Sự kiện hot
11 năm trước

Đổi mới chương trình, SGK phổ thông: Ngổn ngang trăm mối tơ vò

Theo Đề án "Ðổi mới chương trình, sách giáo khoa (SGK) giáo dục phổ thông sau năm 2015", chương trình, SGK mới sẽ được triển khai bắt đầu ở lớp 1, 6 và 10 từ năm học 2016 - 2017. Như vậy, chỉ còn 2 năm nữa, SGK mới sẽ được áp dụng, nhưng theo GS Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên, Nhi đồng của Quốc hội thì Đề án này còn ngổn ngang và nhiều việc phải làm…


GS Nguyễn Minh Thuyết, lần đầu tiên trong lịch sử giáo dục nước ta có một cuộc đổi mới giáo dục được tuyên bố rõ là chỉ áp dụng cho những nơi đã có đủ điều kiện. Ảnh: Hải Hà

Một hay nhiều bộ SGK?

Theo Dự thảo Đề án, phần “giải pháp thực hiện” có nêu lên hàng loạt công việc phải làm, trong đó có việc “xây dựng chương trình, biên soạn SGK phổ thông”. Tuy nhiên, toàn bộ công việc này đều do 1 chủ thể là Bộ Giáo dục và Đào tạo hoặc các Ban Chỉ đạo đổi mới chương trình, SGK cấp quốc gia và cấp tỉnh thực hiện mà không có sự tham gia của toàn xã hội, ngoài việc trưng cầu ý kiến các chuyên gia, các cơ sở giáo dục đào tạo. 

Theo GS Thuyết, nếu như vậy thì không rõ trong tương lai sẽ có 1 hay nhiều bộ SGK. Và nếu có nhiều bộ SGK thì ngoài SGK do Bộ Giáo dục và Đào tạo trực tiếp tổ chức biên soạn, những bộ SGK do các tổ chức cá nhân khác biên soạn sẽ được trình cho ai duyệt, thẩm định và dạy thử nghiệm vào lúc nào?.

Để giải quyết “bài toán” trên GS Thuyết đề xuất, Đề án không thể xây dựng trên cơ sở giả thiết chỉ có 1 bộ SGK như từ trước đến nay. “Thậm chí, việc xây dựng chương trình cũng nên có “khoảng trống” để tiếp thu sáng kiến của xã hội. Tôi nghĩ là ngoài các chuyên gia của Bộ Giáo dục và Đào tạo, còn có nhiều chuyên gia Việt Nam ở trong nước và nước ngoài có hiểu biết sâu sắc về chương trình giáo dục phổ thông có thể đề xuất những chương trình hợp lý”. 

Về vấn đề này, GS Hoàng Văn Vân, Chủ nhiệm Khoa sau đại học, Ðại học Quốc gia Hà Nội đề xuất: Đề án nên phân vai rõ ràng hơn từ Bộ Giáo dục và Đào tạo xuống các đơn vị dưới Bộ, đặc biệt là những đơn vị sẽ được Bộ giao làm đầu mối thực hiện một mảng công việc nào đó nêu trong Đề án

Với quan điểm phải có một chương trình, nhiều bộ SGK, GS Hoàng Văn Vân đồng tình. Ông nói: “Quan điểm phải nhiều bộ SGK là đúng đắn. Điều này không mới ở nước ngoài, nhưng mới với Việt Nam. Mặc dù đã được nêu từ xây dựng chương trình và biên soạn SGK năm 2000, nhưng đây là lần đầu chúng ta dự định triển khai chính thức chủ trương này. Tôi đề nghị Nhà nước chính thức hóa chủ trương này và công bố rộng rãi trên các phương tiện truyền thông để toàn dân được biết”, GS.TS Vân nhấn mạnh.

Tuy nhiên, GS Vân cũng yêu cầu, cần phải xác định rõ nhiều bộ SGK thì các nhà xuất bản nước ngoài có được phép xuất bản SGK ở Việt Nam không? Nếu câu trả lời là “có thể được” thì cần có cơ sở pháp lý để chính thức hóa cho các nhà xuất bản nước ngoài, nhà xuất bản địa phương có cơ sở hoạt động trong lĩnh vực biên soạn SGK.

Không áp dụng thống nhất?

Tại Dự thảo Đề án ghi rõ: "Việc áp dụng chương trình, SGK mới chỉ được thực hiện ở những trường đã có đủ điều kiện về giáo viên, cán bộ quản lý, cơ sở vật chất và trang thiết bị giáo dục. Những trường chưa đủ điều kiện phải nhanh chóng bổ sung để có đủ điều kiện áp dụng chương trình mới”. Tuy nhiên, theo GS Thuyết việc đổi mới cục bộ như trên sẽ khó được chấp nhận.

“Đây là lần đầu tiên trong lịch sử giáo dục nước ta có một cuộc đổi mới giáo dục được tuyên bố rõ là chỉ áp dụng cho những nơi đã có đủ điều kiện. Định hướng như vậy thì không biết có bao nhiêu địa phương, bao nhiêu cơ sở nằm ngoài công cuộc đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục theo yêu cầu của Nghị quyết Hội nghị T.Ư 8? Định hướng này cũng mâu thuẫn với quan điểm “quản lý việc xây dựng và thực hiện chương trình bảo đảm tính khả thi, linh hoạt, phù hợp địa phương và đối tượng học sinh” và “nội dung giáo dục phải phù hợp với thời lượng dạy học: Ở cấp tiểu học là cả ngày nhưng có hướng dẫn vận dụng cho những cơ sở giáo dục chỉ có điều kiện dạy học 1 buổi trong ngày”, GS Nguyễn Minh Thuyết nói.

GS Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cũng khẳng định: “Không thể đặt vấn đề nơi nào có điều kiện thì thực hiện, nơi nào không có điều kiện thì giữ nguyên như cũ. Nếu nơi học chương trình mới, nơi học chương trình cũ thì còn gì là thống nhất nữa?. 

GS Thi yêu cầu, cần xây dựng một lộ trình hợp lý, trong đó có phần cứng và phần mềm. Phần cứng phải thực hiện đồng loạt, còn phần mềm để nơi nào có điều kiện thì thực hiện trước, nơi nào cần chuẩn bị thêm điều kiện thì chậm hơn một bước”.

Ngoài những vấn đề trên, GS Thuyết còn chỉ ra nhiều bất cập trong Dự thảo Đề án như: Đề án còn lẫn lộn giữa thực trạng với nguyên nhân; toàn bộ 5 giải pháp nêu trong Dự thảo thật ra chỉ là nội dung Đề án, tức là những công việc phải làm chứ không có phải pháp; thời gian chuẩn bị quá dài từ nay đến năm 2022 (sau 8 năm nữa) nhưng “tuổi thọ” lại quá ngắn chỉ tồn tại trong vòng 5, 6 năm, thậm chí ngắn hơn, như vậy rất lãng phí, nhất là trong điều kiện nước ta đang còn nghèo...

Hải Hà
theo Thanh tra

Từ khóa: