Sự kiện hot
7 năm trước

Hướng dẫn cách thay đổi thực đơn ăn dặm cho con dưới 9 tháng tuổi

Thay đổi thực đơn ăn dặm thế nào để con hợp tác, ăn ngon, tăng cân đều là trăn trở chung của tất cả các bà mẹ. Cùng tham khảo thực đơn ăn dặm cho con dưới 9 tháng của mẹ đảm ở Vĩnh Phúc để làm phong phú thêm thực đơn cho con!

Chị Đỗ Sen (Vĩnh Phúc) là giáo viên tiểu học. Chị bắt đầu cho bé Sâu (tên thật là Anh Thư) ăn dặm lúc vừa tròn 6 tháng tuổi. Chị Sen chia sẻ, bé Sâu được hưởng 72h vàng sữa non và 6 tháng hoàn toàn sữa mẹ. Hiện Sâu 8,5 tháng, nặng 9kg và rất hợp tác với những bữa ăn dặm mẹ chuẩn bị.

Bé Sâu 8 tháng, nặng 8,6kg.

Vợ chồng chị Sen.

- Chào chị, chị cho con ăn dặm từ bao giờ và theo phương pháp nào?

Chào bạn, mình cho con ăn dặm khi bé đủ 180 ngày tuổi, theo cách của riêng mình: Tây, ta, Nhật kết hợp. Quan điểm của mình là liên tục thay đổi thực đơn để con thích thú, tôn trọng con trong quá trình ăn.

- Vậy quá trình ăn dặm của bé diễn ra thế nào?

Trước khi cho con ăn mình tham khảo rất nhiều tài liệu về nuôi con sữa mẹ, ăn dặm kiểu Nhật, ăn dặm truyền thống và ăn dặm bé tự chỉ huy cùng các thực đơn trong các cuốn sách nhưng mình không áp dụng hoàn toàn, mình đổi hoặc thêm, bớt thực phẩm theo sở thích của con.

Ban đầu mình cho con làm quen với các loại rau củ quả. Tuần thứ 2 con bắt đầu ăn bột, cháo rau củ. Tuần 3 mình bắt đầu cho con ăn 2 bữa thịt/tuần, 1/2 lòng đỏ trứng/tuần, kết hợp rau củ quả theo mùa. Khi con 6,5 tháng, mình cho ăn blw 4 bữa/tuần.

Khoai tây hấp chín nghiền nát trộn bột bắp.

Để nhận biết khi nào cần tăng độ thô, mình áng chừng và quan sát con để tăng dần lên. Ví dụ cháo rây, rau băm nát, con ăn vẫn ngoan không ói thì bữa sau mình lại duy trì như vậy. Thường thì cứ sau 3-5 ngày mình tăng lượng thô của rau củ, thịt cá… Cách chế biến mình thường làm như sau: Cháo ninh, rây mịn, thịt cho vào ninh cùng cháo băm, giã nhỏ. Củ, quả mình hấp chín, dằm nát, rau băm nhỏ, sau đó cho tất cả lên đun sôi 2-3p. Khi con ăn được thô tốt hơn, cháo mình không rây nữa, thay vào đó là xay hoặc tán.

- Bé có thích thú và hợp tác không, những lúc con không hợp tác chị thường làm gì?

Khi mới bắt đầu ăn con rất thích thú, quan điểm của mình là từ 6-8 tháng sữa mẹ vẫn là chính, vì vậy mình chưa và không ép con ăn. Mình tôn trọng con, quan sát biểu hiện của con khi mẹ mang đồ ăn ra và trong quá trình ăn.

Trong lúc ăn, có những lúc con không ăn hoặc chỉ ăn vài thìa rồi lắc đầu hoặc ngậm, phun đồ ăn… những lúc đó mình thường dừng lại, nói chuyện với con, chơi cùng con 5 phút sau mình bón lại. Nếu con hợp tác thì hai mẹ con tiếp tục quá trình ăn, nếu con vẫn khóc không chịu ăn thì mình dừng hẳn không cho ăn nữa. Thời gian mình cho con ăn là 15 phút. Trong khi ăn mình tuyệt đối tuân thủ việc không cho con dùng điện thoại hay đồ chơi, cũng không ăn dong, con ngồi ăn trên ghế (con mình biết ngồi trước khi ăn dặm).

Bé Sâu biết ngồi trước khi ăn dặm.

Có những bữa mình nấu, con ăn được 5-7 thìa rồi khóc, có những bữa mình tự nấu rồi tự ăn nhưng chưa bao giờ mình nặng lời với con, và cũng không cố ép con ăn khi con không muốn. Những bữa sau mình đổi món khác, trang trí, bày biện cho bắt mắt. Đúng là nếu chịu khó kết hợp các món cho có màu sắc thì con rất thích và ham khám phá, tỏ ra thích ăn hơn.

Có thời điểm con không chịu ăn bón đút, nhìn thấy ăn là khóc, lúc đó con 7 tháng, mình chuyển sang ăn blw, con thích thú ăn hơn. Từ đó mình thêm 1 bữa blw vào buổi trưa, và liên tục thay đổi các món ăn. Đặc biệt, mỗi khi mình làm món bánh, đồ ăn từ yến mạch con đều thích thú, ăn ngoan hơn, nhiều hơn.

Từ 8 tháng mình bắt đầu cho con ăn 2 bữa cháo (bột)/ngày, bữa phụ hoa quả hoặc các loại bánh mẹ làm. Trộm vía con ăn ngoan, nhiều.

"Có những bữa mình tự nấu rồi tự ăn nhưng chưa bao giờ mình nặng lời với con, và cũng không cố ép con ăn khi con không muốn".

- Bé Sâu thích ăn các món từ yến mạch, chị có tăng cường yến mạch trong thực đơn của con không? Và gặp phải món bé không thích chị xử lý ra sao?

Để biết được con thích món nào mỗi hôm mình thử một món. Trong quá trình ăn nếu hôm đó con ăn nhanh, há to miệng, đòi mẹ đút nhanh chứng tỏ con thích ăn món đó, nhưng bữa sau mình không làm lại món đó.

Mỗi món mới bày ra là mình lại quan sát khi ăn xem thái độ con có thích thú không. Dù con thích hay không thì mình cũng luôn tôn trọng con, những món con thích ăn mình sẽ lặp lại 2 bữa/ tuần, những món con không thích mình thay đổi nguyên liệu khác, thêm hoặc giảm nguyên liệu. Mình nêm thêm hạt nêm tôm do mình làm vào món đó để cải thiện hương vị. Có những món con thích ăn nhưng mình không cho ăn quá 3 lần/ tuần.

Con mình thích ăn các món từ yến mạch và cua nhưng không vì thích mà mình cho ăn nhiều. Quan điểm của mình là ăn đủ và đa dạng. Từ khi cho con ăn đến giờ đã hơn 2 tháng, con mình chưa bị dị ứng với món nào. Trước khi chế biến món cho con, mình thường nghiên cứu kĩ các món thực phẩm kị nhau, dễ gây dị ứng.

"Có những món con thích ăn nhưng mình không cho ăn quá 3 lần/ tuần."

- Khi cho con ăn, chị thấy khó khăn nhất là gì?

Có lẽ là khi ăn blw, thời điểm mới chưa có kinh nghiệm thấy con ói là mình thấy khó khăn nhất. Trước đó, mình đã tìm hiểu rất kĩ từ cách chế biến, bày biện, quan sát và xử lí khi con nôn ói, hóc.

Con mình lúc mới ăn, con hay oẹ, nhưng mình vẫn để con ăn, mình luôn quan sát con, bình tĩnh để xem con xử lí như thế nào. Kết quả là con ói ra được miếng đồ ăn, lúc này mình xem kỹ đồ con ói ra xem nguyên nhân vì sao, ói do con cắn miếng to, nhai chưa được kĩ hay vì mình nấu chưa đủ nhừ, cắt miếng có to quá không… Có những bữa con ăn blw cùng gia đình bị nôn ra vì cắn miếng to, ông bà nói không nên để cháu ăn như vật, mình từ từ giải thích để ông bà hiểu và vẫn duy trì cho con ăn.

- Chị rút ra được gì trong suốt quá trình cùng con ăn dặm vừa qua?

Mình nghĩ làm mẹ, ai cũng muốn điều tốt nhất với con, chuẩn bị cho con mọi thứ. Nhưng thứ quan trọng hơn cả là bữa ăn của con, dù nhiều hay ít vẫn nên cho con ăn đúng giờ, trong quá trình ăn neên quan sát thái độ của con, tôn trọng, không ép con ăn.

Thực phẩm cần ăn đa dạng, và thay đổi trong từng bữa. Quan sát và tìm hiểu kĩ về các nguyên tắc ăn dặm để kịp trời xử trí những tình huống xấu. Cần tin tưởng vào khả năng tự xử lí của con kho con ăn blw.

- Cảm ơn chị đã chia sẻ những thông tin hữu ích!

Cùng tham khảo thực đơn ăn dặm cho con dưới 9 tháng của mẹ Sâu !

Sữa chua làm từ sữa mẹ.

Blw của "thanh niên" 7 tháng 25 ngày.

Dashi rau củ.

Plan bí đỏ.

Đậu hũ non yến mạch sốt thanh long đỏ.

Đậu hũ non yến mạch sốt bí đỏ + nước dashi rau củ

Bánh made in Mẹ Sâu Nguyên liệu : 50 g yến mạch , 50 g bí đỏ, 1 lòng đỏ trứng gà, 1 chút mè đen Cách làm: Yến mạch rửa qua ngâm nước 30 phút, bí đỏ hấp chín, rửa lại yến mạch, gạn bỏ nước cho vào xay cùng bí đỏ, đổ ra bát cho trứng vào đánh đều . Chiên trên chảo đá, hoặc chiên bằng bơ. Nếu dùng lò nướng thì nướng bánh ở 140d từ 10-15 phút.

Cháo yến mạch + thịt bò + bí đỏ + phô mai tươi và nước dashi rau củ.

Đậu hũ non yến mạch sốt thanh long đỏ.

Thanh Nhã - (Ảnh: NVCC)
Theo ĐSPL, Vietnammoi

Từ khóa: