Sự kiện hot
7 năm trước

Thực đơn trăm món ngon mẹ 9X Nha Trang dành toàn thời gian ở nhà nấu cho con

Quyết định nghỉ ở nhà để toàn tâm chăm sóc cô con gái nhỏ, chị Hoàng Hà My đã dành thời gian chế biến nhiều món ngon hấp dẫn cho con ăn mỗi ngày.

Bà mẹ một con xinh đẹp Hoàng Hà My (27 tuổi) hiện đang sinh sống tại Thành phố biển Nha Trang, từng làm trưởng phòng kinh doanh cho khách sạn 3 sao nhưng từ khi sinh con, chị đã tạm gác công việc mà mình yêu thích để dành thời gian chăm con, nấu cho con những bữa ăn thật thơm ngon, bổ dưỡng.

Chị Hà My bên cô con gái xinh xắn Eva. (Ảnh: NVCC)

Cùng trò chuyện với bà mẹ trẻ khéo tay, năng động này để có thêm kinh nghiệm nấu những món ăn dặm cho con của mình.

- Chào chị, bé nhà chị tên gì? Hiện bé được mấy tháng tuổi và đã biết làm được gì?

- Bé nhà mình tên là Hoàng Eva, tên thường gọi ở nhà của bé là Eva, bé được 9 tháng 3 ngày tuổi, trộm vía bé nặng 11kg và cao 74cm. 6 tháng bé ngồi vững, 7 tháng bé đã có thể đứng dựa tường được và đứng khá lâu. Hiện bé đã lươn, trườn, bò, bé nằm ngửa tự mình ngồi dậy mà không cần mẹ hỗ trợ gì hết, tự đứng vịn thành giường và bước đi, đứng chựng được tí.

- Chị bắt đầu cho bé ăn dặm từ khi nào?Chị chọn phương pháp gì để áp dụng cho con khi ăn dặm?

- Lần đầu làm mẹ nên mình rất băn khoăn, lo lắng cho giai đoạn ăn dặm của con. Vì vậy để khỏi bỡ ngỡ khi đi vào thực tế nên từ khi bé tròn 3 tháng tuổi mình đã bắt đầu tìm hiểu rất kỹ về các phương pháp ăn dặm hiện nay. Mỗi phương pháp đều có ưu và nhược điểm riêng. Mục đích của mình là muốn bé có thể ăn thô tốt, tăng cân đều, luôn cảm thấy thích thú và vui vẻ trong mỗi bữa ăn nên mình đã quyết định áp dụng kết hơp 2 phương pháp ăn dặm kiểu nhật và ăn dặm truyền thống cho bé Eva.

Mình bắt đầu cho bé Eva ăn dặm khi bé tròn 6 tháng tuổi, bởi giai đoạn này hệ tiêu hoá của bé đã tương đối hoàn thiện hơn và trong giai đoạn này bé cần nhiều năng lượng và các dưỡng chất khác và đặc biệt là chất sắt. Mình kết hợp ăn dặm truyền thống và ăn dặm kiểu Nhật cho con.

Bé Eva luôn hào hứng với những bữa ăn do mẹ nấu. (Ảnh: NVCC)

- Chị thấy ưu, nhược điểm của hai phương pháp ăn dặm truyền thống và ăn dặm kiểu Nhật?

- Theo mình, mỗi phương pháp đều có ưu, nhược điểm riêng:

Ăn dặm truyền thống:

- Ưu điểm: bé nhận được đầy đủ 4 nhóm chất dinh dưỡng quan trọng (bột đường, đạm, béo, vitamin và khoáng chất); bé ăn được số lượng nhiều, tăng cân đều.

- Nhược điểm: Trẻ khó cảm nhận mùi vị thức từng loại thức ăn, bị ép ăn, ôm đi rong, mỗi bữa ăn như là một cuộc chiến. Cho trẻ ăn nhuyễn quá lâu làm mất phản xạ nhai của trẻ, lâu ngày dẫn đến tình trạng biến ăn và ko ăn được đa dạng nhiều thực phẩm.

Ăn dặm kiểu Nhật:

- Ưu điểm: Độ thô của thức ăn được điều chỉnh phù hợp để tạo phản xạ nhai và nuốt theo từng giai đoạn phát triển của bé, được làm quen mùi vị của từng loại thực phẩm, tâm lý thoải mái, ko ép ăn, ko đi rong, tạo thói quen ngồi vào bàn ăn, nâng cao tính tự lập, khẩu phần và loại thức ăn được cung cấp phù hợp theo từng giai đoạn

- Nhược điểm: đồ ăn được trữ đông không thể thơm ngon như thức ăn được chế biến khi còn tươi sống, lượng ăn ít nên chậm tăng cân

Chính vì vậy mình đã quyết định lựa chọn phương pháp ăn dặm truyền thống kết hợp ăn dặm kiểu Nhật cho bé Eva để giúp bé hoàn thiện các kỹ năng cũng như mục đích của mình khi cho bé ăn dặm.

Những món cháo thơm ngon, bổ dưỡng chị Hà My chuẩn bị cho con. (Ảnh: NVCC)

- Thời gian đầu cho con ăn dặm, chị có gặp khó khăn gì không?

- Trộm vía ngay từ những ngày đầu ăn dặm bé đã rất hợp tác và luôn vui vẻ khi ngồi vào bàn ăn, mình cảm thấy may mắn khi bé luôn hợp tác với mẹ nên không gặp khó khăn gì vào thời gian đầu cho con ăn dặm cả.

- Chị có thể chia sẻ cụ thể về độ thô của cháo theo từng giai đoạn?

- Mình sẽ chia sẽ về độ thô của cháo theo từng giai đoạn như sau:

+ Giai đoạn 1 (5-6 tháng): Ở giai đoạn này lưỡi của trẻ có phản xạ đưa và đẩy thức ăn từ đằng trước ra đằng sau và nuốt. Vì trẻ chỉ nuốt chừng nên thức ăn phải lỏng hơi sánh mịn, không lợn cợn. Nên cháo trắng được nấu với tỷ lệ 1:10 ray mịn sau đó làm loãng bằng nước nóng hoặc nước daishi (tuỳ vào thể trạng và sự tiếp nhận của mỗi bé các mẹ có thể gia giảm tỷ lệ hoặc 1:12 hoặc 1:15 để bé dễ ăn)

+ Giai đoạn 2 (7-8 tháng): giai đoạn này là giai đoạn nhai bản năng, nhai trệu trạo. Trẻ dùng lưỡi và hàm trên để nghiền nát thức ăn. Trẻ có thể ăn được thức ăn dạng hạt mềm (lấy độ mềm đậu hủ làm chuẩn). Vì vậy khi bé 7 tháng cháo sẽ được nấu với tỷ lệ 1:7; 8 tháng nấu với tỷ lệ 1:5 nguyên hạt (phụ thuộc vào khả năng ăn thô của con mẹ có thể làm loãng ra nếu thấy đặc).

+Giai đoạn 3 (9-11 tháng): giai đoạn nhai tóp tép, lưỡi của trẻ bắt đầu có phản xạ đưa thức ăn sang hai bên trái và phải, hàm của trẻ cũng bắt đầu có phản xạ nhai vì thế thức ăn lúc này được bé nghiền bằng lợi. Cháo giai đoạn này tỷ lệ nấu là 1:5 hoặc 1:3. Về độ thô thức ăn ko được quá mềm cũng ko được quá cứng hoặc quá to, các mẹ lấy độ mềm của chuối làm chuẩn.

+ Giai đoạn 4 (12-18 tháng): giai đoạn này lưỡi của trẻ đã có thể di chuyển thuần thục theo ý muốn, răng của bé đã có phản xạ nhai tốt và lực cắn cũng mạnh hơn nhiều. Vì vậy thức ăn của bé nên làm nhiều hình đa dạng cho bé cảm thấy thích thú tập cắn và luyện nhai. Từ tháng 12 đến 14 tháng cho bé ăn cơm nát, từ tháng 15 đến 18 tháng cho bé ăn cơm như người lớn)

- Chị có bí quyết gì giúp con ăn ngoan và hào hứng với những món mẹ nấu?

- Từ lúc bé Eva bắt đầu ăn dặm cho đến nay mình luôn thay đổi thực đơn thường xuyên cho bé và chưa trùng món nào cả. Để tránh tình trạng bé biếng ăn, mình cũng không đặt áp lực bé ăn được nhiều hay ít, hay so sánh con mình với những bé khác, đối với mình chỉ cần bé khoẻ mạnh, cứng cáp, luôn có niềm vui trong mỗi bữa ăn là đủ, nên khi cho con ăn tâm trạng của mình rất thoải mái điều đó cũng sẽ giúp bé Eva ăn ngoan hơn vì mẹ đút cho bé ăn với vẻ mặt vui vẻ, bé sẽ rất thích.

Cứ tới bữa ăn mình luôn giới thiệu cho bé hôm nay bé sẽ được ăn món gì và luôn hỏi bé những câu như" mẹ nấu có ngon không con?" "Con ăn có ngon miệng ko?" Và sau đó mình tự trả lời thay bé bằng câu "ngon lắm mẹ ơi, con ăn thiệt giỏi thiệt ngoan luôn đó mẹ và hôn nhẹ lên trán con một tí", hoặc mình vừa cho bé ăn vừa nói chuyện với bé hoặc hát bé nghe, bé rất háo hứng và vui lắm. Có thể nói mình là một người mẹ rất may mắn từ lúc bé ăn dặm cho đến nay mình chưa gặp phải wonderweek sinh lý nào của bé cả, kể cả khi bé mọc răng bé vẫn ăn ngoan luôn ăn hết suất ăn mẹ làm. Nên càng có thêm động lực nấu những món ngon cho bé thưởng thức.

Chị luôn ưu tiên chọn những thực phẩm sạch để chế biến cho con. (Ảnh: NVCC)

- Khi chế biến các món ăn, mẹ cần chú ý những gì để đảm bảo cung cấp đủ dinh dưỡng cho con?

- Để đảm bảo dinh dưỡng cho bé thì mình có một số kinh nghiệm như sau:

- Bữa ăn của bé phải đảm bảo 4 nhóm chất dinh dưỡng chính: tinh bột, chất đạm, vitamin và khoáng chất, chất béo

- Gạo mình vo bằng nước ấm và ngâm qua đêm để đến sáng ninh nhỏ lửa cho cháo nhừ và nhuyễn và ko mất chất như vo bằng nước lạnh

- Rau củ mình hấp cách thuỷ để đảm bảo dinh dưỡng, màu sắc và vị ngọt tự nhiên của rau củ.

- Rau lá cho vào sau cùng khoảng 3 phút sau tắt bếp để không mất màu và mất chất

- Thời gian đầu cháo và rau củ mình ray toàn bộ chứ không xay để đảm bảo dưỡng chất cho bé

- Thịt, cá, ếch, tôm, cua, lươn: mình cũng hấp cách thuỷ (đối với hải sản thì mình hấp cùng xã sẽ rất thơm và không tanh), sau đó sơ chế cùng hành tây hoặc hành tím để khử thêm vị tanh của thịt cá và giúp món ăn của bé thơm hơn.

- Cho bé ăn nhạt và không nêm gia vị đối với trẻ dưới 1 tuổi.

- Mình thường nấu 02 loại nước dùng để nấu cháo cho bé: daishi rau củ, daishi cá bào tảo biển giúp tiêu hoá tốt và hàm lượng canxi trong tải biển rất cao giúp xương và răng của bé cứng cáp và chắc khỏe hơn.

- Việc chế biến đồ ăn và cho con ăn của chị có mất nhiều thời gian không?daishi

- Mình thường lên thực đơn cả tuần cho bé, sau đó buổi tối trước khi đi ngủ mình cho sẵn khẩu phần ăn của bé vào khay sáng mai ngủ dậy là chế biến, mình dùng nồi hấp nên cũng rất tiện cho việc chế biến đồ ăn cho bé. Mình chỉ mất 30 phút để chế biến cho bé một món cháo ngon và đầy dinh dưỡng và cũng không mất nhiều thời gian cho bé ăn, thời gian đầu bé chỉ ăn trong vòng 15 phút, sau bé bắt đầu nhai thì trong vòng 20-30phút là bé đã ăn xong rồi.

Tham khảo thực đơn nhiều món ngon chị Hà My làm cho bé Eva:

Nước dashi chị Hà My chuẩn bị sẵn để trữ đông. (Ảnh: NVCC)

Cháo khoai môn + cải thìa Soup daishi

Cháo bí xanh + 1/2 lòng đỏ trứng gà ta yến mạch + táo + chuối + sct Nước daishi

Cháo gà rau mồng tơi + phô mai

Cháo yến mạch cá lóc + chùm ngây

Cháo bí xanh thịt gà, Soup giá đỗ , Pudding banana mix chia, Trà lúa mạch

Cháo bí xanh thịt gà, Soup giá đỗ, Pudding banana mix chia, Trà lúa mạch

Cháo bí đỏ cua biển, Sữa chua khô yogis vị blueberry, trà lúa mạch

Cháo cà tím thịt bò mix phomai rắc, Sinh tố đu đủ với sữa công thức, nước lọc

Cháo tía tô sườn non trứng gà

Cháo gà hạt sen cà rốt, Thanh long ruột đỏ, Trà lúa mạch

Cháo cá thóc đậu xanh, Bánh flan, Sinh tố lê, Trà lúa mạch

Cháo khoai tím tôm đất nêm ngổ

Cháo cua biển mồng tơi

Cháo đậu lăng sườn non rau củ kale

Cháo kiểu risotto rau củ va trứng rán, Sinh tố lê và chuối

Cháo rong biển thịt bò, Pudding yogurt xoài cát hoài lộc, Nước lọc

Cháo gà bí đỏ

Cháo gà rau củ trứng cút

Cháo trứng hầm rau củ

Cháo cá hồi kale, Sinh tố lê, Trà lúa mạch

Cháo kê đậu đỏ sườn non rau củ

(Ảnh: NVCC)
Thu Hà
Theo ĐSPL, Vietnammoi

Từ khóa: