Lạm phát của nền kinh tế Việt Nam được nhận định chưa phải vấn đề quá nóng nhưng nguy cơ và sức ép đang hiện hữu.
Trong bối cảnh thiếu vắng thông tin hỗ trợ có thể tác động đến tâm lý nhà đầu tư, thị trường vẫn chủ yếu giao dịch dưới ngưỡng 1.200 điểm với những nhịp tăng giảm đan xen. Bên cạnh đó, thanh khoản vốn đã giảm dần từ đợt điều chỉnh tháng 4, đến nay, lại càng tiếp tục cạn kiệt hơn trong vài tuần gần đây. Giá trị khớp lệnh toàn thị trường (3 sàn) hiện chỉ quanh mức 15.000 tỷ đồng/phiên và ở mức 53.000 tỷ đồng/tuần, bằng 41% so với mức trung bình khoảng thời gian thị trường tạo đỉnh.
Đứng ngoài quan sát và chờ đợi thời cơ là vị thế được phần đông nhà đầu tư lựa chọn hiện nay, thậm chí, trên các diễn đàn chứng khoán, nhiều môi giới cũng khuyến nghị hạn chế giao dịch, nâng tỷ trọng tiền mặt… bởi lo sợ đà giảm vẫn tiếp tục khi “tin xấu” theo họ là vẫn chưa ra hết, đặc biệt là áp lực lạm phát.
Áp lực lạm phát lớn dần
Phát biểu tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 6/2022 diễn ra chiều 4/7, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương lưu ý, 6 tháng đầu năm nay, CPI bình quân tăng 2,44% nhưng CPI tháng 6 tăng 3,18% so với cuối năm ngoái và gấp hơn 2 lần mức tăng cùng kỳ năm 2019 (1,41%).
“Lạm phát của nền kinh tế Việt Nam chưa phải vấn đề quá nóng nhưng nguy cơ và sức ép đang hiện hữu, do đó cần phải hết sức thận trọng trong việc điều hành giá cả. Để CPI dao động trong khoảng 4% là vấn đề khó, cần sự điều phối nhịp nhàng của cả hệ thống”, Thứ trưởng Phương nêu quan điểm.
Tại Talkshow Chọn danh mục kỳ 12 với chủ đề “Khơi dòng vốn sản xuất kinh doanh” do Báo Đầu tư tổ chức chiều 14/7, ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Khối Nghiên cứu và Phát triển sản phẩm khách hàng cá nhân CTCK Yuanta Việt Nam nhận định áp lực FED thắt chặt chính sách tiền tệ, cụ thể là tăng lãi suất, có thể mạnh hơn nữa trong thời gian tới.
Nhìn lại lịch sử thị trường Mỹ từ năm 1995 tới nay, lạm phát và thị trường chứng khoán có mối tương quan. Vì công thức tính CPI vẫn xuất phát từ giá hàng hoá, mà trong thời gian qua, giá hàng hoá hầu hết tăng nóng đã khiến lạm phát tăng theo. Điều đặc biệt, trong năm 2022, tốc độ tăng CPI của Mỹ vượt trội và mạnh hơn so với tốc độ tăng giá hàng hoá. Trong khi thông thường, giá hàng hoá sẽ tăng mạnh hơn so với tốc độ tăng chỉ số CPI.
Theo ông Minh, một phần nguyên nhân là ngoài giá cả hàng hoá cơ bản, dầu, thì còn đến từ các giá dịch vụ cũng ghi nhận tăng. Cuối năm 2021, có thể thấy rõ các đợt tăng giá dịch vụ, đặc biệt là chi phí logistic rất cao. Tổng hoà các yếu tố này ảnh hưởng đến lạm phát Mỹ tháng 6 vẫn ở mức cao.
Chuyên gia Yuanta nhận định, mỗi khi giá hàng hóa tạo đỉnh thì 1 tháng sau chỉ số lạm phát có thể tạo đỉnh trong tháng kế tiếp. Điều đó có nghĩa, thị trường cũng đang kỳ vọng lạm phát trong tháng 7 có thể hạ nhiệt.
“Kịch bản FED thắt chặt trong các cuộc họp tới (sau cuộc họp tháng 7) có thể nhẹ nhàng hơn. Còn riêng tháng 7, theo dự báo đặt cược của CME, có tới 78% FED tăng 1 điểm phần trăm trong lần này, cũng có kịch bản tăng 0,75 điểm phần trăm. Vậy tức xác suất cao thì lãi suất tăng ít nhất 0,75 điểm phần trăm”, ông Nguyễn Thế Minh nói.
Chuyên gia này cũng đánh giá rằng việc tăng lãi suất của FED có khả năng vẫn ảnh hưởng tới thị trường, nhưng lịch sử cho thấy, trong giai đoạn đầu thì FED tăng lãi suất sẽ ảnh hưởng mạnh nhất tới TTCK, các lần sau tác động giảm dần và dần dần không đáng kể. Do vậy, có thể kỳ vọng kịch bản tích cực đối với thị trường chứng khoán Việt Nam.
Trong báo cáo triển vọng thị trường chứng khoán Việt Nam mới đây, VCBS cho rằng áp lực lạm phát thậm chí có thể kéo dài đến nửa đầu năm 2023 khi giá nguyên, nhiên vật liệu trên thế giới ở mức cao và phản ánh nhiều hơn vào chi phí sản xuất, giá thành sản phẩm. Không loại trừ áp lực lạm phát vòng hai do giá xăng dầu tăng cao. VCBS dự báo lạm phát năm 2022 có khả năng vượt mục tiêu 4% của Quốc hội tuy nhiên vẫn ở mức thấp so với các quốc gia trong khu vực.
"Nhìn chung nền kinh tế có xu hướng tăng trưởng chậm lại đi kèm với lạm phát cao trong khoảng thời gian dài hơn so với những dự báo trước đây", báo cáo của VCBS nêu rõ.
Theo VCBS, lãi suất vẫn chịu áp lực điều chỉnh tăng, đặc biệt là lãi suất huy động, nhưng sẽ chỉ về lại mức gần tương đương với giai đoạn trước dịch Covid-19. Mặt bằng lãi suất nhìn chung vẫn được giữ ở mức thấp nhờ thanh khoản dồi dào của hệ thống liên ngân hàng.
Về thị trường chứng khoán, khối lượng giao dịch trung bình trong năm 2022 được VCBS dự báo giảm 18-20% so với năm 2021 và đạt bình quân khoảng 800-820 triệu cổ phiếu mỗi phiên trên cả ba sàn. Mức cao nhất trong năm 2022 của chỉ số VN-Index có thể lên đến 1.580 điểm - tương đương tăng khoảng 6% so với mức đỉnh của năm 2021.
Cùng chung quan điểm, Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam (MASVN) cũng lưu ý lạm phát và chính sách lãi suất là 2 rủi ro chính cần theo dõi trong nửa cuối năm.
“Thị trường chứng khoán trong nước sẽ tiếp tục biến động theo các thông tin lạm phát, lạm phát kỳ vọng, và hành động của các ngân hàng trung ương, đặc biệt là FED", Mirae Asset nhận định.
Khánh An
Theo nhadautu.vn