Sự kiện hot
khoảng 1 năm trước

Chứng khoán Mỹ nối dài đà giảm sau cuộc họp của Fed

Các chỉ số Dow Jones, S&P 500 và Nasdaq giảm lần lượt 0,3%, 0,8% và 1,4%. Cảnh báo của Chủ tịch Jerome Powell trong ngày Fed tăng mạnh lãi suất khiến nhà đầu tư gia tăng quan ngại về một cuộc suy thoái. Lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ lập đỉnh nhiều năm trong khi đường cong lợi suất tiếp tục đảo chiều, dấu hiệu cảnh báo một cuộc suy thoái đang ập tới.

Chứng khoán Mỹ tiếp tục giảm điểm trong bối cảnh Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) và một số ngân hàng trung ương khác tăng lãi suất điều hành, làm gia tăng quan ngại cuộc chiến chống lạm phát sẽ kích hoạt một cuộc suy thoái. 

Theo đó, chỉ số Dow Jones Industrial Average giảm 107,1 điểm, tương đương 0,3%, xuống 30.076,68 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 0,8% xuống 3.757,99 điểm trong khi chỉ số Nasdaq Composite giảm 1,4% xuống 11.066,81 điểm. 

Diễn biến tiêu cực của các chỉ số đẩy chứng khoán Mỹ tiến sát tuần giảm điểm tiếp theo. Tính từ đầu tuần, chỉ số Dow Jones giảm khoảng 2,42%, chỉ số S&P 500 giảm khoảng 3% trong khi chỉ số Nasdaq thấp hơn khoảng 3,3%.

-7275-1663889256.jpg
Diễn biến ba chỉ số chính của chứng khoán Mỹ trong phiên giao dịch 22/9. Ảnh: FactSet.

Chứng khoán chịu áp lực giảm điểm lớn trong năm nay trước tình trạng giá cả tăng cao, buộc các ngân hàng trung ương phải đẩy mạnh siết chặt chính sách tiền tệ. Trong cuộc họp mới nhất, Fed tăng lãi suất 0,75% lần thứ ba liên tiếp đồng thời phát đi tín hiệu về các đợt tăng lãi suất tiếp theo trong thời gian tới. Chủ tịch Fed Jerome Powell thậm chí thừa nhận không có giải pháp nào “không đau đớn” để khôi phục ổn định giá cả. 

"Cảnh báo của ông về khả năng kinh tế Mỹ “hạ cánh cứng” khiến nhà đầu vô cùng quan ngại", theo Eric Souza, Quản lý danh mục cấp cao tại SVB Asset Management. “Điều đó khiến nhà đầu tư đặt ra câu hỏi: Liệu đó là tín hiệu cho thấy một cuộc suy thoái chắc chắn sẽ nổ ra?”, ông Souza chia sẻ. 

Trong phiên giao dịch ngày hôm qua, nhóm cổ phiếu năng lượng là điểm sáng khi giá dầu thế giới đi lên trước quan ngại về diễn biến xung đột Nga-Ukraine. Ở chiều ngược lại, nhóm cổ phiếu hàng hóa tiêu dùng không thiết yếu giảm mạnh nhất trong S&P 500 với mức giảm 2,2%. Các nhóm cổ phiếu tăng trưởng như công nghệ và chip bán dẫn cũng giảm điểm trước nỗi lo suy thoái. 

Trên thị trường trái phiếu, lợi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 2 năm tăng từ 3,993% lên 4,124% trong khi lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm tăng lên 3,705%. Cả hai mức lợi suất trên đều lập đỉnh hơn một thập kỷ. Lợi suất trái phiếu ngắn hạn cao hơn lợi suất trái phiếu dài hạn, hiện tượng đường cong lợi suất đảo chiều, là một dấu hiệu cảnh báo suy thoái. 

Theo Raheel Siddiqui, Chiến lược gia tới từ Neuberger Berman, các thị trường tài chính, trong đó có chứng khoán, có thể sẽ đối diện với các bất ngờ tiếp theo từ Fed trong cuộc chiến lạm phát. S&P 500 có thể tiếp tục giảm sâu hơn nữa cho tới khi nào công việc của Fed hoàn thành, ông cảnh báo. 

Ngoài Fed, Ngân hàng trung ương Anh và Thụy Sĩ cũng đã tăng lãi suất trong ngày hôm qua với các bước tăng lần lượt 0,5% và 0,75%. Lãi suất điều hành tại Thụy Sĩ hiện ở ngưỡng 0,5%, đồng nghĩa với việc châu Âu không còn quốc gia nào duy trì chiến lược lãi suất âm. 

Trọng Đại
Theo ndh.vn

Từ khóa: