Nhờ sự tìm tòi, đam mê trong việc nấu nướng, chị Trang đã giúp con luôn vui vẻ, hợp tác ăn uống mỗi ngày.
Sau khi sinh con, chị Trang (TP.HCM) đã xin nghỉ việc ở vị trí nhân sự cho một công ty lớn, dành toàn tâm sức cho việc chăm sóc con. Vì lập gia đình muộn, đến năm thứ 4, vợ chồng chị mới có em bé. Vì thế, chị muốn được gần gũi con, chăm sóc con nhiều hơn.
Một trong những điều tuyệt vời mà chị Trang dành cho con, đó là rèn luyện cho bé thói quen ăn uống tự giác từ bé. Hơn nữa, chị cũng luôn thay đổi món liên tục, để bé có cơ hội được nếm thử nhiều món ngon, giúp con không kén ăn, hào hứng với việc ăn uống thường ngày.
Cùng trò chuyện với chị Trang để có thêm kinh nghiệm chế biến các món ăn cho con.
- Chị cho con ăn dặm từ tháng thứ mấy? Trước khi bước vào hành trình mới, chị chuẩn bị những gì?
- Mình cho bé bú hoàn toàn sữa mẹ 6 tháng đầu, đủ 180 ngày mình mới cho bé bắt đầu ăn dặm. Khi có bé thì mình bắt đầu tìm hiểu tài liệu nuôi con bằng sữa mẹ, khi bé đến tuổi ăn dặm thì mình đọc thêm tài liệu về ăn dặm để lựa chon phương phấp ăn dặm phù hợp cho bé. Mình tìm hiểu thêm về tháp dinh dưỡng và bảng thực phẩm cho bé từng tháng tuổi để chế biến thức ăn phù hợp cho bé.
Từ khi sinh con, chị Trang nghỉ làm để toàn tâm chăm con.
- Để con ăn ngon, mẹ cần nắm rõ những nguyên tắc gì trong việc cho con ăn?
- Khi bé bắt đàu ăn dặm mẹ cần tìm hiểu rõ được là bé đang trong giai đoạn tập làm quen và khám phá thức ăn là chính nên không nên nóng vội mà ép con ăn, để cho con được tự chủ trong việc ăn uống của mình như thế con vui mà mẹ lại khỏe.
Thêm nữa mẹ cần nắm rõ những nguyên tắc ăn dặm, tìm hiểu nhóm thực phẩm phù hợp độ tuổi của bé cũng như lựa chọn nguồn thực phẩm sạch và an toàn cho bé.
Khi cho bé ăn các loại thực phẩm có khả năng dị ứng cao thì mẹ phải cho ăn lượng rất ít và theo dõi xem bé có bị dị ứng hay không.
Ngoài ra, mẹ nên chú ý đến dụng cụ chế biến thức ăn cho con, nên dùng dụng cụ riêng với người lớn. Bé dưới 1 tuổi thì nên cho ăn thức ăn tự nhiên, chế biến đơn giản và nhẹ nhàng, không nêm nếm gia vị.
Như bé nhà mình, bé bị chuẩn đoán thiếu men G6PD (men bảo vệ hồng cầu) từ lúc sơ sinh, mắc bệnh này bé phải thận trọng trong việc tiếp xúc với các tác nhân oxy hóa làm gây vỡ hồng cầu sẽ bị tán huyết (tan máu); mà trong đó có nguyên nhân từ ăn uống. Bé nhà mình phải kiêng hết các loại đậu, phẩm màu nhân tạo, chất bảo quản, một số thảo dược… Vì vậy, mình phải theo dõi và tự chế biến món ăn đến tự làm gia vị cho con; và phải tự đích thân cho con ăn.
Bé được mẹ cho ăn dặm theo phương pháp BLW.
- Chị có lý do gì khi chọn phương pháp BLW cho con ăn dặm?
- Theo tìm hiểu và thực tế thì mình thấy cho bé ăn theo phương pháp tự chỉ huy - BLW có vẻ toàn diện nên mình áp dụng theo nguyên tắc và cho con ăn theo phương pháp đó; đồng thời kết hợp theo phương pháp ăn kiểu mẹ - tức là mẹ không nghiên cứu kỹ và áp dụng cứng nhắc hoàn toàn theo phương pháp đó mà nhiều khi mẹ cho con ăn theo cảm tính của mẹ nữa. Nhưng quy chung là tôn trọng nhu cầu ăn của con và cho con được làm chủ bữa ăn của mình.
Cho con ăn theo phương pháp tự chỉ huy có rất nhiều cái hay mà đặc biệt bé phát huy được nhiều kỹ năng ăn uống theo từng giai đoạn làm nền tảng phát triển các kỹ năng khác của bé. Bé mình thấy được bé ăn theo kiểu này bé thể hiện được niềm vui, sự hứng khởi khi khám phá đồ ăn, được dùng các giác quan để cảm nhận những thứ mới mẽ ngoài sữa mẹ.
- Bé nhà chị bắt đầu ăn đồ thô từ khi nào?
- Mình cho bé ăn thô tầm khoảng lúc bé 7 tháng tuổi, vì lúc đó bé mình mới ngồi vững, thuận tiện cho việc ngồi ăn tự chỉ huy. Hầu như, bé mới thấy đồ ăn thô thì cầm nắm và bỏ miệng thử rất tự nhiên; và bé biết tự chọn món bé thích ăn. Thực ra cho bé ăn thô sớm (sau 6 tháng sữa mẹ) không có gì phải lo lắng, quan trọng mẹ phải nắm vững các kiến thức cũng như nguyên tắc cho ăn, phải luôn quan sát con ăn và học cách xử lý đúng cách khi bé có gặp sự cố. Bé ăn thô nhưng bé ngậm, tiết nước bọt và nhai thức ăn nên không sợ ảnh hưởng đến dạ dày.
- Mỗi bữa chuẩn bị đồ ăn cho con chị làm mất khoảng bao nhiêu thời gian?
Mình một mình chăm con và tự làm các việc không tên khác và bé nhà mình đeo bám mọi lúc mọi nơi nên mình trữ sẵn những nguyên liệu hạt bột khô và ngẫu hứng chế biến cho bé. Mình làm nhanh đơn giản tầm 15-30 phút và làm bữa nào ăn bữa đó chứ không cất trữ.
- Bé nhà chị có hợp tác với những món ăn mẹ nấu không?
Bé mình nay 16 tháng tuổi, bé vẫn thích ăn theo ngẫu hứng và ăn theo nhu cầu của cơ thể nên không phải ttất cả món mình làm bé đều ăn, có nhiều món bé không ngó ngàng gì đến chứ chưa nói là ăn. Có khi hôm nay bé thích ăn món này nhưng vài hôm sau làm lại món này bé lại không đụng tay, nhưng nhiệm vụ của mẹ là cứ chế thôi còn con chê thì tùy con.
Thực ra bé dưới 2 tuổi còn ăn uống theo nhu cầu và ăn rất ít nên mình cứ chế và đổi món liên tục. Mình theo dõi, thấy bé đang giai đoạn thích và cần ăn nhóm thực phẩm nào thì cố gắng chế biến và đa dạng cách chế biến từ nhóm thực phẩm đó. Như bé nhà mình, không thích ăn đạm động vật (thịt, cá) nên mình thay thế bằng các loại hạt, bé không ăn rau thì mình băm rau trộn chung với cơm hoặc bánh…
Mỗi bữa ăn là một trải nghiệm thú vị.
- Chị làm thế nào để con ăn được đủ chất?
- Bé nhỏ dưới 2 tuổi ăn uống theo nhu cầu và cơ thể thiếu nhóm chất gì thì tự thích ăn món đó nên mình làm thức ăn đa dạng nhưng không đầy đủ nhóm chất trong cùng một bữa ăn; mà chế biến theo kiểu bữa nay ăn tinh bột, bữa sau rau quả, bữa sau đạm, bữa sau vitamin… Bé thích và cần bổ sung chất gì thì bữa đó bé thích ăn hoặc không. Ngoài ra mình có cho bé uống thêm nước rau quả hoặc sữa hạt mẹ làm. Những trái cây nào nhiều chất cần thiết bé không thích ăn thì mình dùng chế biến thành đồ sấy khô, kẹo theo phiên bản mẹ làm.
- Cảm ơn chị đã dành thời gian chia sẻ kinh nghiệm hữu ích.
Tham khảo thực đơn ăn dặm đa dạng, đủ chất chị Trang làm cho con:
Mỹ Anh - (Ảnh NVCC)
Theo ĐSPL, Vietnammoi