Sự kiện hot
3 năm trước

Triển vọng thị trường chứng khoán tháng 9: Biến động

Báo cáo chiến lược đầu tư tháng 9/2021 của Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho rằng trợ lực chính giúp nâng đỡ VN-Index trong tháng 9 là những thông tin lạc quan về tiến độ tiêm chủng/bao phủ vắc xin và câu chuyện nới lỏng các chỉ thị giãn cách xã hội nghiêm ngặt như hiện tại. Tuy nhiên, trong trường hợp xấu nhất, việc giãn cách xã hội chặt chẽ kéo dài có thể làm ảnh hưởng tâm lý chung của nhà đầu tư nước ngoài. Trong tháng này, VDSC kỳ vọng VN-Index sẽ dao động trong khoảng 1.250 - 1.380 điểm

VDSC kỳ vọng VN-Index sẽ dao động trong khoảng 1.250 - 1.380 - Ảnh minh họa (Internet).

Trong Báo cáo chiến lược mới được cập nhật, VDSC cho biết, những thông tin lạc quan về tiến độ tiêm chủng và nới lỏng dần các chỉ thị giãn cách xã hội nghiêm ngặt có thể tạo tâm lý tích cực cho thị trường.

Theo VDSC, trước đó, việc giãn cách xã hội chặt chẽ theo Chỉ thị 16+ trước những diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 tại TP.HCM đã dẫn đến sự biến động của VN-Index trong tháng 8. Trong ba tuần đầu tháng 8, tâm lý thị trường vẫn lạc quan cho đến khi Chính phủ ban bố chỉ thị “ai ở đâu ở yên đó” vào ngày 20/8 tại TP.HCM. Thị trường đã phản ứng tiêu cực và giảm 6% trong hai ngày tiếp theo.

Tính đến thời điểm hiện tại, TP.HCM đã được phân bổ 9,2 triệu liều vắc xin Covid-19, đảm bảo cho việc tiêm chủng liều 1 cho 100% người trưởng thành. Đối với các vùng “đỏ” khác là tỉnh Bình Dương và Long An thì đã được phân phối lần lượt 2.369.650 liều và 1.799.090 liều (đảm bảo bao phủ 100% mũi 1 cho những người từ 18 tuổi trở lên tại từng địa phương). Tốc độ tiêm chủng hiện nay tại TP.HCM đang khá tích cực khi gần 6,2 triệu người, tương đương 89% người trưởng thành ở TP.HCM đã được tiêm ít nhất một mũi. Do đó, VDSC kỳ vọng rằng việc tiếp tục đẩy mạnh tốc độ tiêm chủng có thể giúp thành phố dần mở cửa trở lại và đẩy mạnh các hoạt động kinh tế trong quý 4/2021. Từ đó, việc nới lỏng các Chỉ thị giãn cách hiện hành sẽ khả thi hơn và tác động tích cực lên VN-Index.

Nguồn: Báo cáo VDSC

Nguồn: Báo cáo VDSC

Tuy nhiên, VDSC cho biết, việc giãn cách xã hội nghiêm ngặt kéo dài là mối lo ngại chính của VDSC, khiến dòng tiền từ nhà đầu tư nước ngoài kém lạc quan.

Khối ngoại quay trở lại bán ròng trong tháng 8/2021 với giá trị bán ròng đạt 7,8 nghìn tỷ đồng (tương đương 338 triệu USD) thông qua giao dịch khớp lệnh trên HOSE. Theo quan điểm của VDSC, việc rút ròng mạnh của các nhà đầu tư nước ngoài liên quan đến mối lo ngại về khả năng kiểm soát Covid-19 của Việt Nam khi số ca bệnh mỗi ngày chưa có dấu hiệu tạo đỉnh và tỷ lệ tử vong là tương đối cao so với các nước trong khu vực (4,2% tại TP HCM, cao hơn Indonesia - 3,8%, Thái Lan - 1% theo Nikkei Asia) và gần với ngưỡng giới hạn biên trên (4,4%) của thế giới.

