Tiến sĩ Đỗ Tuấn Minh, Hiệu trưởng trường ĐH Ngoại ngữ - ĐH Quốc gia Hà Nội cho rằng, nội dung bồi dưỡng giáo viên phải có tính ứng dụng thực tế, xuất phát từ đề xuất của người học chứ không phải bị định trước, bị áp đặt từ trên xuống của các bậc quản lý.
Tại buổi họp trực tuyến cả nước về kế hoạch triển khai giai đoạn 2016 – 2020, định hướng đến năm 2025 của Đề án “Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008 - 2020” ngày 17/8, nhiều lãnh đạo Sở GD&ĐT phản ánh công tác bồi dưỡng giáo viên thời gian qua thiếu tính thực tế, chưa phù hợp với các vùng miền.
Giáo viên trông chờ vào lớp bồi dưỡng
Tại hội thảo, Tiến sĩ Đỗ Tuấn Minh, Hiệu trưởng trường ĐH Ngoại ngữ - ĐH Quốc gia Hà Nội đã chỉ ra những bất cập, hạn chế mà Đề án ngoại ngữ quốc gia 2020 đang gặp phải đó là chương trình bồi dưỡng giáo viên chưa mang tính thường xuyên, liên tục, thời gian bồi dưỡng ngắn; các hoạt động tiếp nối sau bồi dưỡng để hướng dẫn người học áp dụng những nội dung đã được bồi dưỡng vào thực tế giảng dạy là không có…
Nội dung bồi dưỡng thường bị áp đặt, định trước mà không xuất phát từ như cầu, điều kiện thực tế của giáo viên nên tính ứng dụng của chương trình đối với giáo viên khá hạn chế, đã xảy ra tình trạng một thời gian ngắn sau bồi dưỡng, các kỹ năng, kiến thức được tập huấn bị rơi vào lãng quên hoặc ít có điều kiện áp dụng.
Sử dụng phương thức đào tạo online tạo điều kiện cho các thầy cô có thể học mọi lúc, mọi nơi
Tiến sĩ Phạm Văn Hùng, Giám đốc Sở GD&ĐT Thừa Thiên Huế cho rằng, việc triển khai dạy học các môn khoa học bằng tiếng Anh bị vướng từ nguồn lực giáo viên. Đa số giáo viên chưa đủ năng lực ngôn ngữ để giảng dạy do chưa được đào tạo bài bản từ đại học.
Theo ông Hùng, nên chỉ đạo dạy học ngoại ngữ theo hướng phù hợp với điều kiện vùng miền, tăng sự lựa chọn cho các sở, tỉnh, thành phố bằng cách mở rộng khung chuẩn, mở rộng các quy định, yêu cầu và tổ chức dạy ngoại ngữ để các tỉnh có điều kiện hoặc chưa có điều kiện lựa chọn phù hợp.
Theo lãnh đạo nhiều Sở GD&ĐT, đa số các giáo viên, các đơn vị trường phổ thông và cả các phòng GD&ĐT đều có tâm lý ỷ lại, trông chờ vào các lớp bồi dưỡng do Sở và Bộ GD&ĐT tổ chức.
Cần có chế tài đối với giáo viên chưa đạt chuẩn
Một khía cạnh khác về việc dạy học ngoại ngữ có chất lượng thấp như tại tỉnh Lạng Sơn, ông Nguyễn Minh Châu, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh cho biết, trung bình mỗi năm, Lạng Sơn tổ chức khoảng 8 đợt bồi dưỡng, tập huấn về nghiệp vụ như tổ chức dạy chương trình tiếng Anh 10 năm các cấp học, phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá… Kinh phí sử dụng cho trang thiết bị dạy học ngoại ngữ là 21,6 tỉ đồng đầu tư từ 2012 đến nay. Kinh phí dành cho đào tạo bồi dưỡng đạt 10,1 tỷ đồng. 100% các trường phổ thông được trang bị máy tính, kết nối Internet, nguồn học liệu đa dạng và phong phú.
Tuy nhiên, ông Châu cho hay, kết quả thi THPT quốc gia môn tiếng Anh còn thấp, tỷ lệ đạt trung bình trở lên chiếm 2,8% học sinh dự thi.
Ông Nguyễn Văn Huấn, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Bến tre cho rằng, kết quả bồi dưỡng cập chuẩn ngôn ngữ cho giáo viên tiếng Anh qua bồi dưỡng chậm cải thiện dẫn đến thiếu giáo viên tiếng Anh đạt chuẩn để mở lớp tiếng Anh theo chương trình mới.
Ngoài ra, theo ông Huấn, khi có giáo viên đạt chuẩn thì khó khăn khác lại phát sinh đó là chất lượng giảng dạy tiếng Anh ở cấp tiểu học không đáp ứng chuẩn đầu ra (bậc 1 Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc cho Việt Nam), từ đó không có học sinh đủ chuẩn bậc 1 để mở lớp 6 ở cấp THCS theo chương trình mới.
Chính vì lẽ đó, ông Huấn đề xuất với Bộ GD&ĐT, cần rà soát, xem xét, điều chỉnh hướng dẫn các điều kiện tổ chức dạy học ngoại ngữ cho phù hợp như chương trình, giáo trình, phần mềm dạy học, kiểm tra, đánh giá. Có thể tâp trung đầu mối tại Ban quản lý đề án Ngoại ngữ quốc gia 2020 trong việc tổ chức các lớp bồi dưỡng cập chuẩn năng lực ngoại ngữ và năng lực sư phạm cho các tỉnh, thành phố trên cơ sở kế hoạch bồi dưỡng hàng năm của từng địa phương. Thời gian tổ chức các lớp bồi dưỡng đề nghị được tổ chức trong dịp hè và ở tại địa phương để các giáo viên tiếng Anh có điều kiện học tập thuận lợi hơn.
Lãnh đạo Sở Giám đốc Sở GD&ĐT Thừa Thiên Huế và Lạng Sơn đều kiến nghị cần có những biện pháp chế tài đối với các giáo viên chưa đạt chuẩn đến năm 2020.
Ông Nguyễn Văn Trào, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Hà Nội không phủ nhận vai trò của giáo viên, nhưng người dạy muốn thực hiện tốt vai trò của mình thì thực sự cần sự hợp tác của người học. Vì vậy một đề án cho cả quốc gia thì ông Trào đề xuất bên cạnh việc đầu tư cho giáo viên thích đáng thì phải đầu tư phù hợp cho đối tượng người học. Chúng ta xem người học họ cần cái gì, nếu là thích đáng thì chúng ta phải có trách nhiệm đáp ứng.
Cần sử dụng phương thức đào tạo online
Để khắc phục tình trạng trên, TS Đỗ Tuấn Minh đã đề xuất công tác bồi dưỡng giáo viên phải được tiến hành thường xuyên trong suốt năm học; việc bồi dưỡng giáo viên phải đảm bảo tính hệ thống giữa nội dung dạy học trực tuyến và dạy học trực tiếp, giữa lý thuyết và thực hành. Đặc biệt, nội dung bồi dưỡng giáo viên phải có tính ứng dụng thực tế, xuất phát từ đề xuất của người học chứ không phải bị định trước, bị áp đặt từ trên xuống của các bậc quản lý, khiến cho công tác bồi dưỡng mang tính chất hình thức, bắt buộc và kém hiệu quả.
Để việc bồi dưỡng giáo viên có tính hiệu quả, theo ông Minh, chương trình bồi dưỡng phải mang tính thiết thực, giúp người học có nhiều cơ hội thực hành và vận dụng tốt những kiên thức đã học vào thực tế giảng dạy, giúp cho việc dạy và học ngoại ngữ đạt chất lượng cao hơn.
Đối với giáo viên cần có nhận thức đầy đủ về trách nhiệm tham gia bồi dưỡng và tự bồi dưỡng. Cần có động cơ học tập đúng đắn và hình thành thói quen học tập suốt đời, không ngừng nâng cao các phẩm chất và kỹ năng nghề nghiệp.
Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết, muốn nâng cao chất lượng đội ngũ cần phải có chuẩn giáo viên; có chương trình tốt và phương thức đào tạo bồi dưỡng phù hợp. Cần ứng dụng mạnh CNTT, sử dụng phương thức đào tạo online tạo điều kiện cho các thầy cô có thể học mọi lúc, mọi nơi; chỉ cần một số ít thời gian học trực tiếp…
Tới đây Bộ GD&ĐT sẽ xây dựng 2 nhóm trung tâm, một là trung tâm đào tạo bồi dưỡng giáo viên tránh tình trạng từng tỉnh làm riêng theo cách của mình. Và trung tâm khảo thí quốc gia, trung tâm địa phương để hình thành một chuỗi hoạt động cho thuận lợi.
Bộ trưởng Nhạ nhấn mạnh: “ Chúng ta phải chú ý đến nhu cầu học ngoại ngữ của các địa phương và các bậc học chứ không chỉ có nhấn mạnh tiếng Anh. Đồng thời, tạo ra môi trường rất tốt, hình thành các câu lạc bộ để tạo ra một phong trào toàn dân quan tâm học tiếng Anh, làm sao tiếng anh từ áp lực trở thành động lực, mà người học cảm thấy có ý nghĩa.
Về kinh phí đầu tư, Bộ trưởng Nhạ cho rằng, phổ cập tiếng Anh tốn rất nhiều tiền bạc, nếu chúng ta chỉ nhìn vào ngân sách thì sẽ thất bại ngay từ đầu. Chủ trương là không đầu tư dàn trải, phân tán dẫn đến lãng phí mà tập trung vào những vấn đề cốt lõi. Với tinh thần ấy, nguồn ngân sách nhà nước rất ưu tiên cho ngành giáo dục nhưng so với yêu cầu nâng cao chất lượng thì còn thiếu nhiều. Vì vậy chúng ta phải sử dụng có hiệu quả, ngân sách nhà nước. Còn các địa phương, các cở sở giáo dục đại học,… cử giáo viên đi học phải bỏ tiền ra. Đặc biệt, nên trông cậy vào xã hội hóa, khi xã hội thấy hiệu quả, mọi người sẽ tự học.
Theo Bộ trưởng, tới đây các Trung tâm Ngoại ngữ muốn được lựa chọn, muốn nhận được tiền phải có đề án và thẩm định công khai, minh bạch và có sản phẩm, các địa phương cũng như vậy. Bây giờ chúng ta cần tập trung để tạo ra hiệu quả đầu tư.
theo Dân trí