Sự kiện hot
6 năm trước

11 quốc gia đồng ý trên nguyên tắc TPP-11

Sau nhiều tháng đàm phán, 11 thành viên còn lại của Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP 11) đã tiến tới một trong những dấu mốc quan trọng khi đạt được thỏa thuận về nguyên tắc thương mại cấp Bộ trưởng, một quyết định có thể xem là định hình tương lai kinh doanh của khu vực châu Á Thái Bình Dương trong những năm tới.

Nikkei đưa tin, sau khi các cuộc đàm phán kết thúc vào cuối ngày thứ Năm (9/11) bên lề hội nghị Hợp tác Kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương (APEC), Bộ trưởng Kinh tế Nhật Bản Toshimitsu Motegi chia sẻ với các phóng viên rằng: "11 quốc gia có thể đạt được một thoả thuận cấp bộ trưởng" . Các nhà lãnh đạo của 11 quốc gia sẽ xem xét chính thức thỏa thuận vào ngày thứ Sáu (10/11).

Thỏa thuận này là một thành tựu lớn đối với TPP 11, sau khi Tổng thống Donald Trump lên nắm quyền và tuyên bố Mỹ rút lui khỏi TPP.

Thỏa thuận TPP 11 sẽ có hiệu lực sau khi tất cả quốc gia thành viên đã phê chuẩn thỏa thuận trong nước, hiện chỉ mới có Nhật Bản và New Zealand đã làm được.

Cảng quốc tế PSA của Singapore. (Ảnh: Reuters).

Trường hợp không có Mỹ, tác động kinh tế của hiệp định sẽ nhỏ hơn nhiều. Bởi TPP 11 chỉ chiếm 13,5% tổng sản phẩm quốc nội và 15,2% khối lượng thương mại toàn cầu, trái ngược với 38,2% và 26,5% của TPP khi có Mỹ. Tuyên bố của các quốc gia châu Á-Thái Bình Dương vẫn khẳng định thương mại đa phương là tương lai cho họ.

Mặt khác, TPP 11 cũng sẽ đem lại cho các quốc gia thành viên sự đồng lòng trước việc Hoa Kỳ - nền kinh tế lớn nhất thế giới muốn thu hút các giao dịch thuận lợi theo các hiệp định thương mại song phương.

Các cuộc đàm phán TPP bắt đầu vào năm 2010 chỉ với 8 quốc gia là Australia, Brunei, Chile, New Zealand, Peru, Singapore, Việt Nam và Mỹ. Bốn nước khác gồm Nhật Bản, Malaysia, Canada và Mexico đã yêu cầu tham gia sau đó.

Trung tâm đàm phán thương mại sẽ chuyển sang Manila, Philippines, nơi 16 thành viên hình thành nên Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực sẽ tổ chức cuộc họp thứ 21 của mình. Trong khi không có thoả thuận nào có thể đạt được tại các cuộc đàm phán, những người ủng hộ tự do thương mại hy vọng kết thúc thành công các cuộc đàm phán TPP sẽ gây áp lực cho những thành viên ít nhiệt tình hơn của RCEP chấp nhận thực hiện các tiêu chuẩn cao hơn đối với thỏa thuận thương mại 16 quốc gia.

RCEP là thỏa thuận thương mại tự do và đầu khu vực rộng lớn, gồm 10 quốc gia thành viên ASEAN (Brunei, Campuchia, Indonesia, Malaysia, Myanmar, Singapore, Thái Lan, Philippines, Lào và Việt Nam) và các nước có Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) với ASEAN như Ấn Độ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia và New Zealand.

Tiến Vũ
Theo KTTD,Vietnambiz

Từ khóa: