Sự kiện hot
3 năm trước

Tuyên Quang: Nâng cao chất lượng sản phẩm chè Shan Khau Mút

Chè Shan Khau Mút xã Thổ Bình (Lâm Bình, Tuyên Quang) đã được UBND tỉnh Tuyên Quang công nhận sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn 3 sao vào năm 2020, có chứng nhận sử dụng mã vạch, tem truy xuất nguồn gốc và chứng nhận đăng ký nhãn hiệu. Đến nay, sản phẩm chè Shan Khau Mút của xã Thổ Bình đang nhận được nhiều phản hồi tích cực nhờ bảo đảm an toàn thực phẩm do không sử dụng bất kỳ một loại phân bón hay thuốc bảo vệ thực vật nào mà vẫn giữ được hương vị chè Shan đặc trưng.

Xã Thổ Bình (Lâm Bình, Tuyên Quang) hiện có trên 250 ha chè Shan, trong đó có trên 25ha là chè Shan cổ thụ trên 100 tuổi được trồng từ xa xưa. Chè được trồng trên độ cao 700 - 1.000m so với mực nước biển, với mật độ bình quân 2.000 - 2.500 cây/ha, tập trung ở các thôn Bản Phú và thôn Bản Pước.

Nhận thức được đây là một vùng nguyên liệu quý, mang lại sinh kế lâu dài với người dân. Năm 2009, xã Thổ Bình đã triển khai hiệu quả chương trình hỗ trợ người dân trồng rừng phòng hộ của tỉnh Tuyên Quang, diện tích chè tăng dần từ 50 ha lên trên 250 ha. Đến năm 2013, vùng chè Shan xã Thổ Bình được tỉnh Tuyên Quang quy hoạch vùng sản xuất hàng hóa và được chứng nhận nhãn hiệu từ năm 2017.  

Gia đình ông Trương Phúc Hưng ở thôn Bản Pước, xã Thổ Bình (Lâm Bình, Tuyên Quang) hiện có khoảng 500 m2 chè cổ thụ được các cụ trồng từ xa xưa. Từ năm 2007, 2008 khi được Nhà nước cho triển khai trồng chè Khau Mút theo dự án, gia đình ông Hưng trồng mới được hơn 3 ha chè, đã cho thu hoạch từ nhiều năm nay. Chè Khau Mút cho thu hoạch rộ từ tháng 4, tháng 5 và cho thu kéo dài đến tháng 10. 

Ông Trương Phúc Hưng ở xã Thổ Bình (Lâm Bình, Tuyên Quang) cho biết: Thu nhập từ thu hái búp tươi và chế biến chè của gia đình ông được khoảng từ 5 đến 6 triệu đồng mỗi tháng, tuy nhiên do tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nên cũng ảnh hưởng nhiều đến hoạt động sản xuất, tiêu thụ. Thế nhưng qua quá trình tạo dựng được thương hiệu chè của gia đình ông và bà con nơi đây nên sản phẩm chè hiện đã phát triển hơn so với trước, mỗi năm cho gia đình thu nhập cao hơn những năm trước.

Sản phẩm Trà Khau Mút Tuyên Quang - Trà sạch tự nhiên vùng cao Lâm Bình.

Với sự quan tâm đầu tư đúng hướng và những định hướng lâu dài cho một vùng nguyên liệu sạch. UBND huyện Lâm Bình đã đầu tư xây dựng tuyến đường gần 3,3 km, tổng kinh phí trên 9,4 tỷ đồng lên khu sản xuất chè Khau Mút của xã Thổ Bình. Thay vì đi bộ gần nửa ngày để lên đến vùng chè cổ thụ như trước kia thì giờ đây chỉ mất hơn 30 phút đi xe máy là lên được vùng chè và mất gần một tiếng đồng hồ để đi bộ lên đến vùng chè cổ thụ. Việc đầu tư xây dựng tuyến đường lên vùng chè Khau Mút đã mở ra cơ hội cho các hộ trồng chè thuận lợi, yên tâm chăm sóc, phát triể sản phẩm.

Hiện nay, xã Thổ Bình (Lâm Bình, Tuyên Quang) có 2 Hợp tác xã là Hợp tác xã Đồng Tiến và Hợp tác xã Phúc Hưng đứng ra thu gom chè búp tươi của người dân và chế biến sản phẩm. Mỗi năm, các Hợp tác xã sản xuất và tiêu thụ từ 4 đến 5 tấn chè khô bán ra thị trường, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân địa phương. 

Đến nay, Hợp tác xã Đồng Tiến cũng đã liên kết với Hợp tác xã Sử Anh (TP Tuyên Quang) và Công ty TNHH MTV Sản xuất và Thương mại Duy Phát (Yên Sơn) để nâng cao chất lượng sản phẩm và mở rộng thị trường cho sản phẩm chè Shan Khau Mút Thổ Bình. Để nâng cao giá trị vùng chè Shan Thổ Bình, huyện Lâm Bình đã có định hướng sản xuất chế biến chè gắn với phát triển du lịch sinh thái, khám phá, du lịch trải nghiệm tại vùng chè Shan cổ thụ này. Đồng thời, rà soát, sắp xếp lại Hợp tác xã và các cơ sở chế biến để quản lý, vận động bà con tiếp tục chăm sóc chè theo hướng an toàn, hữu cơ, cũng như chế biến chè đảm bảo đúng quy trình kỹ thuật nhằm nâng cao giá trị  sản phẩm Chè Shan Khau Mút.

Tạ Thành

Theo KTDU

Từ khóa: