Sự kiện hot
12 năm trước

100 tỉ Euro: Khó cứu Tây Ban Nha

Tây Ban Nha, sau một khoảng thời gian quả quyết có thể tự lo được vấn đề nội bộ của chính mình, cuối cùng cũng đã nối gót theo Hi Lạp, Ireland, Bồ Đào Nha và trở thành quốc gia lớn nhất trong eurozone yêu cầu được cứu trợ.

Tây Ban Nha, sau một khoảng thời gian quả quyết có thể tự lo được vấn đề nội bộ của chính mình, cuối cùng cũng đã nối gót theo Hi Lạp, Ireland, Bồ Đào Nha và trở thành quốc gia lớn nhất trong eurozone yêu cầu được cứu trợ.

Không thể xóa hết u ám

Ngày 9.6, các bộ trưởng tài chính khu vực sử dụng đồng tiền chung tuyên bố sẽ dành cho Tây Ban Nha khoản cứu trợ lên đến 100 tỉ euro để vực dậy hệ thống ngân hàng đang có nguy cơ sụp đổ của nước này. Bà Christine Lagarde, giám đốc quỹ tiền tệ quốc tế IMF nhận xét rằng: "Quy mô của đề xuất tài chính này là hoàn toàn phù hợp với nhu cầu vốn được xác định qua FSAG, đảm bảo rằng nhu cầu tài chính của các ngân hàng Tây Ban Nha sẽ được đáp ứng đầy đủ".

Quyết định của các bộ trưởng tài chính eurozone mục đích là để tăng cường vị thế tài chính của chính phủ và các ngân hàng. Nó được kì vọng không chỉ củng cố khu vực ngân hàng đang suy sụp của Tây Ban Nha mà còn giữ vững vị trí của đồng euro trước cuộc bầu cử của Hi Lạp. Thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy hết sức ca ngợi gói cứu trợ, cho rằng "Sự vững chắc của hệ thống tài chính Tây Ban Nha đã thắng, niềm tin đối với đồng euro đã thắng" và tuyên bố sẽ thúc đẩy cải cách cơ cấu kinh tế.

Sự tự tin của các nhà đầu tư vào gói cứu trợ ngân hàng đã sớm biến mất. Chỉ hai ngày sau, chi phí đi vay của Tây Ban Nha đã cao mức kỉ lục. Carsten Brzeski, một nhà kinh tế gốc Bỉ tại ING vẽ một bức tranh u ám: "Gói cứu trợ sẽ không thay đổi những vấn đề cơ bản của kinh tế Tây Ban Nha đang trong suy thoái sâu, tỉ lệ thất nghiệp cao và thị trường nhà ở vẫn tiếp tục điều chỉnh".

Luis Barrero, một nhà phân tích độc lập phát biểu trên tờ Surinenglish: "Đối với cả nền kinh tế đất nước thì không hề có giảm nợ. Các ngân hàng có thể được tái vốn hoá nhưng chính phủ vẫn còn vướng những rắc rối tài chính. Tất cả những bằng chứng đều cho thấy mặc dù đã nhận được khoản vay nhưng những tai hoạ mà nền kinh tế Tây Ban Nha đang gặp phải vẫn không biến mất."

Mặc dù gói cứu trợ được hi vọng sẽ làm bình tĩnh và xoa dịu nỗi lo sợ trong thị trường tài chính về sức mạnh của các ngân hàng Tây Ban Nha cũng như có thể giảm bớt chi phí đi vay của Madrid nhưng Moody's cho rằng 100 tỉ euro này càng khiến cho gánh nặng nợ nần của Tây Ban Nha thêm nặng nề. Giám đốc chiến lược đầu tư của Money Morning Keith Fitz-Gerald phát biểu: "Gói cứu trợ có thể sẽ khiến tỉ lệ nợ GDP tăng thêm 10% và nâng mức nợ công lên khoảng 80% GDP vào cuối năm nay. Điều này sẽ khiến tỉ lệ lãi suất tăng cao, các nhà đầu tư tránh xa các ngân hàng đang cần giúp đỡ".

Theo Wall Street Journal, tỉ lệ nợ trên GDP của Tây Ban Nha có thể tăng từ 68,5% vào thời điểm cuối năm 2011 lên trên 90% vào cuối năm 2012. Nếu tỉ lệ này tăng lên 120% như Hi Lạp và lãi suất Tây Ban Nha phải trả được giữ ở mức trên 7%, Madrid sẽ phải ngửa tay xin cứu trợ lần nữa.

Vẫn trong vòng nguy hiểm

Phát biểu với các lãnh đạo doanh nghiệp trước thềm hội nghị thượng đỉnh G20 tại Mexico, Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) Robert Zoellick đã gọi gói cứu trợ tài chính trị giá 100 tỷ euro mà châu Âu dành cho các ngân hàng Tây Ban Nha là sự thiếu sót về thể chế của châu Âu :"Thị trường có thể quản lý và nhận thức tốt rủi ro. Tuy nhiên, những nguy hiểm mà chúng ta đang tạo ra chính là các loại chính sách làm gia tăng bất ổn khiến thị trường bất an và có phản ứng tiêu cực"

Hiện nay, Moody's cảnh báo trái phiếu chính phủ của Tây Ban Nha có khả năng sẽ trở thành "rác" trong vòng 3 tháng sau khi đã bị hạ xuống 3 bậc từ A3 (trái phiếu có chất lượng tốt, rủi ro thấp nhưng vẫn có khả năng suy yếu trong tương lai) đến Baa3 ( trái phiếu có chất lượng trung bình, rủi ro tương đối và có những yếu tố không đáng tin cậy). Chỉ cần Tây Ban Nha bị Cơ quan nghiên cứu và phân tích tài chính này hạ xuống một bậc nữa thôi thì các nhà đầu tư sẽ phải bán trái phiếu của quốc gia này và chắc chắn sẽ đẩy chi phí tài chính của Tây Ban Nha cao hơn, nâng cao nguy cơ nước này cần một gói cứu trợ toàn diện. Hãng tin Sky News cho biết một gói cứu trợ thứ hai sẽ khiến cho gánh nặng nợ nần của Tây Ban Nha đến mức giới hạn.

Tuy nhiên, theo bản báo cáo của Viện Tài chính Quốc tế: " Sau cam kết 100 tỷ Euro cho các ngân hàng Tây Ban Nha, các quỹ giải cứu của Eurogroup sẽ chỉ còn đủ tiền để trợ giúp một nền kinh tế nhỏ như Cyprus chứ không đủ sức đối phó với vấn đề tài chính của bất kỳ nước lớn nào nữa". Quy mô của gói giải cứu ngân hàng Tây Ban Nha này một lần nữa chỉ ra rằng, cơ chế ổn định tài chính châu Âu trị giá 750 tỉ Euro là quá nhỏ. Đến thời điểm này, các gói cứu trợ dành cho Hy Lạp, Ailen và Bồ Đào Nha đã chiếm tới gần 250 tỉ Euro. Thêm 100 tỉ Euro rót vào Tây Ban Nha nghĩa là quỹ này chỉ còn khoảng 400 tỉ Euro. Nếu như trường hợp một trong hai nước Tây Ban Nha và Italia mất khả năng tiếp cận được thị trường vốn thì rõ ràng vượt quá khả năng chịu đựng của quỹ này.

Với eurozone, Tây Ban Nha dù đang ở tâm bão nhưng không phải là vấn đề đau đầu duy nhất. Các nhà quan sát cũng đang lo lắng quan sát thị trường tài chính cũng đang khủng hoảng của Ý với e ngại nước này có khả năng tiếp bước Tây Ban Nha cho dù thủ tướng Ý Mario Monti đã trấn an rằng khả năng trả nợ của hệ thống ngân hàng và chính phủ là chắc chắn.

Gói cứu trợ 100 tỉ euro so với khủng hoảng mà Tây Ban Nha đang gặp phải chỉ như cơn mưa rào trong đợt nắng hạn kéo dài. Nền kinh tế và tài chính của đất nước này vẫn chưa có những dấu hiệu khả quan nào. Có lẽ eurozone cần một cuộc cải cách sâu chứ không nên chỉ phụ thuộc vào việc chi tiền cho các quốc gia.

Theo Vietnamnet

Từ khóa: