Mô hình Hợp tác xã (HTX) điện tại Vĩnh Phúc đã có từ những năm 1990, nhưng đến nay, thay vì phát triển về quy mô và chất lượng lại đang tồn tại nhiều bất cập. Đặc biệt, rất nhiều HTX đã chủ động chuyển đổi từ mô hình HTX có sự quản lý của chính quyền địa phương sang mô hình doanh nghiệp tư nhân, gây ra nhiều dư luận trái chiều…
227,5 tỷ đồng là số nợ mà các HTX dịch vụ điện trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đang nợ Ngân hàng thế giới World Bank và nguồn vốn đối ứng của tỉnh Vĩnh Phúc sau Dự án Năng lượng nông thôn II (Số liệu do Sở Công thương Vĩnh Phúc cung cấp, Trước đó, tổng nợ của 56 HTX là hơn 291,7 tỷ đồng, đã trả được 64,3 tỷ.).
Trao đổi với phóng viên, ông Đỗ Như Hoàn - Trưởng phòng Quản lý năng lượng, Sở Công Thương Vĩnh Phúc cho biết: “Các HTX điện chuyển đổi sang mô hình doanh nghiệp đúng theo luật Doanh nghiệp”.
Tuy nhiên, khi phóng viên đề cập tới khoản vay REII từ nhiều năm trước, đến này vẫn chưa trả hết thì việc các HTX đã chuyển đổi sang doanh nghiệp có khả năng trả nợ? Nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng thế giới (WB) và vốn đối ứng của tỉnh Vĩnh Phúc đang đứng ra vay cho doanh nghiệp liệu có đúng quy định? Đồng thời, giả thiết đặt ra khi các doanh nghiệp điện này hoạt động thua lỗ, và phá sản, liệu rằng an ninh, an toàn lưới điện của địa phương đó sẽ ra sao? Không còn người bán điện, người dân mất điện, ai đứng ra chịu trách nhiệm?... Ông Hoàn chưa có câu trả lời và cho biết sẽ trực tiếp nghiên cứu lại và tham mưu nội dung này tới lãnh đạo Sở Công thương và UBND tỉnh Vĩnh Phúc.
Tìm hiểu thực tế tại các HTX điện trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc như: HTX dịch vụ điện Tam Hồng, Trung Nguyên, Tề Lỗ (huyện Yên Lạc), HTX điện Thiện Kế (huyện Bình Xuyên), HTX dịch vụ điện Cao Minh (thành phố Phúc Yên)… đều có những điểm chung là công tác quản lý điện năng chưa thực sự tốt, hệ thống hạ tầng lưới điện như cột điện, dây điện, hộp đồng hồ công tơ điện nhiều nơi đã xuống cấp, gây tiêu hao điện năng; đội ngũ vận hành lưới điện hầu hết cũng đã có tuổi, trình độ chuyên môn nghiệp vụ thấp; việc tái đầu tư nâng cấp rất hạn chế, việc quá tải điện năng, mất điện nhiều giờ diễn ra phổ biến ở các HTX điện.
Về giá bán điện, khi mua điện của ngành điện (ở Vĩnh Phúc là Điện lực Vĩnh Phúc chi nhánh ở 9 huyện, thành phố) được bán theo đơn giá quy định. Mức tiêu hao điện năng càng thấp thì lợi nhận của các HTX điện càng cao, hầu hết các HTX điện ở mức tiêu hao trên dưới 10%; sau những chi phí như bảo dưỡng, bảo trì (nếu có); chế độ lương, thưởng, bảo hiểm cho cán bộ nhân viên, nộp thuế... Liệu rằng với khoản vay vài tỷ đồng, có nơi hơn chục tỷ đồng, các HTX điện này có trả được?
Ông Nguyễn Xuân Phiến, Chủ tịch UBND xã Chấn Hưng cho biết, việc HTX dịch vụ điện chuyển sang mô hình doanh nghiệp được xã chấp thuận. Đồng thời khẳng định, khi là HTX điện, các cán bộ nhân viên của HTX còn dựa dẫm, không chủ động nâng cao chất lượng phục vụ điện năng cho nhân dân, UBND thường xuyên phải nhắc nhở đầu tư nâng cấp, quản lý điện năng nên việc chuyển đổi để các cá nhân của HTX chủ động hơn không phụ thuộc vào UBND xã nữa.
Khi được hỏi về việc có sự ràng buộc nào giữa chính quyền địa phương và doanh nghiệp bán điện để đảm bảo an ninh, an toàn lưới điện cho địa phương? Ông Phiến cho rằng, hiện nay chỉ có địa điểm đóng trụ sở của doanh nghiệp điện này là UBND xã cho mượn, nếu có vấn đề gì chỉ đạo mà không nghe là đòi địa điểm không cho sử dụng.
Việc doanh nghiệp phá sản do làm ăn thua lỗ là chuyện không hiếm, đặc biệt với nhiều mô hình HTX điện hoạt động kém hiệu quả, không có khả năng tổ chức, quản lý vận hành bộ máy, chưa chuyên nghiệp trong tính toán thu – chi, cùng với khoản nợ “kếch xù” thì việc phá sản là rất dễ xảy ra.
Nhiều cán bộ ngành điện lực có thâm niên quản lý điện năng hàng chục năm tỏ ra băn khoăn: Việc các HTX điện chuyển sang mô hình doanh nghiệp thì ai quản lý các doanh nghiệp này? Nguồn vốn vay nếu các doanh nghiệp phá sản thì đương nhiên thất thoát ngân sách nhà nước; đồng thời vốn vay ngân hàng thế giới địa phương tỉnh đó phải đứng ra chịu trách nhiệm trả gốc và lãi suất vay còn lại; không những vậy, doanh nghiệp điện họ có quyền bán, sang nhượng hạ tầng lưới điện do họ quản lý, khi họ phá sản thì ai đứng ra mua lại, cung cấp điện cho người dân?
Báo Đời sống và Tiêu dùng tiếp tục thông tin về vụ việc!
Xuân Hậu – Tuyết Nhung
Theo Báo Đời sống và Tiêu dùng