Sự kiện hot
khoảng 1 năm trước

Còn quá sớm để nói kinh tế toàn cầu đã rơi vào suy thoái

Dù xuất hiện không ít dấu hiệu cảnh báo, nền kinh tế toàn cầu hiện tại vẫn sỡ hữu một số điểm khác biệt lớn so với các giai đoạn suy thoái trước đây. Tình hình thậm chí đang dần cải thiện khi giá cả hàng hóa liên tục sụt giảm từ tháng 6, và cuộc khủng hoảng chuỗi cung ứng có dấu hiệu thuyên giảm.

Những ngày này, bi quan là trạng thái tinh thần chủ đạo. Liên tục xuất hiện những báo cáo hạ dự báo tăng trưởng, những chuyên gia kinh tế lên tiếng bày tỏ quan ngại về triển vọng nền kinh tế toàn cầu.

Trong ngày 14/7, Steven Blitz, Chuyên gia tới từ TS Lombard, một công ty nghiên cứu - đầu tư, dự báo một cuộc suy thoái sẽ nổ ra ngay trong năm nay tại Mỹ, chỉ một ngày sau khi Bank of America đưa ra nhận định tương tự. Goldman Sachs, một ngân hàng đầu tư khác, dự báo kinh tế Đức, nền kinh tế số một châu Âu, sẽ “đi giật lùi” trong quý II và quý III của năm nay. 

Tại Mỹ, từ khóa “suy thoái” chưa bao giờ được tìm kiếm nhiều đến vậy. TikTok, một nền tảng video ngắn, ngập tràn các clip đưa ra lời khuyên đối với thế hệ Z về cách “sinh tồn” trong suy thoái. Nhà đầu tư bán tháo đồng (kim loại đại diện cho triển vọng ngành công nghiệp sản xuất) và mua vào USD (thể hiện tâm lý bất an), đồng thời dự báo các ngân hàng trung ương toàn cầu sẽ đồng loạt cắt giảm lãi suất trong năm sau để hỗ trợ nền kinh tế. 

fsxunj5etjnvpm4jru4fgmi3xm-1-2701-165891
Lạm phát tháng 6 tại Mỹ cao nhất hơn 4 thập kỷ. Ảnh: Reuters.

Trong vòng 18 tháng qua, một loạt các yếu tố thay nhau xuất hiện, tạo nên một “cơn bão” hoàn hảo đối với nền kinh tế toàn cầu. Để đối phó với đại dịch Covid-19, Mỹ đã “bao bọc” nền kinh tế của mình một cách thái quá, đẩy lạm phát vượt ra ngoài biên giới quốc gia này do các chuỗi cung ứng toàn cầu trở nên tắc nghẽn trước xu hướng bùng nổ nhu cầu mua sắm. 

Nỗ lực phòng dịch có phần khắc nghiệt của Trung Quốc càng làm trầm trọng hơn những vấn đề đã xuất hiện từ trước đó. Và cuộc xung đột Nga -Ukraine nổ ra khiến cho giá hàng hóa toàn cầu tăng vọt. Và để sớm đưa lạm phát vào tầm kiểm soát, khoảng 80% các quốc gia trên toàn cầu đã tiến hành tăng lãi suất với mức tăng trung bình 1,5% tính tới thời điểm hiện tại, kéo tụt thị trường chứng khoán. Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) được dự báo tiếp tục tăng lãi suất lần thứ tư trong năm nay với mức tăng 0,75% trong kỳ họp ngày 27/7.

Quá trình siết chính sách tiền tệ của các ngân hàng trung ương chính là nguồn cơn làm gia tăng quan ngại suy thoái. Kể từ năm 1955, có ba giai đoạn Fed tăng lãi suất lên ngưỡng cao tương đương so với dự báo trong năm nay, rơi vào các năm 1973, 1979 và 1981. Sau mỗi giai đoạn kể trên, một cuộc suy thoái ập tới chưa đầy nửa năm sau đó. 

Liệu lịch sử có lặp lại? Các quốc gia phát triển, đóng góp tới 60% GDP toàn cầu, đang có dấu hiệu chững lại sau quãng thời gian bùng nổ trong năm 2021. 

Chỉ số đo lường hoạt động kinh tế (current activity indicator) của Goldman Sachs tăng chậm lại trong một vài tuần gần đây. Chuyên gia kinh tế Nicolas Woloszko tới từ Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), người xây dựng công thức thống kê GDP hàng tuần từ dữ liệu Google-search, nhận thấy tăng trưởng tại các quốc gia phát triển bắt đầu có dấu hiệu sụt giảm. Kết quả khảo sát của S&P Global công bố trong ngày 22/7, phản ánh thực trạng các doanh nghiệp hoạt động trong khu vực đồng tiền chung châu Âu và Mỹ tỏ ra bi quan về triển vọng kinh doanh, với mức độ cao nhất kể từ đầu đại dịch.

current-activity-indicator-1209-16589173
Hoạt động kinh tế đang suy giảm tại các quốc gia phát triển. Ảnh: The Economist/Goldman Sachs.

Tuy nhiên, vẫn còn quá sớm để tuyên bố rằng suy thoái chắc chắn sẽ xảy ra, dù Mỹ, nền kinh tế số một giới, có thể đi lùi trong hai quý liên tiếp sau khi dữ liệu GDP được công bố vào ngày 28/7. Đó chỉ là một khái niệm mà nhiều người truyền tai nhau và không phải là một phương pháp chính thống được công nhận. Một loạt các yếu tố bất thường xuất hiện, đẩy lùi GDP quý I của Mỹ , dù nội tại nền kinh tế quốc gia này vẫn tương đối vững mạnh. Và cũng vẫn còn quá sớm để có thể nói quá trình siết chặt chính sách của Fed đã phát huy tác dụng. 

Phần lớn các chuyên gia kinh tế sẽ dựa vào “phán quyết” từ Cục Nghiên cứu Kinh tế Quốc gia (NBER) để có câu trả lời cuối cùng cho câu hỏi: kinh tế Mỹ đã rơi vào suy thoái hay chưa? Ủy ban đánh giá chu kỳ kinh tế (business-cycle-dating committee) của cơ quan này sẽ đánh giá một loạt các dữ liệu quan trọng khác, trong đó bao gồm tăng trưởng số lượng việc làm và sản lượng công nghiệp..., trước khi đưa ra kết luận liệu kinh tế Mỹ đã rơi vào suy thoái hay chưa. Và cách tiếp cận này cho ra kết quả: một cuộc suy thoái vẫn còn ở rất xa. 

Trong bối cảnh tăng trưởng đang dần chậm lại, câu hỏi đặt ra là liệu tình hình sẽ diễn biến xấu tới mức độ nào. Độ bi quan của người dân về nền kinh tế ở thời điểm hiện tại thậm chí còn lớn hơn so với khi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu và đại dịch Covid-19 nổ ra. Tuy nhiên, người dân tại các quốc gia phát triển vẫn đang sở hữu lượng tiền tiết kiệm ‘khổng lồ” lên tới 3.000 tỷ USD. Tính tới tháng 3/2022, lượng tiền mà các hộ gia đình có thu nhập thấp tại Mỹ sở hữu cao hơn 70% so với năm 2019, trước khi đại dịch nổ ra, theo dữ liệu từ JPMorgan Chase Institute.

consumer-confidence-3438-1658917370.jpg
Niềm tin người tiêu dùng sụt giảm. Ảnh: The Economist. 

Bên cạnh đó, kết quả nhiều cuộc khảo sát cũng chỉ ra rằng người dân tỏ ra tự tin hơn về tình hình tài chính hiện tại của bản thân. Tại Liên minh châu Âu (EU), mức độ tự tin của người dân về "sức khỏe" tài chính hiện cao hơn khoảng 30% so với mức trung bình gần 40 năm qua, kể từ khi dữ liệu được thu thập. 

Chính phủ các quốc gia phát triển cũng đang tích cực hỗ trợ người dân vượt qua “cơn bão” giá năng lượng. Tại eurozone, nguồn tài chính hỗ trợ nền kinh tế tương đương 1% GDP của khu vực. Anh cũng nhanh chóng tung ra nhiều chính sách hỗ trợ, điều đã từng được áp dụng trong suốt giai đoạn đỉnh điểm của đại dịch. Tuy ảnh hưởng tiêu cực tới tăng trưởng, nhưng đó là sự hỗ trợ cần thiết đối với những người gặp khó khăn. Trong tháng 5, Viện nghiên cứu chính sách tài khóa (Institute for Fiscal Studies) nhận định nguồn tiền trợ cấp đã phát huy hiệu quả trong việc giúp người dân đối phó với tình trạng gia tăng chi phí sinh hoạt. 

Hành vi của các doanh nghiệp cũng góp phần làm trấn an dư luận. Tốc độ tăng trưởng việc làm đang dần chậm lại với Apple và TikTok là những công ty mới nhất thông báo cắt giảm tuyển dụng. Tuy nhiên, số lượng việc làm mới tại các quốc gia phát triển hiện vẫn đang tiệm cận ngưỡng cao kỷ lục. Tại Australia, số lượng việc làm mới hiện cao gấp hơn hai lần so với trước đại dịch, theo dữ liệu từ Indeed. Tại Mỹ, mỗi người thất nghiệp sở hữu tới hai cơ hội việc làm. 

Và kết quả là, thị trường lao động vẫn tương đối vững mạnh. Tỷ lệ thất nghiệp trong OECD hiện thấp hơn so với trước đại dịch. Tại một nửa các quốc gia thành viên OECD, tỷ lệ người dân trong độ tuổi lao động tăng cao kỷ lục. Và những con số tích cực đó hoàn toàn trái ngược với mỗi giai đoạn suy thoái. 

Suy giảm đầu tư là một trong những nguyên nhân lớn nhất gây ra suy thoái. Trong các giai đoạn suy thoái trước đây, tình trạng sụt giảm vốn đầu tư đóng góp một nửa vào mức giảm GDP của các quốc gia thuộc nhóm G7. Hiện tại, đầu tư có phần suy yếu nhưng không quá nghiêm trọng, theo JPMorgan. Theo nghiên cứu của Oxford Economics, tốc độ sụt giảm đầu tư ước tính ở ngưỡng 0,5%/năm trong nửa cuối năm nay. Đó là thông tin xấu, nhưng chưa đủ xấu để gây ra một cuộc suy thoái. Mức độ sụt giảm đầu tư trong các giai đoạn suy thoái lớn hơn rất nhiều. 

Đáng buồn, quan ngại suy thoái có xu hướng gia tăng ngay cả khi các dữ liệu kinh tế tích cực xuất hiện. Những dữ liệu kinh tế yếu kém là dấu hiệu cảnh báo suy thoái, đó là điều chắc chắn. Tuy nhiên, những thông tin tích cực, bao gồm tăng trưởng thu nhập, thị trường lao động mạnh… bị đánh đồng đồng rằng các ngân hàng trung ương vẫn cần phải đẩy mạnh thắt chặt chính sách hơn nữa, qua đó làm gia tăng rủi ro suy thoái. 

May mắn thay, tình hình đang dần được cải thiện. Chỉ số đo lường các vấn đề chuỗi cung ứng của Fed New York đang trong xu hướng giảm dù vẫn cao hơn so với trước đại dịch. Giá hàng hóa toàn cầu liên tục đi xuống từ tháng 6. Giá xăng tại Mỹ giảm khoảng 3% mỗi tuần. Chỉ số áp lực lạm phát tin tức (được thống kê từ hàng triệu bài báo đăng tải thông tin liên quan tới lạm phát) của Alternative Macro Signals ghi nhận sự sụt giảm tại Anh và Mỹ. Tuy nhiên, lạm phát sẽ không giảm quá nhanh. Morgan Stanley dự báo lạm phát tại các quốc gia phát triển sẽ đạt đỉnh ở ngưỡng 8% trong quý III/2022.

global-chain-pressure-8492-1658917370.jp
Cuộc khủng hoảng chuỗi cung ứng bớt căng thẳng. Ảnh: The Economist.

Công tác dự báo có thể dễ dàng hơn trước một "biển" các dữ liệu kinh tế, tuy nhiên, lịch sử cho thấy dự báo suy thoái luôn là một công việc khó nhằn. 

NBER tuyên bố kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái từ tháng 12/2007 do là tâm điểm của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Nhưng trong tháng 8/2008, Fed vẫn tự tin dự báo Mỹ có thể tăng trưởng 2% vào cuối năm. Kể cả sau khi Lehman Brothers sụp đổ, Quỹ tiền tệ quốc tế IMF) vẫn lên tiếng khẳng định Mỹ sẽ không rơi vào một cuộc suy thoái sâu. Thế giới sau đại dịch chứa đựng không ít những bất ngờ. Không ai có thể dự báo chính xác tình trạng thiếu hụt lao động bắt đầu nhen nhóm từ năm ngoái, và lạm phát liên tục lập đỉnh trong năm nay. 

Trọng Đại
Theo ndh.vn

Từ khóa: