Sự kiện hot
2 năm trước

Tìm giải pháp phục hồi kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp ngành chè trong nền kinh tế số

Trong bối cảnh mới, các doanh nghiệp cần hỗ trợ tìm kiếm những sáng kiến, giải pháp giúp doanh nghiệp ngành Chè phục hồi kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh và ứng dụng công nghệ số trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; đưa ra các giải pháp nhằm hỗ trợ thúc đẩy liên kết, phát triển chuỗi giá trị sản phẩm chè trong nền kinh tế số.

Các doanh nghiệp chè đang cần những giải pháp hỗ trợ chuyển đổi số trong bối cảnh mới - Ảnh minh họa.

Nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp ngành chè trong nền kinh tế số

Mới đây, tại hội thảo trực tuyến “Các giải pháp phục hồi kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp ngành chè trong nền kinh tế số tại Thái Nguyên” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Tập đoàn Facebook (Nay là Tập đoàn Meta) và Liên minh HTX tỉnh Thái Nguyên tổ chức, các chuyên gia, doanh nghiệp đã cùng tìm kiếm những sáng kiến, giải pháp giúp các doanh nghiệp ngành chè phục hồi kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh và ứng dụng công nghệ số trong sản xuất và tiêu thụ chè.

Theo bà Trần Thị Thanh Tâm – Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa - Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đề cập: “Để thích ứng linh hoạt với tình hình mới, bên cạnh những chính sách hỗ trợ của Chính phủ, việc các doanh nghiệp ngành chè chủ động đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ, công nghệ số, liên kết phát triển theo chuỗi giá trị, đảm bảo nguồn cung nguyên liệu an toàn và sản phẩm chè đạt tiêu chuẩn quy định về chất lượng đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và thúc đẩy xuất khẩu là một trong những hướng đi và giải pháp cần thiết để phát triển bền vững ngành chè trong thời gian tới”.

Được biết, Hội thảo trực tuyến lần này là một hoạt động trong chương trình Boost with Facebook được VCCI thực hiện tại Việt Nam và là cam kết của Facebook trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam phát triển trong nền kinh tế số. Hội thảo cũng là cơ hội để các nhà hoạch định chính sách, chính quyền địa phương, các chuyên gia, các tổ chức hỗ trợ doanh nghiệp và cộng đồng doanh nghiệp tỉnh Thái Nguyên cùng thảo luận và đưa ra các giải pháp nhằm hỗ trợ thúc đẩy liên kết, phát triển chuỗi giá trị chè trong nền kinh tế số.

“Nông dân số” trong nền kinh tế số

Hiện nay, nông nghiệp là một trong 5 lĩnh vực then chốt được ưu tiên triển khai chuyển đổi số, thực tế Thái Nguyên đã xây dựng cả một Nghị quyết về chuyển đổi số giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030. Việc này được kỳ vọng giúp người nông dân thay đổi về tư duy, sẵn sàng tiếp cận các giải pháp công nghệ, khoa học kỹ thuật mới trong trồng trọt và chăn nuôi, trong quản lý, điều hành sản xuất, kinh doanh.

Tại vùng chè Tân Cương (Thái Nguyên) trước những ảnh hưởng từ dịch Covid-19, suốt thời gian gần 2 năm qua, nơi đây luôn vắng bóng khách đến tham quan và mua chè nhưng không có nghĩa sản phẩm làm ra ở đây không bán được. Miền chè cổ này đang chuyển mình bắt đầu từ những “nông dân số”.

Trước xu thế mới, người nông dân cũng phải trở thành những công dân số. Làm nhiều rồi cũng thành quen, giờ đây việc đứng trước ống kính giới thiệu sản phẩm như một người dẫn chương trình chuyên nghiệp đã không còn là vấn đề khó. Và chính sự giản dị, chất phác của những người “nông dân số” lại được khách hàng và người xem yêu mến.

Bằng công nghệ, những hình ảnh, thông điệp từ sản phẩm Trà Thái Nguyên đã được bà con nông dân gửi đến khách hàng trong và ngoài nước - Ảnh: Dân Việt.

Chị Hoàng Thị Tân (HTX Tâm Trà Thái, Tân Cương) chia sẻ trước báo chí: Dịch Covid-19 ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất của người dân cũng như những doanh nghiệp làm chè. Trước khó khăn đó, chị đã có quyết tâm, thay đổi tư duy bán hàng, giới thiệu sản phẩm lên mạng xã hội để nhiều người biết đến. Từ công việc chăm sóc, thu hái, chế biến trà thân thuộc hằng ngày, hay những chia sẻ về thăng trầm của nghề làm chè trên miền đất cổ mang đậm hơi thở cuộc sống của người Tân Cương đã mang lại sự thú vị, đầy cảm hứng đối với người xem trực tuyến. 

Chị Tân cho biết, trước đây khách hàng phải đến trực tiếp tham quan, nghe chia sẻ, giới thiệu về quy trình làm chè Tân Cương. Nhưng nay nhờ công nghệ, chỉ ngồi ở nhà cũng có thể truyền hình ảnh, thông điệp đến với khách hàng toàn quốc, thậm chí qua zoom còn tới được khách hàng trên thế giới.

Tuy vậy, để có được lượng người theo dõi cũng như kỹ năng bán hàng trực tuyến như hiện tại, với chị Tân và nhiều người làm chè trên vùng đất Tân Cương này, là cả một quá trình dài.

Thật may, những lớp học về chuyển đổi số của ngành nông nghiệp đã mang lại cho người nông dân nơi đây cơ hội mới. Sau giờ sản xuất, các thành viên HTX tranh thủ tham gia lớp học bán hàng trực tuyến. Họ được trang bị kỹ năng giới thiệu sản phẩm và tương tác với khách hàng online.

Theo Giám đốc HTX chè Hảo Đạt - Đào Thanh Hào cho biết, với sự trợ giúp của công nghệ đầu ra cho nông sản của các HTX, doanh nghiệp đã cơ bản được giải quyết. Cả vùng chè Tân Cương rộng lớn với cả nghìn tấn mỗi tháng đã đến tay người tiêu dùng qua các kênh thương mại điện tử. Các thành viên HTX đã làm quen và từng bước làm chủ được cách bán hàng trên mạng. Nhờ quảng bá trên các sàn thương mại thì trong lúc dịch bệnh HTX vẫn vượt qua, mặc dù không được như lúc trước nhưng doanh số giảm không đáng kể.

Chia sẻ trước báo chí, ông Phạm Văn Sỹ, Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Thái Nguyên cho biết, chuyển đổi số đã hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp với sản lượng lớn ngay cả khi diễn biến dịch bệnh phức tạp. Thông tin liên quan đến sản phẩm, đặc biệt là các sản phẩm OCOP tiêu biểu của Thái Nguyên được liên tục đăng tải, tích hợp chỉ dẫn địa lý, quảng bá chất lượng.

Mặc dù vậy, ông Sỹ vẫn khẳng định rằng sàn giao dịch thương mại điện tử chỉ là công cụ hỗ trợ. Để tạo được uy tín, thương hiệu thì chất lượng sản phẩm vẫn là yếu tố cốt lõi. Đây cũng là bài toán chung của nhiều mặt hàng nông sản tại Thái Nguyên.

Tạ Thành

Theo KTĐU

Từ khóa: