Tập đoàn Masan công bố BCTC Hợp nhất quý 3/2022, lãi sau thuế hơn 3.950 tỷ đồng tăng 32%, lãi ròng là 3.120 tỷ đồng, tăng 47%, đóng góp lớn nhất vào doanh thu của doanh nghiệp này chính là mảng bán lẻ tiêu dùng.
Cụ thể, doanh thu thuần trong quý của Tập đoàn đạt 19.523 tỷ đồng, giảm 17% so với cùng kỳ. Lợi nhuận gộp của Masan đạt 5.424 tỷ đồng, giảm 11% so với cùng kỳ.
Sau khi trừ đi các chi phí và khoản lỗ khác 54 tỷ đồng, Masan lãi trước thuế 909 tỷ đồng, giảm 51% so với quý 3 năm ngoái, lãi sau thuế là 841 tỷ đồng, giảm 47%. Trong đó, lãi phân bổ cho chủ sở hữu công ty là 543 tỷ đồng, giảm 53%.
Luỹ kế 9 tháng, Masan đạt doanh thu thuần là 55.546 tỷ đồng, giảm 14% so với cùng kỳ và lãi sau thuế 3.951 tỷ đồng, tăng 32%, lãi ròng là 3.120 tỷ đồng, tăng 47%.
Đóng góp lớn nhất vào doanh thu của Masan là mảng bán lẻ tiêu dùng với 21.844 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 39% trong doanh thu, sau đó là mảng sản phẩm tiêu dùng có thương hiệu 18.781 tỷ đồng, chiếm 34%, mảng vật liệu công nghệ cao 11.651 tỷ đồng, chiếm 21%, MeatLife 2.114 tỷ đồng, chiếm 3,8%.
Tính đến ngày 30/9/2022, tổng tài sản của Masan tăng 2.338 tỷ đồng lên 128.431 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu giảm 6.735 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ/VCSH là 2,6.
Tính đến 30/9/2022, tổng tài sản của MSN tăng nhẹ lên 128.431 tỷ đồng, tài sản ngắn hạn giảm 15,6% xuống 36.801 tỷ đồng; tiền và các khoản tương đương tiền giảm mạnh 73% xuống 6.045 tỷ đồng; chứng khoán kinh doanh tăng hơn 1.200 tỷ đồng; phải thu ngắn hạn khác tăng gần 900% lên 8.815 tỷ đồng; hàng tồn kho tăng 11,6% lên 14.448 tỷ đồng.
Theo kế hoạch tài chính năm 2022, doanh thu thuần hợp nhất của Tập đoàn Masan năm 2022 ước sẽ đạt từ 90.000-100.000 tỷ đồng, tăng trưởng 22%-36% so với mức 74.200 tỷ đồng trong năm 2021. Lợi nhuận sau thuế ước tính từ 6.900-8.500 tỷ đồng, tăng 82-124% so với lợi nhuận 3.800 tỷ đồng của cả năm 2021.
Như vậy, sau 9 tháng Tập đoàn thực hiện được khoảng 61% mục tiêu doanh thu và 57% mục tiêu lợi nhuận năm.
Tiến Hoàng/KTDU