được ủ, sấy để giảm độ ẩm và mùi; không được đốt rác mới tiếp nhận; Nghiêm cấm dùng lò đốt rác thải sinh hoạt để đốt rác thải y tế…

Tuy nhiên, theo phản ánh của người dân cũng như ghi nhận của phóng viên mặc dù trời mưa, mây mù dày đặc nhưng đơn vị này vẫn tiến hành đốt rác khiến khói và mùi hôi, khét bao trùm cả khu vực này. Mặc dù các cấp chính quyền Nghệ An đã đưa ra các văn bản yêu cầu đơn vị doanh nghiệp tuân thủ các quy định, đồng thời lấp phương án để di dời hàng trăm hộ dân ra khỏi khu vực ô nhiễm, đã gần 8 năm qua người dân sống bên cảnh bãi rác vẫn mỏi mòn chờ đợi.

Nguyễn Nghị
Theo Báo Đời sống & Tiêu dùng

Từ khóa: