Báo CNNgo từng viết: “Nước Mỹ đã sinh ra những nhà hàng di động nhưng VN mới là thiên đường đồ ăn đường phố. Không đâu lại có văn hóa đồ ăn đa dạng như nơi này”.
Báo CNNgo từng viết: “Nước Mỹ đã sinh ra những nhà hàng di động nhưng VN mới là thiên đường đồ ăn đường phố. Không đâu lại có văn hóa đồ ăn đa dạng như nơi này”.
Và quả thật, ăn vặt từ vỉa hè đến quán xá đã trở thành một nét văn hóa rất đặc trưng trên đất Sài Gòn! Xuất phát từ những ý tưởng đầu tiên ấy, Ăn vặt Sài Gòn - tập sách ảnh đặc tả nguồn gốc, cách thưởng thức, địa điểm của những bánh tráng nướng, xúp cua, xôi chiên, bánh mì bì, các món ốc... - đã được tác giả Chu Thị Hồng Anh và nhà nhiếp ảnh Trần Việt Đức thực hiện trong một năm đi vòng quanh Sài Gòn, với những hình ảnh được thực hiện công phu, đẹp mắt, những ghi chú dễ hiểu.
Một trang trong 319 trang sách Ăn vặt Sài Gòn. Sách do NXB Thông Tấn và Phương Nam phát hành - Ảnh: H.T.Vân
Không phân biệt địa vị, chức tước, những món ăn vặt lề đường hấp dẫn người thưởng thức bởi nhiều lẽ: giá cả, độ ngon, sự tiện lợi và đặc biệt là niềm vui. Vậy nên trong tập sách ảnh này, người xem cũng bắt gặp những hình ảnh rất đời thường và gần gũi của những nghệ sĩ, ngôi sao, doanh nhân Việt như: Thu Minh vào quán cóc ăn bánh đa cua, diễn viên hài Đại Nghĩa hồn nhiên ngồi xơi mì xào chay bán rong lề đường, hoa hậu Giáng My thèm thuồng món bún cá thì là... Đơn giản vì họ cũng là những tín đồ mê mẩn những món ngon phố phường.
Đọc Ăn vặt Sài Gòn, người đọc sẽ tìm thấy nhiều câu chuyện về nguồn gốc của từng món ăn gắn liền với nhiều thế hệ người Sài Gòn, người nước ngoài sinh sống tại VN. Về những “sự tích” rất hè phố như: vì sao quán bún cá Tân Định chỉ bán duy nhất ngày thứ tư trong tuần? Vì sao món cháo Tiều (ăn với cải chua và lòng heo) lại từng làm nhà văn Lý Lan thổn thức đến ba năm sau mới thấm thía được vị ngon của cháo? Bên cạnh đó, cuốn sách cung cấp những địa chỉ ăn uống “lề đường” mà bất cứ ai cũng có thể ghé thăm nếu bỗng một ngày nổi hứng thèm... ăn vặt!
Minh Trang
theo TTO