Dantin - “Hôm ấy có thằng anh con nhà hàng xóm đi học về, cho con tôi một gói kẹo bên ngoài toàn chữ Trung Quốc và có hình chú khỉ Tôn Ngộ Không. Sau khi ăn xong con tôi nôn mửa liên tục, phải đưa vào nhập viện, tiến hành rửa ruột và chuyền nước, bác sỹ bảo là ngộ độc thực phẩm nặng…”
Dantin - “Hôm ấy có thằng anh con nhà hàng xóm đi học về, cho con tôi một gói kẹo bên ngoài toàn chữ Trung Quốc và có hình chú khỉ Tôn Ngộ Không. Sau khi ăn xong con tôi nôn mửa liên tục, phải đưa vào nhập viện, tiến hành rửa ruột và chuyền nước, bác sỹ bảo là ngộ độc thực phẩm nặng…”
Nhiều hơn nấm sau mưa…
Dạo một vòng qua các cổng trường tiểu học, trung học cơ sở trên địa bàn thành phố Hà Nội, sẽ thấy các loại kẹo bánh bao gói ghi toàn tiếng Trung, không rõ nguồn gốc xuất xứ, thành phần, không có hạn sử dụng được bán nhan nhản như nấm sau mưa.
Dừng chân tại cổng trường tiểu học Phú Diễn, chúng tôi được tận mắt chứng kiến những loại kẹo, đồ ăn bán tại đây nhiều vô kể. Hàng chục học sinh tụm năm tụm bảy háo hức xúm quanh gánh hàng rong, thi nhau mua và chia nhau những que kẹo. Lấy lý do đứa cháu đòi kẹo Tôn Ngộ Không tôi tạt xe vào hỏi mua, chủ gánh hàng rong đon đả mời chào và đưa cho chúng tôi xem một gói kẹo "Gậy như Ý" nhỏ, bên ngoài in hình chú khỉ Tôn Ngộ Không và mấy túi kẹo bi, kẹo sao xanh, đỏ nói: “em mua kẹo bánh cho cháu đi. Bọn trẻ bây giờ thích nhất loại này đấy, mua nhanh lên chứ học sinh sắp tan học rồi không chen được đâu. Hàng chị mới lấy về còn giòn lắm. Bánh que cay này có đủ màu sắc, xanh, đen, vàng, đỏ… đều có. Mùi vị thơm ngon lắm! Chỉ có hai nghìn đồng một gói thôi”. Với 12 nghìn đồng tôi mua được gần chục túi kẹo Trung Quốc đủ các loại và đủ màu sắc, Cầm gói bánh que cay chủ gánh hàng rong đưa cho, tôi bóc ra, bên trong có mấy cái bánh hình que dài chừng 15cm được ướp thêm một số gia vị gì đó, đưa lên mũi ngửi có mùi thơm thơm, hăng hăng giống mùi của ngũ vị hương. Tuy nhiên, khi bóc ra được một lúc thig gói bánh bốc mùi hôi nồng rất khó chịu. Thử cho vào miệng, mới đầu có vị cay, ngọt lợ, nhai kỹ thì thấy đăng đắng, nuốt vào một miếng nhỏ thì thấy bám trong cổ họng rất lâu và cảm giác như muốn nôn mửa.
Bánh kẹo trung quốc có giá rất "cạnh tranh"
“Ba không, hai có”
Điểm chung của những loại kẹo bánh này đều không có nguồn gốc xuất xứ, không rõ thành phần, và không có hạn sử dụng. Bù lại, trên bao bì đều in chi chít chữ Trung Quốc và những hình ảnh siêu nhân, hoạt hình, màu sắc rất nổi bật và bắt mắt. Khi được hỏi về nguồn gốc của gói bánh que cay và những gói kẹo xanh, đỏ đang được bày bán, thì chủ các cửa hàng lắc đầu ngoay ngoảy, người thì bảo nhập từ Quảng Ninh, Người thì bảo ở Hải Phòng, Cao Bằng… Chị Trần Thị Lan một gánh hàng rong ở cổng trường THCS Xuân Đỉnh cho biết: “Những mặt hàng này, tôi đều lấy lại từ các đại lý lớn, hàng lấy về thì mang ra đây ngồi bán. Buôn bán nhỏ như chúng tôi quan tâm làm gì mấy chuyện xuất xứ, chất lượng của sản phẩm chú ơi!...”
Ngoài “ba không” (nguồn gốc xuất xứ; thành phần; hạn sử dụng), những túi kẹo Trung Quốc này đều có sử dụng các phẩm màu phụ gia độc hại. Bình thường để trong bao kín thì không sao, nhưng khi đưa ra ngoài một vài phút thì chảy ra một chất nhựa, kèm theo màu xanh, nâu, đỏ tím… tùy theo màu của từng loại kẹo khác nhau. Trong những gói kẹo này còn chứa chất kích thích gây nên sự thèm muốn của người dùng. Bạn N.V.B, một học sinh lớp 9 trường THCS Xuân Đỉnh cho biết: “Cái này rẻ, nhưng ăn nhiều lần nó tạo ra một thói quen, có cảm giác như…nghiện, nếu như ngày hôm đó không ăn thì cảm giác như kiểu cay cay bám ở cổ họng và tiết ra nước bọt liên tục, phải uống nước lọc và tập trung vào một việc khác mới quên được…”
Siêu rẻ, vẫn lãi to!
Em Bùi Xuân Lộc, một học sinh lớp 7 ở trường tiểu học Thanh Xuân cho biết: “mỗi ngày mẹ em cho mười ngìn ăn sáng, nếu trích ra 5000đ mua bánh mì, 5000đ còn lại mua được 3 gói kẹo cay này mời bạn bè thoái mái, nếu lấy 5000đ mua kẹo Việt Nam thì chỉ mua được cái bánh lương khô thôi, chứ chẳng mua được gì…”
Tuy bán ra thị trường với giá rất rẻ nhưng những người bán kẹo bánh Trung Quốc hàng lại thu về một món lợi quá lớn. Nhập vai một sinh viên đi buôn kiếm thêm thu nhập lúc nhàn rỗi, tôi theo chân chị Dương Thị Huyền một gánh hàng rong chuyên bán kẹo Trung Quốc ở cổng trường tiểu học Phú Diễn đi lấy hàng từ chợ Đồng Xuân. Chúng tôi thật sự “choáng” với giá rẻ bất ngờ. Các loại kẹo sao, kẹo viên ngậm, kẹo ô mai, táo ướp… mỗi lô hàng đóng nguyên túi hơn 200 gói với giá 35.000đ/lô (175 đồng/gói) sau khi về bán cho các em học sinh giá 500đồng/ gói thì lời 325đ/gói. Các loại kẹo que, kẹo mút, mứt sấy… mỗi lô đóng nguyên túi 100 gói, có giá là 75.000đ/lô (750đ/gói) về bán lại cho học sinh 2000 đồng/gói thì lời 1250đ/gói. Còn những loại quẩy rán bán theo bịch thì có giá 20 đến 25000đ/bịch bên trong có hơn 100 chiếc, về bóc ra bán lẻ 500đ/chiếc (lời hơn 250đ/chiếc) và lời đến 25000 đồng/bịch, một gấp đôi.
Đã có nhiều trường hợp phải nhập viện vì ăn phải kẹo Trung Quốc không rõ nguồn gốc này, anh Quan Văn Nho một người dân ở Phú Diễn (Từ Liêm) cho biết: “Hôm ấy có thằng anh con nhà hàng xóm đi học về, cho con tôi một gói kẹo bên ngoài toàn chữ Trung Quốc và có hình chú khỉ Tôn Ngộ Không, sau khi ăn xong con tôi nôn mửa liên tục, phải đưa vào nhập viện, tiến hành rửa ruột, và chuyền nước, bác sỹ bảo là ngộ độc thực phẩm nặng…”. Cũng giống trường hợp con anh Nho nhiều em học sinh sau khi đi học ăn xong về cũng đau bụng quằn quại, nôn mửa và bị ngộ độc nặng phải đưa vào viện cấp cứu, nhẹ thì phải mua thuốc cho ăn nhiều cơm nóng và uống rất nhiều nước gừng để giải độc tố.
Sỹ Thành