Sự kiện hot
4 năm trước

SCB phân loại lại các khoản nợ, dự phòng rủi ro tăng vượt 12.800 tỷ đồng sau kiểm toán

Việc phân loại lại nợ đã làm số dư quỹ dự phòng của SCB tăng lên hơn 12.878 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế giảm 624 tỷ đồng, đạt 34 tỷ đồng.

Ngân hàng TMCP Sài Gòn. (Ảnh: SCB).  

Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) vừa công bố báo cáo tài chính kiểm toán năm 2020 với một số thay đổi trong quá trình đánh giá lại nợ xấu và chi phí dự phòng rủi ro. 

Cụ thể, ngân hàng cho biết trong quá trình kiểm toán đã thực hiện rà soát và đánh giá lại toàn bộ các khoản nợ của khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, nhằm đảm bảo tính phù hợp, thận trọng theo Thông tư 01 và Thông tư 03 của Ngân hàng Nhà nước.

Kết quả sau rà soát, tỷ lệ nợ xấu của SCB ở mức 2,34%. Việc phân loại lại nợ đã làm thu nhập lãi thuần của ngân hàng giảm tương ứng 962 tỷ đồng, đạt 3.411 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế giảm 624 tỷ đồng, đạt 34 tỷ đồng, thấp hơn mức 195 tỷ đồng của năm 2019.

Ngân hàng cho hay việc đánh giá lại áp dụng nguyên tắc thận trọng trong đánh giá chất lượng tín dụng cũng giúp tăng tính an toàn cho SCB trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến hết sức phức tạp.

Cùng với đó, chi phí trích lập dự phòng rủi ro cũng được điều chỉnh để phù hợp với phê duyệt của NHNN cho phép SCB trích lập dự phòng tuỳ thuộc vào năng lực tài chính của mình.

Tính chung cả năm 2020, tổng chi phí dự phòng rủi ro tín dụng của SCB là 1.338 tỷ đồng, số dư quỹ dự phòng đạt hơn 12.878 tỷ đồng. Trước kiểm toán mức dự phòng rủi ro cho vay khách hàng của SCB đạt khoảng 4.225 tỷ đồng.

Tổng thu nhập hoạt động sau kiểm toán của SCB đạt 5.686 tỷ đồng, với đóng góp chính từ hoạt động dịch vụ, kinh doanh trái phiếu Chính phủ và kinh doanh ngoại hối. Thu nhập thuần từ dịch vụ của SCB đạt 1.775 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng mỗi năm trên 40%.

Trong năm 2020, SCB tiếp tục nằm trong nhóm dẫn đầu thị trường bancassurance với doanh số lên đến gần 1.200 tỷ đồng và nằm trong Top 5 nhà tạo lập thị trường kinh doanh trái phiếu Chính phủ.

Năm 2021, với sự tư vấn chiến lược từ đối tác McKinsey, SCB tiếp tục tăng cường hoạt động sancassurance, chú trọng chuyển đổi số. 

Vào quý I/2021, thu phí dịch vụ của SCB đạt hơn 419 tỷ đồng, tăng 156% so với cùng kỳ năm trước. Hoạt động kinh doanh ngoại hối, kinh doanh trái phiếu Chính phủ đạt 419 tỷ đồng, tăng 158% so với cùng kỳ năm trước.

Vừa qua, SCB đã chính thức công bố phát hành thêm 500 triệu cổ phần để thực hiện tăng vốn điều lệ thêm 5.000 tỷ đồng và dự kiến sẽ hoàn tất trong tháng 6/2021. Việc tăng vốn sẽ giúp ngân hàng củng cố năng lực tài chính và nâng cao an toàn hoạt động.

Diệp Bình

Theo Doanh Nghiệp Niêm Yết

Từ khóa: