Sự kiện hot
2 năm trước

Phát huy vai trò của nhân dân trong giám sát, phản biện, góp ý kiến xây dựng Đảng

Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, thu hút sự quan tâm chú ý đặc biệt của đông đảo cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. Hầu hết các ý kiến của các nhà khoa học đều cho rằng, Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã đề cập đến những vấn đề rất cấp thiết và quan trọng đối với đất nước trong tình hình hiện nay.

Chú thích ảnh

Toàn cảnh phiên bế mạc Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, ngày 7/10/2021. Ảnh: Trí Dũng/TTXVN

Củng cố niềm tin của nhân dân

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Bùi Thị An, nguyên Đại biểu Quốc hội khóa XIII, Chủ tịch Hội Hóa học Hà Nội (Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Hà Nội) bày tỏ, quan điểm chỉ đạo và quyết tâm mạnh mẽ của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng tại Hội nghị lần thứ tư đã nhận được sự đồng thuận, đánh giá cao của cán bộ, đảng viên và nhân dân, củng cố niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng.

Từ thực tiễn công tác của Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Hà Nội, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Bùi Thị An cho rằng, trong thời gian tới để góp phần xây dựng, chỉnh đốn Đảng, chúng ta cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, giữ gìn kỷ cương, kỷ luật ở các cơ sở, tổ chức Đảng một cách thường xuyên, nghiêm túc; chú trọng phát huy đầy đủ, hiệu quả vai trò của nhân dân trong việc giám sát, phản biện, góp ý kiến xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền thông qua các Liên hiệp hội và các tổ chức chính trị - xã hội.

Bên cạnh đó, tại mỗi cơ sở, tổ chức Đảng, cần quan tâm, chú trọng giáo dục cán bộ, đảng viên tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng, giữ vững lập trường tư tưởng, tư cách đạo đức, tác phong đảng viên mẫu mực… Đồng thời, tại mỗi chi bộ, cấp ủy cần thực hiện nghiêm túc nguyên tắc tập trung dân chủ, nguyên tắc tự phê bình và phê bình, đánh giá và sử dụng, bố trí đảng viên hiệu quả, đúng người đúng việc…Từ đó, mỗi cán bộ, đảng viên có cơ hội phát huy sở trường, năng lực làm việc, hết lòng phục vụ đất nước, phục vụ nhân dân, làm tròn bổn phận, chức trách được giao. Tinh thần làm việc trong sáng sẽ là điều kiện tiên quyết để cán bộ, đảng viên có lối sống, đạo đức chuẩn mực, trung thành với lý tưởng và sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc, tôn trọng các quy định pháp luật, đồng cảm với những khó khăn, vướng mắc của người dân…

Nhận định về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, Tiến sỹ Chu Thái Thành, nguyên Tổng Biên tập Tạp chí Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, thời gian qua, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng đã thu được nhiều kết quả tích cực, được mọi tầng lớp nhân dân biểu dương, ghi nhận, trong đó, thể hiện rõ nhất trong việc xử lý nghiêm minh cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, hành vi tham nhũng, tiêu cực và những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ. Có những cán bộ, đảng viên, tướng lĩnh cấp cao do sai phạm đã bị xử lý đúng quy định pháp luật, tạo lòng tin trong nhân dân, cho thấy việc "nói đi đôi với làm", "không có vùng cấm" trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng thời gian qua. Tuy nhiên, tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" vẫn chưa được ngăn chặn, đẩy lùi một cách căn bản, thậm chí có mặt còn diễn biến tinh vi, phức tạp hơn, có thể gây ra những hậu quả khôn lường.

Nguyên nhân chính bắt nguồn từ chủ nghĩa cá nhân, bản thân cán bộ, đảng viên thiếu tu dưỡng, rèn luyện; lập trường tư tưởng không vững vàng, quên mất trách nhiệm, bổn phận trước Đảng, trước dân. Ngoài ra, nguyên tắc tập trung dân chủ bị buông lỏng, nguyên tắc tự phê bình và phê bình thực hiện không nghiêm; quản lý cản bộ, đảng viên còn lỏng lẻo...

Theo Tiến sỹ Chu Thái Thành, Đảng ta cần tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp nhằm "tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ". Các giải pháp trọng tâm về xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược và người đứng đầu, có đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ cần tập trung ưu tiên thực hiện. Công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng cần tập trung hoàn thiện luật pháp, cơ chế, chính sách, kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, xử lý nghiêm cán bộ sai phạm; phát huy vai trò giám sát của nhân dân, báo chí và công luận.

Kiểm soát dịch hiệu quả, đảm bảo an sinh

Đối với thực tế diễn biến dịch COVID-19, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Bùi Thị An cho rằng, không chỉ Chính phủ chủ động, mà chính quyền địa phương các cấp cũng rất chủ động trong ứng phó với tình hình. Trong cuộc chiến này, trên nóng, dưới cũng nóng. Hiệu lực, hiệu quả của chính quyền địa phương và nhân dân đã thể hiện rất rõ ở sự vào cuộc tích cực, quyết liệt của cả hệ thống chính trị, đặt sức khỏe, tính mạng của người dân lên hàng đầu. Nhiều cấp chính quyền đã mạnh dạn áp dụng những biện pháp phù hợp với đặc thù của địa phương mình, đi trước một bước để ứng phó với diễn biến của dịch.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Bùi Thị An, một trong những điều quan trọng trong giai đoạn tới là không được có tâm lý thỏa mãn, coi nhẹ dịch bệnh khi có dấu hiệu lắng xuống; cần rút kinh nghiệm những tồn tại, hạn chế để có giải pháp tốt hơn; phải đặt mục tiêu an toàn là trên hết. Đặc biệt, phải chuyển trạng thái từ "không COVID-19" sang "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch COVID-19", trong đó, có sự tham gia ý kiến của doanh nghiệp. Doanh nghiệp là một trong những tổ chức  bị ảnh hưởng nặng nề do dịch COVID-19, vì thế, doanh nghiệp cần được tiếp cận vốn, vay vốn để phục hồi sản xuất, kinh doanh, nhất là doanh nghiệp cần phải cơ cấu lại ngành nghề thích hợp với điều kiện tình hình mới, đặc biệt phải có trách nhiệm đảm bảo an toàn, đời sống cho công nhân

Trong công tác phòng, chống dịch, kiên định thực hiện theo hướng phong tỏa hẹp nhất có thể; phòng, chống dịch dựa trên 4 trụ cột: "cách ly, xét nghiệm, điều trị và ý thức của nhân dân". Trong lãnh đạo, chỉ đạo và xây dựng chính sách thống nhất từ trên xuống dưới, nhưng khi tổ chức thực hiện linh hoạt, căn cứ tình hình cụ thể, và phải có kiểm soát. 

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Bùi Thị An nhấn mạnh, các cơ quan chức năng cần có biện pháp xử lý nghiêm đối với các hành vi không chấp hành các quy định về phòng, chống dịch bệnh; có các chính sách hỗ trợ trong tình hình dịch COVID-19 có diễn biến phức tạp, đặc biệt là các chính sách hỗ trợ mua vật tư, trang thiết bị sản xuất, việc hỗ trợ tạo việc làm đối với người lao động bị thất nghiệp do ảnh hưởng dịch COVID-19. Song song với đó, chính quyền cần quan tâm tới chế độ chính sách cho cán bộ Mặt trận, Đảng, đoàn thể chính trị - xã hội ở cơ sở; cán bộ tham gia Tổ phòng, chống COVID-19 cộng đồng…

Đánh giá về công tác phòng, chống dịch COVID-19 thời gian qua, Kỹ sư Bùi Công Khê, Giám đốc Trung tâm Vật liệu mới (Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Hà Nội) cho rằng, trước sự lây lan nhanh của biến chủng Delta, chúng ta đã có những chủ trương thực hiện phòng, chống dịch rất quyết liệt, huy động toàn Đảng, toàn dân, toàn quân tham gia. Cụ thể là Thủ tướng Chính phủ đã trực tiếp chỉ đạo, kiểm tra thực tế tại các địa phương và đã ban hành chính sách, giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ cho doanh nghiệp, người lao động, người dân. Sau một thời gian phòng, chống dịch hết sức quyết liệt, quyết tâm, tại những "điểm nóng" như: Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Long An… tình hình dịch bệnh, bước đầu đã được kiểm soát. Chúng ta đã thay đổi về tư duy, quan điểm, chiến lược, cách làm mới để vừa chống dịch hiệu quả vừa phát triển kinh tế.

Tại Hà Nội, việc thực hiện giãn cách xã hội đã ảnh hưởng nặng nề đến phát triển kinh tế - xã hội. Nhiều đơn vị sản xuất, kinh doanh, trong đó, có du lịch phải dừng hoạt động một thời gian dài nên gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, Đảng và Nhà nước cần có nhiều phương án tốt trong phòng, chống dịch để đưa cuộc sống sớm trở lại trạng thái "bình thường mới"; kịp thời tháo gỡ khó khăn cho người lao động, doanh nghiệp để họ khôi phục sản xuất-kinh doanh sau khi dịch bệnh được đẩy lùi.

Kỹ sư Bùi Công Khê mong muốn, Chính quyền Hà Nội quan tâm đẩy nhanh tiến độ các dự án xây dựng cơ bản; phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu thu ngân sách trong tình hình hiện nay. Cùng với đó, quán triệt thực hiện nghiêm nghị quyết của Trung ương về xây dựng, chỉnh đốn Đảng; triển khai hiệu quả mô hình chính quyền đô thị; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn; có kế hoạch sẵn sàng để học sinh trở lại trường học… Phấn đấu để thủ đô Hà Nội hoàn thành các chỉ tiêu nhiệm vụ trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp hiện nay.

Theo Tiến sỹ Chu Thái Thành, thời gian tới, tình hình dịch sẽ còn diễn biến phức tạp, khó lường, tác động nặng nề, gây khó khăn trong việc phục hồi phát triển kinh tế, xã hội, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân. Vì vậy, các nội dung, chương trình, kế hoạch đã được đề ra, cần cụ thể hóa bằng chương trình hành động để sớm đưa vào cuộc sống nhằm giúp người dân, doanh nghiệp…vượt qua khó khăn, thách thức, phục hồi sản xuất, kinh doanh.

Diệu Thúy

Theo TTXVN

Từ khóa: