Sự kiện hot
2 năm trước

Cuộc đua lãi suất 'tăng nhiệt'

Cuộc đua lãi suất bắt đầu “nóng” từ nhiều tháng qua, lãi suất huy động tăng khiến tiền gửi nhàn rỗi “ồ ạt” quay lại ngân hàng. Chuyên gia kinh tế, TS Đinh Thế Hiển nhận định, việc lãi suất huy động tăng nhẹ là phù hợp với tình hình lạm phát hiện nay.

Trong 3 tháng trở lại đây, hầu như các ngân hàng tư nhân đều tăng lãi suất huy động, phổ biến khoảng 0,3-0,5%/năm. Tính tới đầu tháng 6/2022, mặt bằng lãi suất tiền gửi đã tăng đáng kể, khoảng 10 ngân hàng đưa ra mức lãi suất trên 7%/năm. Ở kỳ hạn 12 tháng, SCB là nhà băng trả lãi cao nhất (7,3%). Nhóm 4 ngân hàng có vốn nhà nước cũng rục rịch tăng lãi suất. Lần đầu tiên trong 3 năm qua, BIDV tăng lãi suất tiền gửi thêm 0,1%/năm ở các kỳ hạn từ 12 tháng trở lên. 

Ông Nguyễn Thanh Tùng, Phó Tổng giám đốc phụ trách Ban Điều hành Vietcombank cho biết, lãi suất huy động có xu hướng tăng trong thời gian qua, vì biến động kinh tế thế giới hậu đại dịch, bất ổn chính trị, giá dầu và hàng hóa tăng mạnh gây áp lực lên lạm phát toàn cầu. Các ngân hàng trung ương trên thế giới đã bắt đầu thắt chặt chính sách tiền tệ và tăng lãi suất. 

Tại cuộc họp tháng 3/2022, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) quyết định nâng lãi suất cơ bản của đồng USD lên 0,25-0,5% (tăng 0,25% so với trước đó) và dự kiến sẽ có nhiều lần nâng lãi suất nữa từ nay đến cuối năm. 

photo-1-1654559747451197173997-4577-2874
Lãi suất huy động tăng chủ yếu là do lạm phát.

TS Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia lý giải, lãi suất huy động thời gian qua liên tục tăng, do nhiều ngân hàng cần bổ sung thanh khoản thiếu hụt, khi tăng trưởng tín dụng đang rất tích cực. Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ước tính, tăng trưởng tín dụng tới ngày 27/5 đạt 7,75%, mức cao nhất trong 10 năm qua, gấp đôi mức tăng trưởng trong cùng kỳ năm ngoái.

Dù vậy, các NHTM đều đã hết room tín dụng trong khi NHNN vẫn chưa nới room đã khiến cho tín dụng không đẩy thêm được ra ngoài trong những ngày cuối tháng 5.

Tuy nhiên, theo ông Lực nguyên nhân quan trọng hơn khiến lãi suất huy động tăng đó là lạm phát.

"Lãi suất huy động đầu vào sẽ tiếp tục gia tăng ở một số thời điểm do áp lực lạm phát. Người dân vẫn muốn chuyển dịch kênh đầu tư, thế nhưng các ngân hàng vẫn phải tăng lãi suất huy động để thu hút tiền gửi từ dân cư và kể cả doanh nghiệp", ông Lực nói.

Có giảm được lãi suất cho vay?

Chuyên gia kinh tế, TS Đinh Thế Hiển nhận định, việc lãi suất huy động tăng nhẹ là phù hợp với tình hình lạm phát hiện nay. Lãi suất tiền gửi ngân hàng tại Việt Nam hiện tại ở mức 6,5-7%/năm, thường bị đánh giá là nhỏ hơn nhiều so với tỷ suất sinh lợi từ đầu tư bất động sản.

Tuy nhiên, nếu đối chiếu với mức lạm phát 4%, ông Hiển cho rằng, lãi suất này cao hơn rất nhiều.

"Giả sử mức lạm phát là 4% và lãi suất huy động là 6%. Với mức lạm phát như hiện nay, không có nhiều dư địa để giữ lãi suất huy động ở mức như hiện tại. Lãi suất tiết kiệm không tương xứng với lạm phát thì tiền sẽ quay về các kênh đầu cơ", ông Hiển cảnh báo.

Trong bối cảnh lãi suất huy động liên tiếp tăng, lãi suất cho vay khó giữ thấp. Theo đó, mục tiêu phấn đấu giảm lãi suất cho vay khoảng 0,5 - 1% trong 2 năm 2022 - 2023 của NHNN sẽ là thách thức. TS Đinh Thế Hiển cho rằng, chương trình hỗ trợ vay vốn với lãi suất ưu đãi của Chính phủ, NHNN nên tập trung vào các lĩnh vực tạo ra nhiều giá trị gia tăng, việc làm như nông nghiệp, xuất khẩu .

Việc hỗ trợ cần đảm bảo đúng số tiền, thời điểm, làm tốt, nhanh cũng góp phần giảm lạm phát. Bởi, lạm phát hiện nay chủ yếu do chi phí đẩy, doanh nghiệp tăng giá bán sản phẩm dịch vụ", ông Hiển nói.

TS Cấn Văn Lực cho biết, lãi suất cho vay trong ngắn hạn sẽ cơ bản ổn định, khi nhiệm vụ trọng tâm của Việt Nam năm 2022 là hỗ trợ phục hồi kinh tế.

P.V
Theo ndh.vn

Từ khóa: