Sự kiện hot
12 năm trước

Cá lòng tong

Khi những cơn mưa cuối mùa dần kết thúc, nước sông Hậu bớt đỏ màu phù sa là lúc dòng kinh, con rạch nơi đây trở thành nơi quần sinh của những bầy lòng tong.

Khi những cơn mưa cuối mùa dần kết thúc, nước sông Hậu bớt đỏ màu phù sa là lúc dòng kinh, con rạch nơi đây trở thành nơi quần sinh của những bầy lòng tong.

Mặt nước cứ xao động vì cá lên ăn móng. Bọn trẻ chặt tre làm cần câu, vùi mình vào thú vui thôn dã. Thẩy lưỡi câu vừa chạm mặt nước, giật lên con cá cỡ ngón tay út , thuôn dẹp, vảy bạc lấp lánh giãy giụa trong nắng trời. Thẩy câu, giật câu, bắt cá lia lịa.

Để có những con lòng tong kho cứng mình, má làm sạch cá, ướp thật nhiều đường. Bắc ơ cá lên bếp lửa, cho nước mắm ngon vào. Khi nước mắm sôi cạn thì chan một muỗng mỡ hoặc dầu ăn vào, nhắc xuống, rắc tiêu bột đều trên mặt. Chỉ ngửi mùi cá kho tỏa ra từ bếp bụng dạ đã réo sôi ục ục.

Cá lòng tong kho tiêu

Cũng như nhiều người dân sông Hậu, má tôi rất ưa món cá lòng tong chiên tươi hoặc chiên bột. Má ướp nước mắm ngon rồi thả cá vào chảo dầu đang sôi. Lòng tong chiên tươi đã ngon, chiên bột còn điệu đà hơn nếu được gói với bún cùng rau sống, dưa leo chấm nước mắm giấm tỏi ớt. Món ngon nhớ đời vì thịt cá lòng tong dai ngọt hòa cùng hương vị các loại rau trái vườn nhà.

 Tôi không sao quên được những ngày tháng 10 âm lịch ở Phong Điền (Cần Thơ). Người dân nơi đây dùng mấy cái hom như hom bắt chim hoặc dùng lưới mắt nhỏ chặn một đầu kinh. Sau đó liệng từng bụm đất sình xuống, mặt nước xao động, lũ lòng tong hoảng hốt chun ào ào vô “rọ”. Không phải một nhà mà cả xóm xúm nhau đánh bắt cá lòng tong vui như ngày hội. Mỗi nhà thu hoạch chừng chục kg cá lòng tong. Cá đem về nhà, cắt bỏ đầu, làm ruột, chà vảy rồi ướp mắm muối, gia vị vừa ăn trước khi trải trên những cái nia đem phơi. Một nắng tốt là những chú cá lòng tong ăn no gia vị quắt lại thành những con khô độc đáo.

 Ăn rập với khô cá lòng tong là dưa nén. Để làm dưa nén, người Phong Điền rửa sạch cải làm dưa, phơi ba nắng, rửa sạch lần nữa trước khi ướp muối đường. Sau khi nhận cải sơ chế vô hũ da lươn, người ta đổ nước muối cùng đường thắng nấu với nước sông (phải là nước sông Phong Điền), khi sôi để nguội đổ vào hũ. Không phải 3 ngày như nhiều nơi khác, muốn ăn ngon dưa cải Phong Điền phải “chầu chực” tới 6 - 7 bữa sau. Đó là lúc dưa cải “chín” màu vàng nghệ rất đẹp mắt cho vị chua dịu, giòn tanh tách như nhảy trong răng. Thưởng thức khô cá lòng tong chiên với dưa cải, uống ly rượu đế chánh gốc Phong Điền - thứ rượu uống tới đâu biết tới đó, hương vị sông nước miền Tây sao đậm đà, say đắm vậy! 

Theo Thanhnien

Từ khóa: