Theo một số giáo viên dạy Văn, việc bỏ tác phẩm "Chí Phèo" của nhà văn Nam Cao ra khỏi chương trình SGK phổ thông là chưa hợp lý.
Mới đây, Thạc sĩ Nguyễn Sóng Hiền (đang học Nghiên cứu sinh Tiến sĩ tại Australia) đưa ra quan điểm nên loại bỏ truyện ngắn "Chí Phèo" của nhà văn Nam Cao ra khỏi chương trình SGK phổ thông vì thiếu tính giáo dục. Hiện tại, đã có rất nhiều ý kiến tranh luận xung quanh vấn đề này, nhất là từ giới giáo viên dạy môn Ngữ văn ở trong nước.
Trao đổi với chúng tôi, Tiến sĩ (TS) Văn học Phạm Hữu Cường - một trong các giáo viên luyện thi môn Ngữ văn tại Hà Nội cho biết, ý kiến của tác giả Nguyễn Sóng Hiền chỉ là nhìn nhận qua góc độ cá nhân và riêng tư.
Tiến sĩ Văn học Phạm Hữu Cường. Ảnh: NVCC.
Theo TS Phạm Hữu Cường, trên thực tế vẫn còn một số điểm cần phân tích rõ ràng như sau:
"Thứ nhất, chúng ta hoàn toàn có thể hình dung rằng Chí là điển hình cho giai cấp nông dân ở Việt Nam trước Cách mạng tháng 8 - đây là một dạng người bị 'bần cùng hóa' và sau đó thì bị 'lưu manh hóa'. Bản chất của nông dân là phải có sự tư hữu về ruộng đất, Chí ở đây thì không hề được sở hữu ruộng đất. Khi tới nhà Bá Kiến lần thứ hai, Chí đã đòi để xin có đất cắm dùi. Chí đã được thỏa mãn vì Lý Cường (con trai Bá Kiến) đã cắt cho 5 sào vườn ở ven sông. Dù bắt đầu có sự tư hữu về ruộng đất nhưng cũng chính từ đây lại đẩy Chí lún sâu hơn vào con đường tội lỗi.
Thứ hai, nghiên cứu sinh Nguyễn Sóng Hiền đã chưa hiểu đúng về tác phẩm khi cho rằng Chí chỉ là một đứa con hoang, xuất thân không cha không mẹ và bị lưu manh hóa từ đó. Dù xuất thân như vậy nhưng Chí vẫn lớn lên bằng bản chất hiền lành, lương thiện cho tới năm anh ta khoảng 23 - 25 tuổi. Khi anh ta bóp đùi cho vợ Bá Kiến thì Chí vẫn rất giàu lòng tự trọng, có ý thức về nhân phẩm và cảm thấy nhục nhã khi phải làm một việc không chính đáng. Chỉ sau khi bị ở tù về thì Chí mới bị 'lưu manh hóa' mà thôi.
Thứ ba, Chí bị Bá Kiến đẩy vào tù chứ không phải là ai khác. Chính hai tầng lớp phong kiến và thực dân đã cấu kết để đè nén những người dân nghèo như Chí. Sau khi ở tù về, chính môi trường xã hội làng Vũ Đại cộng với việc Bá Kiến biến Chí thành một đầy tớ chân tay mới thay cho Binh Chức, Năm Thọ thì Chí mới bị lưu manh hóa.
Do đó, nghiên cứu sinh Nguyễn Sóng Hiền cho rằng Chí phèo chỉ là thân phận đứa con hoang nên mới bị lưu manh hóa là hoàn toàn không chính xác, thậm chí là hiểu lệch lạc về tác phẩm. Tác giả Nam Cao đã thể hiện rất sâu sắc việc Chí bị lưu manh hóa chính là do các nguyên nhân xã hội, từ nhà tù thực dân cho tới chế độ phong kiến thối nát chuyên đục khoét và môi trường xã hội làng Vũ Đại".
Hình ảnh Chí phèo đến nhà Bá Kiến xuất hiện trong phim 'Làng Vũ Đại ngày ấy'. Ảnh: Internet.
TS Phạm Hữu Cường cũng cho rằng, trong tác phẩm này nhân vật Chí không chỉ đáng thương mà còn là tổng hợp của hai bi kịch: Bị hủy hoại nhân tính và bị từ chối quyền làm người lương thiện.
"Tuy nhiên, Chí cũng là một con người rất đáng trân trọng ở chỗ dù bị lưu manh hóa nhưng sau khi gặp Thị Nở và được thức tỉnh về mặt lương tri, anh ta đã khát khao muốn quay trở về làm người lương thiện. Còn ý kiến Thạc sĩ Sóng Hiền cho rằng, chi tiết Chí cưỡng bức Thị Nở ở vườn chuối là phạm luật thì đây là cách hiểu 'dung tục hóa'. Đem quan điểm hiện đại để áp đặt cho tác phẩm của ngày xưa thuộc về quá khứ. Cách hiểu này người ta gọi là chụp mũ và quy chiếu cho nhân vật chứ không theo đúng tư tưởng của tác giả", TS Cường nhấn mạnh.
Về nhân vật Thị Nở, một người được khắc họa là vừa nghèo, xấu xí lại đần độn mà cũng không thèm làm bạn với Chí, vậy thì nói gì đến những người khác ở làng Vũ Đại. Điều này đã chặn đứng con đường muốn hoàn lương của Chí.
Mặt khác, tác giả Nam Cao cũng rất trân trọng những phẩm chất tốt đẹp của Chí khi muốn trở thành người lương thiện. Chi tiết cụ thể là sau khi ăn bát cháo hành của Thị Nở, Chí đã hiểu rằng mình có thể tìm bạn được, sao cứ đi gây kẻ thù với người khác. Sự thức tỉnh của Chí là có thật chứ không phải do Nam Cao áp đặt hay chỉ nhấn mạnh chuyện quan hệ dung tục với Thị Nở. Ngay cả khi gặp Bá Kiến, Chí cũng không đòi tiền mà chỉ muốn đòi làm người lương thiện cũng đủ thấy bản chất và khát vọng hoàn lương của Chí là như thế nào.
"Theo tôi, chúng ta cần phải giữ lại tác phẩm 'Chí phèo' của Nam Cao trong chương trình. Giáo viên cần giảng như thế nào để các em học sinh hiểu đúng tác phẩm, bởi trước đó cũng đã từng bị hiểu sai nhiều lần chứ không phải chỉ bây giờ. Dù như thế nào thì tác phẩm này vẫn mang những giá trị hiện thực và nhân đạo rất sâu sắc", vị TS Văn học khẳng định.
Chí phèo được 'nhấc' từ quá khứ ra hiện tại?
Cô giáo Nguyễn Hằng Nga - Tổ trưởng bộ môn Ngữ văn Trường THPT Hoài Đức B (Hà Nội) chia sẻ: "Nam Cao vốn là đại diện xuất sắc của văn học hiện thực phê phán Việt Nam giai đoạn 1930 - 1945. Truyện ngắn 'Chí Phèo' của ông là một kiệt tác của văn học Việt Nam thế kỷ XX. Nay có một ý kiến của nghiên cứu sinh (NCS) cho rằng nên huỷ bỏ việc giảng dạy tác phẩm này khỏi chương trình phổ thông! Thật là đau xót quá! Thương cho nhà văn - liệt sĩ Nam Cao quá".
NCS Nguyễn Sóng Hiền cho rằng nhân vật Chí phèo là một đứa trẻ mồ côi, không được dạy dỗ mà trẻ mồ côi ở thời nào cũng có và đã mồ côi thì phải chịu thiệt thòi, phải là lưu manh là đương nhiên. Thế tức là Chí không phải là sản phẩm của xã hội Thực dân - Phong kiến mà thời nào cũng có. Thạc sĩ Hiền đã không nhìn nhân vật này bằng con mắt lịch sử và thời đại mà chúng ta quen nhìn và vô tình đã "nhấc" Chí phèo ra khỏi thời đại của anh ta một cách khiên cưỡng.
"Hơn thế nữa, NCS Nguyễn Sóng Hiền còn cho rằng Chí không đủ tư cách đại diện cho giai cấp nào cả, kể cả giai cấp nông dân mặc dù Chí sinh ra ở làng Vũ Đại - 100% dân số là nông dân. Chí cũng sinh ra trong một thời đại mà 90% dân số nước Nam ta là nông dân. Có lẽ, bạn NCS kia cho rằng Chí thuộc loại phi giai cấp.
Anh Hiền còn cho rằng hành động Chí xông đến Thị Nở là hiếp dâm không có tính giáo dục. Hiếp dâm mà hôm sau thức dậy Thị Nở lại thấy thương Chí phèo, dìu Chí vào lều rồi về nhà nấu cháo hành mang sang. Nam Cao nhân đạo lắm. Nếu không có cái đêm trăng vườn chuối ấy thì hai con người tội nghiệp kia biết thế nào là Yêu. Nam Cao trân quý con người lắm lắm qua chi tiết này.
Đọc tác phẩm mà chỉ cảm nhận hời hợt ở bề ngoài của chi tiết thôi. Thật đáng tiếc! Tình yêu mộc mạc và chân thành của Thị Nở với Chí phèo sẽ không thể có được sau khi bị hiếp dâm. Tình yêu ấy chính là chất xúc tác quan trọng để bản chất lương thiện của Chí được đánh thức.
Tư tưởng nhân đạo độc đáo của Nam Cao muốn gửi gắm qua tác phẩm chính là: Nam Cao khẳng định rõ ràng rằng người nông dân dù có bị đẩy vào bước đường cùng, dù bị sống trong lốt quỷ nhưng bản chất lương thiện của họ luôn tiềm ẩn và lúc nào cũng đáng quý trọng. Có lẽ ít có nhà văn nào thương người nông dân được như Nam Cao".
Đình Tuệ
Theo ĐSPL, Vietnammoi