Tháng 7.2011, có ba trẻ em ở Dăk Lăk vì ăn quả rừng mà tử vong. Báo chí cũng từng thông tin có du khách lên núi khám phá rừng nguyên sinh đã thử nhấm nháp trái mã tiền vì ngỡ là cam rừng dẫn đến ngộ độc suýt chết.
Tháng 7.2011, có ba trẻ em ở Dăk Lăk vì ăn quả rừng mà tử vong. Báo chí cũng từng thông tin có du khách lên núi khám phá rừng nguyên sinh đã thử nhấm nháp trái mã tiền vì ngỡ là cam rừng dẫn đến ngộ độc suýt chết.
Cam thảo dây.
Ở nhiều địa phương nhất là các vùng rừng núi rẻo cao, người dân thường sử dụng một số cây thuốc theo kinh nghiệm riêng, đôi khi không qua kiểm nghiệm hoặc thử độc tính. Có những cây cỏ được xếp vào danh mục thuốc độc, đã bị loại bỏ nhưng chính quyền địa phương không nhắc nhở hoặc cấm sử dụng, để xảy ra những trường hợp tử vong do ăn nhầm cây hoặc trái có độc tính. Ngoài ra, còn một số cây, trái phổ biến khác, vẫn còn được dùng trong các bài thuốc dân gian và đã gây ra những vụ ngộ độc thực phẩm chết người mà không phải ai cũng biết để cảnh giác. Chúng chính là:
Cây vòi voi (Heliotropium indicum L hoặc Heliotripium anisophyllum P de B.), có chứa alcaloid pyrrolizidin trước đây vẫn dùng điều trị phong thấp, đau nhức, mụn nhọt. Người ta tình cờ phát hiện độc tính của chúng khi theo dõi tình trạng cừu chết hàng loạt ở Úc sau khi ăn loại lá cây này. Alcaloid huỷ hoại tế bào gan, có thể gây ung thư gan. Cây không được đưa vào danh mục cây thuốc nhưng ở nhiều vùng nông dân vẫn dùng vòi voi chữa đau khớp.
Cây sóng rắn (Albizia myriophylla Benth), hoạt chất của nó có thể ức chế hệ thần kinh vị giác và gây tê liệt. Vỏ cây có mùi thơm của cam thảo nên rất dễ nhầm với cam thảo bắc (thường dùng để làm lớp áo cho các loại ô mai).
Hạt thầu dầu (Ricinus communis, họ thầu dầu), dân gian hay dùng làm thuốc tẩy xổ, trong hạt có kèm độc tố ricin rất độc: chỉ cần 5 – 6 hạt là có thể khiến một bé nhỏ tử vong, 9 – 10 hạt đủ giết một người lớn! Cây lại được trồng nhiều ở nơi công cộng, vệ đường, rất vừa tầm tay trẻ con nên cần chú ý quan tâm.
Cam thảo dây (Abrus precatorius, họ đậu), dây lá như lá me, quả giống quả đậu nhưng bên trong mang những hạt có màu đỏ – đen rất đẹp, dễ thu hút trẻ con, có chứa abrin cũng là độc tố gây chết người dù chỉ nhai vài hạt!
Lá ngón.
Mã tiền (Strychnos nux vomica) có trái trông giống trái cam nhưng trong hạt chứa nhiều alcaloid độc, nếu ăn nhầm sẽ bị co quắp toàn thân và tê liệt cơ hô hấp gây ngạt thở dẫn đến tử vong.
Trúc đào (Nerium oleander), hay được trồng làm cảnh, rất đẹp nhưng trong lá lại chứa một hoạt chất có tác động trên tim. Chất nhựa trong lá trúc đào có thể làm loét giác mạc, kích ứng da, ăn vào sẽ gây nôn mửa, yếu cơ, loạn nhịp tim, nhĩ thất phân ly và tử vong.
Móc gai hay móc hùm (thuộc nhiều loài gồm Capparis versicolor, Capparis tomentosa, Capparis moonnii, họ màn màn), quả hình trứng như quả dâu da, ruột quả cũng có một lớp cơm nhầy bao bọc như quả dâu, trong chứa glycosid có thể gây ức chế thần kinh trung ương dẫn đến tử vong.
Lá ngón còn gọi là cây rút ruột (Gelsemium elegans), nếu nhầm với dây đau xương (được dùng làm thuốc bổ gân cốt) thì có thể khiến người bệnh mất mạng.
Nên nhớ không có ranh giới giữa thức ăn, thuốc và chất độc. Sự khác biệt giữa chúng chỉ ở liều lượng và cách dùng. Vì vậy cần cảnh giác người dân địa phương nhắc nhở con em mình không ăn những loại quả lạ để tránh hậu quả đáng tiếc. Trong trường hợp ngộ độc, khi thấy những triệu chứng khó chịu có thể cho uống sữa hoặc nước sắc cam thảo bắc, hoặc những loại nước sắc từ các cây cỏ có nhiều chất chát (tannin) để làm kết tủa chất độc, không cho ngấm vào máu, sau đó tìm cách cho nạn nhân nôn ra để loại độc chất.
Cây vòi voi.
Trúc đào.
Hạt thầu dầu.
Cây sóng rắn
Móc gai.
Mã tiền.
DS Lê Kim Phụng
Nguyên giảng viên đại học Y dược TP.HCM.
ảnh: Trung Phùng, Như Quỳnh, K.A.N.
Theo SGTT