Theo Công ty Cổ phần Chứng khoán Bản Việt (VCSC), VCSC nâng khuyến nghị cho Tổng Công ty Máy động lực và máy nông nghiệp Việt Nam (VEA) từ KHẢ QUAN lên MUA. VEA cho phép cơ hội đầu tư lớn vào thị trường xe máy (2W) và tiềm năng tăng trưởng dài hạn trong tiêu thu ôtô (4W) tại Việt Nam. VCSC cũng kỳ vọng doanh số bán phương tiện giao thông sẽ phục hồi trên diện rộng trong năm 2021.
VCSC nâng giá mục tiêu thêm 17% khi cập nhật mô hình định giá sang cuối năm 2021, nâng P/E thêm 10% nhằm phản ánh mức giảm 1,2 điểm % trong chi phí vốn CSH của chúng tôi còn 13,0%, và tăng tổng LNST sau lợi ích CĐTS dự phóng giai đoạn 2020-2023 thêm 2% khi KQKD 9 tháng 2020 vượt kỳ vọng trước đó của VCSC về biên LN của các công ty liên kết và doanh số xe 4W mặc dù doanh số mảng xe 2W thấp của Honda Việt Nam.
VCSC điều chỉnh tăng trưởng doanh số xe du lịch (PC) 2020 từ -27% lên -12% trong khi điều chỉnh giảm tăng trưởng mảng xe 2W năm 2020 từ -10% còn -16%. Trong giai đoạn 2020- 2023, chúng tôi dự báo doanh số mảng xe PC/2W sẽ ghi nhận tốc độ tăng trưởng kép (CAGR) 14%/4% từ mức cơ sở thấp 2020.
Giá mục tiêu của VCSC tương ứng với P/E dự phóng 2021 của VEA đạt 10,3 lần so với P/E trung bình 5 năm trượt các công cùng ngành là 10,6 lần. Lợi suất cổ tức 2019/2020 cũng là khá hấp dẫn đạt 11,2%/11,3% (sẽ được thanh toán trong giai đoạn 2020/2021).
Rủi ro cho quan điểm tích cực của VCSC: Nhu cầu xe 2W và 4W phục hồi thấp hơn dự kiến; cạnh tranh gay gắt hơn trong thị trường 4W; thay đổi trong chính sách cổ tức của VEA hoặc các công ty liên kết sẽ dẫn đến lợi suất cổ tức thấp hơn kỳ vọng.
Ưu đãi phí trước bạ của Chính phủ, khuyến mãi và các mẫu xe mới của các nhà sản xuất ô tô hỗ trợ nhu cầu ô tô phục hồi tích cực. Sau khi giảm 29% YoY trong 6 tháng đầu năm 2020, doanh số ô tô đi ngang so với cùng kỳ trong quý 3/2020, sau đó tăng 16% YoY trong tháng 10/2020. Mức cắt giảm phí trước bạ của Chính phủ đối với xe ô tô lắp ráp trong nước sẽ tiếp tục có hiệu lực đến cuối năm 2020. Các nhà sản xuất ô tô cũng gia tăng các chương trình khuyến mãi – như giảm giá bán và hỗ trợ phí trước bạ – trong khi chủ động triển khai các mẫu xe mới.
Các gián đoạn của dịch COVID-19 đến năm học và người tiêu dùng có thu nhập thấp hơn kìm hãm doanh số xe máy. Doanh số xe máy của Honda Việt Nam đã giảm 19% YoY trong quý 3/2020 (6 tháng đầu năm 2020: -16% YoY) khi niên khóa 2019-2020 kết thúc vào tháng 8 do dịch COVID-19 thay vì tháng 6 như thông thường.
Sự trì hoãn này ảnh hưởng nhu cầu mua xe máy lần đầu trong 6 tháng cuối năm 2020 khi nhiều người Việt Nam thường mua xe máy đầu tiên sau khi kết thúc trung học phổ thông.
Trong khi đó, VCSC cho rằng sự phục hồi nhanh hơn của xe du lịch so với xe máy tính đến hiện tại cho thấy tác động không đồng đều từ dịch COVID-19 đến các nhóm khách hàng phổ thông/thu nhập thấp so với nhóm có thu nhập cao hơn.
Toyota có diễn biến kinh doanh theo ngành ô tô chung; doanh số ô tô của Honda và Ford kém tích cực trong khi vị thế thống nghị trong mảng xe máy của Honda sẽ tiếp tục, theo quan điểm của VCSC. VCSC dự báo doanh số ô tô của Toyota, Honda và Ford tại Việt Nam sẽ giảm 13%/25%/23% trong năm 2020, sau đó phục hồi 16%/7%/12% YoY trong năm 2021. VCSC cho rằng danh mục sản phẩm đa dạng hiện có của Toyota sẽ được củng cố thêm bởi các mẫu xe mới trong năm 2020.
Mặt khác, VCSC cho rằng Ford và Honda có thể gặp khó khăn so với các thương hiệu giá rẻ hơn như Hyundai. Trong khi đó, VCSC dự báo doanh số xe máy của Honda sẽ giảm 15% trong năm 2020, sau đó phục hồi 10% trong năm 2021 khi chúng tôi kỳ vọng Honda sẽ tiếp tục giành thị phần từ Yamaha.
Nhà đầu tư chỉ nên xem những phân tích của các công ty chứng khoán là nguồn thông tin tham khảo. Các công ty chứng khoán đều có khuyến cáo miễn trách nhiệm đối với những nhận định trên. KTDU và tác giả không chịu trách nhiệm về các thiệt hại phát sinh (nếu có) liên quan đến nội dung được đăng tải.
Tạ Thành
Theo KTDU