Việc chưa nới lỏng chỉ thị nghiêm ngặt hiện tại trong tháng 9 có thể ảnh hưởng tiêu cực đến dòng tiền của nhà đầu tư nước ngoài. Trong tháng 7, nhà đầu tư nước ngoài đã tỏ ra khá lạc quan với khả năng kiểm soát dịch bệnh của Việt Nam và mua ròng mạnh cổ phiếu. Tuy nhiên, việc tiếp tục giãn cách mà chưa thể nới lỏng trong tháng 9 sẽ ảnh hưởng đến tâm lý chung và có khả năng dẫn đến hành động bán chốt lời khi nhà đầu tư nước ngoài đã khá thành công trong việc "bắt đáy" giai đoạn thị trường điều chỉnh mạnh trong tháng 7.

Báo cáo Chiến lược của VDSC cũng cho biết, trên thị trường thế giới, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ Powell cho biết Ngân hàng Trung ương Mỹ có thể bắt đầu giảm lượng mua trái phiếu hàng tháng trong năm nay, mặc dù sau đó sẽ không vội vàng bắt đầu nâng lãi suất. Tín hiệu này cùng với tốc độ tiêm chủng nhanh ở một số quốc gia, giải thích cho xu hướng tăng chung của thị trường toàn cầu. Do đó, VDSC cho rằng yếu tố nội tại của Việt Nam trong việc ngăn chặn Covid-19 sẽ quyết định tâm lý thị trường trong khi các yếu tố bên ngoài vẫn ổn định.

Diễn biến cổ phiếu ngân hàng sẽ quyết định xu hướng thị trường

Đối với tháng này, VDSC không có sự thay đổi đáng kể về quan điểm so với tháng trước khi kết quả kinh doanh quý 3 của các doanh nghiệp niêm yết chắc chắn bị ảnh hưởng do tình trạng giãn cách xã hội kéo dài như hiện nay. VDSC có quan điểm thận trọng đối với các cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ do đã tăng mạnh trong tháng 8 và dư địa tăng giá không còn nhiều dựa trên danh sách cổ phiếu theo dõi của VDSC.

“Chúng tôi giữ quan điểm trung lập đối với nhóm cổ phiếu Bất động sản do hoạt động bán hàng và bàn giao gặp khó khăn trong Q3/2021. Đối với nhóm cổ phiếu Dầu khí, chúng tôi cũng đưa ra quan điểm như trên do khả năng giá dầu tăng đột biến trong nửa cuối năm 2021 là tương đối thấp” – VDSC cho biết.

Cũng theo VDSC, nhóm cổ phiếu ngân hàng đã điều chỉnh khoảng 20% - 30% so với đỉnh cũ vì vậy có thể thu hút dòng tiền từ nhà đầu tư trung và dài hạn, trong đó VDSC vẫn đánh giá tích cực về triển vọng của một số ngân hàng như CTG, TCB, ACB, MBB trong năm 2022. Việc điều chỉnh room tín dụng sắp tới có thể được công bố vào cuối tháng 9 sẽ là yếu tố hỗ trợ.

Cụ thể, tăng trưởng tín dụng có thể tích cực hơn trong tháng 9 do các ngân hàng chưa sử dụng hạn mức nhiều sẽ tập trung cho vay ngắn hạn để sử dụng room. Tuy nhiên, tỷ lệ nợ xấu cao hơn dự kiến có thể tác động tiêu cực nếu các biện pháp giãn cách nghiêm ngặt như hiện tại không được dỡ bỏ và ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh các quý sắp tới. Do đó, VDSC cho rằng nhóm cổ phiếu ngân hàng là nhóm có khả năng biến động mạnh trong tháng 9 và tác động trực tiếp VN-Index. Nhìn chung, VDSC kỳ vọng VN-Index sẽ dao động trong khoảng 1.250 - 1.380.

Như Nguyệt

Theo KTDU

Từ khóa: