Sự kiện hot
12 năm trước

01h45 ngày 18/6, Bồ Đào Nha - Hà Lan: Tìm sự sống trong cái chết

“Cơn lốc màu da cam” đang rất nhạt nhòa và chẳng khác gì một cơn gió nhẹ trong những ngày hè ở Ukraina. Hai thất bại liên tiếp khiến Hà Lan đứng trước nguy cơ phải xách vali về nước

“Cơn lốc màu da cam” đang rất nhạt nhòa và chẳng khác gì một cơn gió nhẹ trong những ngày hè ở Ukraina. Hai thất bại liên tiếp khiến Hà Lan đứng trước nguy cơ phải xách vali về nước. Để tìm thấy sự sống giữa lằn ranh sinh tử, đội quân của HLV Van Marwijk phải thắng cách biệt 2 bàn (và chờ Đan Mạch thua Đức). Nhưng trước khi nghĩ đến chiến thắng, Hà Lan phải thay đổi!

Hàng công phải thay đổi

Một bàn thắng sau hai trận đấu là rất đáng hổ hẹn với Hà Lan, đội bóng sở hữu những ngôi sao đầy danh tiếng trên hàng công. Đấy cũng là sự tương phản rất lớn so với giai đoạn vòng loại, khi mà Hà Lan “khủng bố” các đối thủ của mình với 37 bàn thắng - cao hơn bất kỳ đội bóng nào khác. Một lí do nữa để thấy nỗi thất vọng của đội bóng xứ sở hoa tulip lớn đến nhường nào, khi sở hữu những chân sút giành danh hiệu Vua phá lưới của 2 trong 3 giải đấu mạnh nhất châu Âu mùa 2011-12 (Van Persie và Huntelaar).

Vấn đề của Hà Lan không đến từ việc thiếu những cơ hội tốt để chuyển hóa thành bàn thắng. Trái lại, đội quân của HLV Van Marwijk có rất nhiều tình huống thuận lợi để ghi bàn và giành điểm, nhưng không tận dụng thành công. Có hai điểm nhấn trong việc Hà Lan kết thúc hai lượt trận đầu tiên với vỏn vẹn chỉ một bàn thắng. 1) Thiếu những đường chuyền mang tính đột biến cao, dù Sneijder đã rất nỗ lực. 2) Tất cả các cầu thủ trên hàng công đều đánh mất sự chính xác, từ Van Persie, Robben, Afellay cho đến Huntelaar.


Hà Lan sẽ vượt qua lằn ranh sinh tử? - Ảnh: Getty

Hai vấn đề trên được phản ánh rõ nét nhất thông qua tổng cộng 41 lần dứt điểm của Hà Lan (trung bình 20,5 cú sút mỗi trận), chỉ đứng sau Tây Ban Nha trong số 16 đội bóng ở EURO 2012 (44). Trong đó, có tới 27 lần những pha dứt điểm của các cầu thủ áo cam đi chệch mục tiêu, gần gấp đôi so với hai đỗi xếp sau là Ba Lan và TBN (cùng 15 lần; tính đến hết lượt đấu thứ 2).

Một đội bóng mà mỗi trận đá ra ngoài trung bình 13,5 lần là vấn đề rất đáng bàn. Điều đó phải được cải thiện ngay lập tức, khi tương lai của Hà Lan hệt như chỉ mành treo chuông. Sẽ phải có những điều chỉnh, và không một ngoại lệ nào được ưu tiên.

Nhiều khả năng, Van Marwijk sẽ chọn giải pháp tấn công tổng lực để giành quyền kiểm soát thế trận, rồi từ đó tìm kiếm bàn thắng. Van Bommel có thể sẽ là người đầu tiên mất chỗ sau hai trận thể hiện phong độ nhạt nhòa, và Afellay cũng phải ngồi dự bị. Khi ấy, Sneijder được kéo xuống đá thấp gần ngang với De Jong. Van der Vaart sẽ chiếm vị trí bên cánh phải, đẩy Robben sang trái; trong khi Van Persie đá phía sau trung phong cắm Huntelaar. Cũng có thể, Van der Vaart chơi ở trung tâm, và Robben - Van Persie chiếm giữ hai hành lang.

Giành lại sự sống

Đội hình dự kiến


Bồ Đào Nha: Rui Patricio - Pereira, Pepe, Bruno Alves, Coentrao - Meireles, Veloso, Moutinho - Nani, Postiga, Ronaldo.

Hà Lan: Stekelenburg - Van der Wiel, Heitinga, Mathijsen, Schaars;  N. De Jong, Sneijder; Van der Vaart, Van Persie, Robben - Huntelaar.

Những phút cuối trận đấu với Đức cho thấy, sự có mặt của hai nhân tố Van der Vaart và Huntelaar, đồng thời giải phóng Van Persie khỏi vị trí mũi nhọn, đã mang đến nét tích cực cho lối chơi của Hà Lan. Hệ quả từ sự tích cực ấy là pha ghi bàn của Van Persie. Bản thân Huntelaar chưa thực sự để lại dấu ấn, nhưng rõ ràng anh biết cách di chuyển để gây áp lực cho các hậu vệ đối phương. Van der Vaart cũng góp phần làm nên thay đổi về lối chơi, đặc biệt là các pha sút xa.

Sự bố trí này có hơi hướng như Hà Lan dưới triều đại Van Basten, với tấn công làm chủ đạo. Thời điểm ấy Sneijder và Van der Vaart - những nhân tố có khả năng tạo đột biến cao, hoàn toàn có thể đá cạnh nhau để làm tăng sự hiệu quả. Vì nhiều lí do khác nhau, Van Marwijk đã bỏ quên Van der Vaart (hay chính xác hơn, ông đã loại anh để dành chỗ cho những người mà mình yêu thích). Bây giờ, Hà Lan đang cần sự kết hợp giữa hai thủ lĩnh của Ajax ngày nào, vì một mình Sneijder là chưa đủ để cầm trịch.

Chiến thắng hoặc không gì cả, khi tương lai đang là một lằn ranh mỏng manh giữa sự sống và cái chết, sẽ không có gì ngăn được bước “cơn lốc màu da cam” hướng đến thế trận tấn công. Nếu Đức sớm có được bàn thắng vào lưới Đan Mạch trong trận đấu cùng giờ, những hy vọng về chiếc vé vào tứ kết sẽ tăng cao. Khi ấy, tinh thần được thoải mái phần nào, và Hà Lan có quyền nghĩ về một bàn thắng. Bàn thắng “đẻ” ra bàn thắng, và trận thắng với cách biệt từ 2 bàn trở lên không phải điều không tưởng, kể cả khi người Bồ vốn là khắc tinh của Hà Lan.

Dự đoán: 1-3

Cục diện bảng B: Kịch bản cho bảng B?


+ Nếu Đan Mạch thắng Đức, Hà Lan thắng BĐN thì Đan Mạch (nhất bảng B) và Đức (nhì bảng B) vào tứ kết.

+ Nếu Đức thắng Đan Mạch, BĐN thắng Hà Lan thì Đức (nhất bảng B) và BĐN (nhì bảng B) vào tứ kết.

+ Nếu Đức hòa Đan Mạch, BĐN thắng Hà Lan thì Đức (nhất bảng B) và BĐN (nhì bảng B) vào tứ kết.

+ Nếu Đức hòa Đan Mạch, Hà Lan thắng BĐN thì Đức (nhất bảng B) và Đan Mạch (nhì bảng B) vào tứ kết.

+ Nếu Đức hòa Đan Mạch, Hà Lan hòa BĐN thì Đức (nhất bảng B) và BĐN (nhì bảng B) vào tứ kết.

+ Nếu Đức thắng Đan Mạch, Hà Lan hòa BĐN thì Đức (nhất bảng B), BĐN (nhì bảng B) vào tứ kết.

+ Nếu Đức thắng Đan Mạch, Hà Lan thắng BĐN 1 bàn cách biệt nhưng không phải tỷ số 1-0 thì Đức (nhất bảng B), BĐN (nhì bảng B) vào tứ kết.

+ Nếu Đức thắng Đan Mạch, Hà Lan thắng BĐN từ 2 bàn cách biệt trở lên thì Đức (nhất bảng B), Hà Lan (nhì bảng B) vào tứ kết.

+ Nếu Đan Mạch thắng Đức 1-0 hoặc 2-1, BĐN thắng Hà Lan thì Đan Mạch (nhất bảng B), BĐN (nhì bảng B) vào tứ kết.

+ Nếu Đan Mạch thắng Đức với cách biệt 1 bàn nhưng không phải tỷ số 1-0 hoặc 2-1 còn BĐN thắng Hà Lan thì Đan Mạch (nhất bảng B), Đức (nhì bảng B) vào tứ kết.

+ Nếu Đan Mạch thắng Đức 2 bàn cách biệt trở lên, BĐN thắng Hà Lan thì Đan Mạch (nhất bảng B), BĐN (nhì bảng B) vào tứ kết.

+ Nếu Đan Mạch thắng Đức, Hà Lan hòa BĐN thì Đan Mạch (nhất bảng B), Đức (nhì bảng B) vào tứ kết.

theo TT&VH

Từ khóa: