Sự kiện hot
3 năm trước

Cập nhật cổ phiếu DCM: Cổ phiếu có cổ tức hấp dẫn dù triển vọng giá dầu đầu vào gia tăng

Theo báo cáo phân tích của Công ty Cổ phần Chứng khoán Bản Việt (VCSC), VCSC nâng khuyến nghị cho CTCP Phân bón Dầu khí Cà Mau (DCM) từ KHẢ QUAN lên MUA trong khi tăng giá mục tiêu thêm khoảng 8%, khi chúng tôi tăng dự báo lợi nhuận năm 2020/2021 thêm 26%/7%, cập nhật giá mục tiêu đến cuối năm 2021 và tỷ lệ WACC giảm 1 điểm phần trăm.

Ảnh: Internet

VCSC tăng dự báo lợi nhuận năm 2020/2021 thêm 26%/7% khi 1) VCSC dự báo không có khoản lỗ từ nhà máy NPK trong quý 4/2020 khi giả định nhà máy này sẽ bắt đầu hoạt động từ năm 2021 và 2) DCM tiếp tục hưởng lợi từ nhu cầu xuất khẩu urê mạnh mẽ trong quý 4/2020 và 6 tháng đầu năm 2021. Trong khi đó, VCSC giữ nguyên dự báo lợi nhuận giai đoạn 2022- 2024.

VCSC dự báo lợi nhuận sẽ tăng 38,8% YoY trong năm 2020 nhờ chi phí đầu vào thấp hơn và sản lượng bán urê mạnh mẽ (dẫn dắt bởi mảng xuất khẩu), sau đó giảm 30,6% trong năm 2021 do giá dầu cao hơn.

VCSC kỳ vọng nhà máy urê sẽ được khấu hao hoàn toàn trong năm 2024 và DCM có thể ghi nhận lợi nhuận ròng đạt 1,1 nghìn tỷ đồng (tăng khoảng 3 lần YoY). Do đó, VCSC kỳ vọng tốc độ tăng trưởng kép (CAGR) EPS đạt 16,3% trong giai đoạn 2020-2025.

DCM hưởng lợi từ tăng trưởng nhu cầu urê ổn định tại Việt Nam, đạt 2% mỗi năm (theo AgroMonitor) và tiềm năng tăng trưởng xuất khẩu, sẽ hỗ trợ sản lượng bán urê của công ty đạt 880.000 tấn/năm (hiệu suất 110%). Đồng thời, DCM có tiềm năng dài hạn trong mảng phân bón NPK vốn tăng trưởng mạnh.

VCSC cho rằng DCM có thể chia cổ tức tiền mặt ổn định ở mức 800 đồng/CP (lợi suất 6,6%) nhờ lượng tiền mặt tại quỹ đạt 111 triệu USD tính đến quý 3/2020 và không có kế hoạch vốn XDCB lớn nào trong ngắn hạn.

DCM có định giá hấp dẫn tại EV/EBITDA dự phóng năm 2021 là 2,5 lần – chiết khấu khoảng 65% so với các công ty cùng ngành.

Rủi ro được VCSC đưa ra: Giá urê thấp hơn; hiệu suất hoạt động của nhà máy NPK thấp hơn dự kiến.

VCSC duy trì dự báo chi phí khí đầu vào cho DCM. DCM đã chốt thỏa thuận sơ bộ với Tập đoàn dầu khí Việt Nam (PVN) cho 90% sản lượng khí đầu vào của DCM dựa theo 46% giá dầu nhiên liệu trung bình (3,1 USD/triệu BTU với giá dầu nhiên liệu là 270 USD/tấn) và 10% còn lại dựa theo 12,7% giá dầu Brent (6,3 USD/triệu BTU với giá dầu Brent là 50 USD/thùng). DCM vẫn đang chờ ký kết hợp đồng chính thức với PVN sau khi PVN chốt sản lượng khí với GAS, POW và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).

VCSC duy trì dự báo chi phí khí và nhận thấy rủi ro thay đổi cơ chế này là hạn chế khi 1) chúng tôi cho rằng Chính phủ đang hỗ trợ các nhà sản xuất urê nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm quốc gia và 2) sản lượng tiêu thụ khí đầu vào của các nhà sản xuất urê vẫn thấp so với các nhà máy điện.

VCSC kỳ vọng nhà máy NPK mới sẽ bắt đầu hoạt động trong quý 1/2020. Khi DCM đang đối mặt với các khó khăn trong việc chạy thử nghiệm cho nhà máy NPK mới này do các kỹ thuật viên nước ngoài không thể nhập cảnh vào Việt Nam trong bối cảnh dịch COVID-19, DCM đặt mục tiêu nhà máy này sẽ bắt đầu hoạt động từ quý 1/2021 và hiệu suất hoạt động đạt 50% trong năm 2021.

Do sự trì hoãn này, VCSC hiện dự báo nhà máy NPK sẽ ghi nhận lợi nhuận thấp trong năm 2021, sau đó đóng góp khoảng 70 tỷ đồng (khoảng 10% lợi nhuận ròng của DCM) mỗi năm trong giai đoạn 2022-2025.

Quốc hội chưa phê duyệt luật thuế giá trị gia tăng (GTGT). Tại phiên họp gần nhất, Quốc hội cho biết đề xuất thay đổi luật thuế GTGT sẽ được trình lại vào các phiên họp trong năm 2021 khi các Bộ ngành cung cấp dữ liệu thuyết phục hơn. VCSC chưa ghi nhận thay đổi luật GTGT này trong dự báo hiện tại. Nếu đề xuất được thông qua, VCSC dự báo DCM có thể tiết kiệm 200 tỷ đồng thuế đầu vào mỗi năm (khoảng 35% LNST sau lợi ích CĐTS của DCM trong giai đoạn 2021- 2024) và tăng giá trị hợp lý ước tính của chúng tôi cho DCM lên 17.000 đồng/CP.

Nhà đầu tư chỉ nên xem những phân tích của các công ty chứng khoán là nguồn thông tin tham khảo. Các công ty chứng khoán đều có khuyến cáo miễn trách nhiệm đối với những nhận định trên. KTDU và tác giả không chịu trách nhiệm về các thiệt hại phát sinh (nếu có) liên quan đến nội dung được đăng tải. 

Tạ Thành

Theo KTDU

Từ khóa: