Sự kiện hot
3 năm trước

Hội đồng thẩm phán TAND tối cao xét kháng nghị Giám đốc thẩm của Chánh án TAND tối cao

Dự kiến, ngày 22/3/2022, Hội đồng thẩm phán TAND tối cao sẽ mở phiên tòa xem xét Quyết định kháng nghị Giám đốc thẩm của Chánh án TAND tối cao vụ án “Hủy kết quả bán đấu giá và tranh chấp hợp đồng tín dụng”, giữa nguyên đơn là Công ty Thiên Phú và Công ty Nam Sài Gòn.

Vụ án qua nhiều cấp xét xử

Theo thông tin từ TAND tối cao, ngày mai (22/3/2022), dự kiến Hội đồng thẩm phán TAND tối cao sẽ mở phiên tòa xem xét Quyết định kháng nghị Giám đốc thẩm số 03/2022/KN-KDTM ngày 14/2/2022 của Chánh án TAND tối cao trong vụ án “Hủy kết quả bán đấu giá và tranh chấp hợp đồng tín dụng”, giữa nguyên đơn là Công ty Thiên Phú và Công ty Nam Sài Gòn.

Vụ án đã qua 3 cấp xét xử sơ thẩm, phúc thẩm và giám đốc thẩm của Hội đồng thẩm phán TAND Cấp cao tại TP. Hồ Chí Minh. Liên quan đến nội dung bản án, các cấp xét xử đã đưa ra những phán quyết khác nhau.

Cụ thể, vụ án bắt đầu từ năm 2002, UBND tỉnh Bình Dương  phê duyệt cho Công ty Thiên Phú làm chủ đầu tư dự án Mỹ Phước 4, Cầu Đò, Hòa Lân với quy mô hơn 100 ha đất. Trong khi, Công ty Thiên Phú không có năng lực tài chính, không đủ điều kiện để làm chủ đầu tư.

 Kháng nghị của VKSND Cấp cao tại TP. Hồ Chí Minh.

Từ năm 2001 đến 2007, Công ty Thiên Phú vay của Agribank số tiền 305 tỉ đồng và 18.643,3 lượng vàng SJC để thực hiện Dự án Hòa Lân với tổng diện tích đất 490.765,1m2, trong đó, đất Nhà nước giao có thu tiền sử dụng đất là 243.912m2 và không thu tiền sử dụng đất là 246.853,1 m2.Có phê duyệt chủ trương, chưa đền bù giải phóng mặt bằng, chưa có đất, chưa có phê duyệt quy hoạch, chưa có căn cứ gì để tính hiệu quả dự án đầu tư, nhưng Công ty Thiên Phú vẫn thế chấp quyền sử dụng đất và cơ sở hạ tầng để vay vốn tại Ngân hàng nông nghiệp Chợ Lớn.

Để bảo đảm cho khoản vay, Công ty Thiên Phú đã dùng chính Dự án Hòa Lân để thế chấp Ngân hàng. Do Công ty Thiên Phú không trả được nợ và phát sinh nợ xấu nên Công ty Thiên Phú và Agribank ký Biên bản thỏa thuận đồng ý giao Dự án Hòa Lân cho Agribank toàn quyền bán đấu giá tài sản thế chấp để thu hồi nợ.

Sau đó, Agribank Chợ Lớn ký hợp đồng bán đấu giá tài sản với Công ty Nam Sài Gòn. Ngày 25/5/2017, tại phiên đấu giá lần thứ 13, Công ty Kim Oanh là người trúng đấu giá với số tiền là 1.353 tỉ đồng. Ngày 1/7/2017, Công ty Nam Sài Gòn ký hợp đồng mua bán tài sản bán đấu giá thành với Công ty Kim Oanh. Thay vì 45 ngày nộp tiền trúng đấu giá như quy định,  hai năm sau, ngày 20/05/2019, Công ty Kim Oanh mới thanh toán hết tiền cho Ngân hàng nông nghiệp Chợ Lớn.

Không đồng ý với việc chấp thuận Công ty Kim Oanh trúng đấu giá với nhiều "ưu ái", Công ty Thiên Phú đã có đơn kiện yêu cầu hủy kết quả bán đấu giá trên. TAND cấp sơ thẩm đã công nhận kết quả bán đấu giá. Sau đó, cả Công ty Thiên Phú và Agribank chi nhánh chợ Lớn đều có đơn kháng cáo. Tuy nhiên, trước khi phiên tòa cấp phúc thẩm được mở, cả Công ty Thiên Phú và Agribank chi nhánh Chợ Lớn đều yêu cầu rút đơn. TAND TP Hồ Chí Minh ra phán quyết phúc thẩm, giữ nguyên nội dung của bản án sơ thẩm, công nhận kết quả bán đấu giá.

Do lo ngại Nhà nước thất thoát số tiền đặc biệt lớn, VKSND Cấp cao tại TP. Hồ Chí Minh đã kháng nghị, hủy cả hai bản án của 2 cấp tòa tại TP.HCM từng công nhận kết quả trúng đấu giá của Công ty Kim Oanh, để xét xử theo quy định của pháp luật. TAND Cấp cao tại TP. Hồ Chí Minh đã ra Quyết định chấp thuận toàn bộ nội dung kháng nghị của VKSND tối cao.

 Quyết định Giám đốc thẩm của Ủy ban Thẩm phán TAND Cấp cao tại TP. Hồ Chí Minh.

Theo Quyết định Giám đốc thẩm của TAND Cấp cao tại TP Hồ Chí Minh, Bản án sơ thẩm xác định theo 2 hợp đồng tín dụng, Công ty Thiên Phú nợ  trên 2.059 tỉ đồng, cấn trừ tài sản bán được, Công ty Thiên Phú còn nợ 609 tỉ đồng. Còn bản án phúc thẩm xác định, đến ngày 9/7/2019, Công ty Thiên Phủ còn nợ đối với 2 hợp đồng tín dụng trên là 2. 561 tỉ đồng, trừ đi tài sản bán được, còn nợ lại 1.111 tỉ đồng.

Tuy nhiên, sau khi có kháng nghị của VKSND cấp cao, Tòa án cấp phúc thẩm phát hành văn bản sửa chữa, bổ sung bản án, sửa lại nội dung: Công ty còn nợ theo 2 hợp đồng tín dụng là 2.687 tỉ đồng, đối trừ tài sản bán đấu giá theo quyết định thì Công ty Thiên Phú còn nợ lại số tiền lãi là 1.237 tỉ đồng. Tuy nhiên, trong hồ sơ vụ án không có văn bản chiết tính thể hiện cách tính ra số tiền lãi trên (?)

Tưởng chừng Dự án Hòa Lân sẽ được đấu giá lại đúng pháp luật, thu hồi hàng ngàn tỉ thất thoát cho Nhà nước, thì ngày 14/2/2022, TAND tối cao có Kháng nghị đề nghị Hội đồng thẩm phán hủy Quyết định giám đốc thẩm của TAND cấp cao tại TP.HCM,  giữ nguyên bản án của TAND TP.HCM, tức công nhận kết quả trúng đấu giá của Công ty Kim Oanh.

Hội đồng thẩm phán TAND tối cao xem xét để đưa ra phán quyết

Trong Kháng nghị của Chánh án TAND tối cao, cho rằng, ngày 01/7/2003, Ngân hàng nhận thế chấp tài sản hình thành từ vốn vay là toàn bộ giá trị quyền sử dụng đất, cơ sở hạ tầng và tài sản trên đất tại Dự án Hòa Lân do Công ty Thiên Phú làm chủ đầu tư là đúng pháp luật, đúng theo Nghị định 178/2009 của Chính phủ về bảo đảm tiền vay.

Thực tế, pháp luật quy định rất chặt chẽ về việc cho vay và nhận tài sản đảm bảo hình thành từ vốn vay. Trong đó, nhấn mạnh khách hàng phải có vốn tự có hoặc tài sản bảo đảm khác (không hình thành từ vốn vay) ở mức tối thiểu 50% tổng mức đầu tư của dự án. Theo Quy định tại Điều 14 Nghị định 178/2009 của Chính phủ về bảo đảm tiền vay: Tổ chức tín dụng cho vay bảo đảm bằng tài sản hình thành từ vốn vay, nếu khách hàng vay và tài sản hình thành từ vốn vay đáp ứng được các điều kiện quy định tại Điều 15 của Nghị định nhằm đảm bảo được khả năng trả nợ.

 Hội đồng thẩm phán TAND tối cao sẽ mở phiên tòa xem xét Kháng nghị Giám đốc thẩm số 03.

Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có Thông tư 06/2000 hướng dẫn thực hiện Nghị định 178, trong đó nhấn mạnh, với trường hợp nhận tài sản bảo đảm hình thành từ vốn vay, khách hàng vay phải có dự án đầu tư khả thi; có khả năng tài chính và nguồn thu hợp pháp để thực hiện nghĩa vụ trả nợ; có vốn tự có tối thiểu bằng 50% tổng vốn đầu tư của dự án. Đối với tài sản hình thành từ vốn vay, phải xác định được: Quyền sở hữu của khách hàng vay; đối với tài sản là quyền sử dụng đất thì phải xác định quyền sử dụng của khách hàng vay và được thế chấp theo quy định của pháp luật về đất đai; nếu tài sản là bất động sản gắn liền với đất, thì khách hàng vay phải có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của khu đất mà trên đó tài sản sẽ được hình thành và phải hoàn thành các thủ tục về đầu tư xây dựng theo quy định của pháp luật.

Trong khi, theo kết quả của các cơ quan chức năng, Công ty Thiên Phú có thực trạng tài chính yếu kém, thua lỗ, âm vốn chủ sở hữu, không có vốn tự có tham gia vào dự án đầu tư. Công ty Thiên Phú không có dự án đầu tư khả thi, không có nguồn để trả nợ trong thời hạn vay. Công ty chưa có quyền sử dụng đất, chưa đền bù xong, chưa được giao đất. Hiện nay, đất vẫn còn trống và chưa có cơ sở hạ tầng gì được xây dựng. Rõ ràng, cần phải xem xét tài sản của Công ty Thiên Phú thế chấp cho Ngân hàng năm 2003 có đủ điều kiện để làm tài sản hình thành từ vốn vay hay không?

Không chỉ có vậy, theo quy định của Luật đất đai, đất được giao không thu tiền thì không được phép thế chấp, Ngân hàng vẫn nhận thế chấp đất của Công ty Thiên Phú được giao không thu tiền để cho vay. Nhưng nội dung Quyết định Kháng nghị số 03 nhận định, Hợp đồng thế chấp này thực chất là phụ lục của Hợp đồng thế chấp tài sản hình thành từ vốn vay, tức vẫn phù hợp pháp luật (?).

Vụ án còn nhiều mâu thuẫn nên mỗi cấp xét xử đều đưa ra nhận định khác nhau. Hội đồng thẩm phán TAND tối cao cần xem xét Quyết định kháng nghị Giám đốc thẩm số 03/2022/KN-KDTM ngày 14/2/2022 một cách toàn diện, để đưa ra phán quyết nhằm hạn chế thấp nhất những thiệt hại của Nhà nước nếu có.

Hà Nhân
Theo baovephapluat.vn

Từ khóa: