Sự kiện hot
11 năm trước

30.000 tỷ đồng & Kỳ vọng hồi phục

Với những chính sách hỗ trợ của Chính phủ và nỗ lực tái cơ cấu, thay đổi sản phẩm phù hợp với nhu cầu người dân, thị trường bất động sản (BĐS) hiện nay đã có những chuyển biến rõ rệt và có khả năng phục hồi trong tương lai không xa.

Với những chính sách hỗ trợ của Chính phủ và nỗ lực tái cơ cấu, thay đổi sản phẩm phù hợp với nhu cầu người dân, thị trường bất động sản (BĐS) hiện nay đã có những chuyển biến rõ rệt và có khả năng phục hồi trong tương lai không xa. Nhận định này được ghi nhận tại tọa đàm “Khả năng phục hồi của thị trường bất động sản” vừa được tổ chức tại Hà Nội.

Theo ông Nguyễn Viết Mạnh, Vụ trưởng Vụ Tín dụng, Ngân hàng Nhà nước (NHNN), nợ xấu BĐS chiếm 8 - 10% tổng dư nợ cho vay của nền kinh tế. Dư nợ cho vay có bảo đảm, thế chấp bằng BĐS là hơn 1,2 triệu tỷ đồng, trong đó tỷ lệ nợ xấu BĐS chiếm 58% và chủ yếu là hàng tồn kho.

Nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT, GS. Đặng Hùng Võ cho biết, Nhà nước đã can thiệp hợp lý vào thị trường. Nghị quyết 02 cùng những chính sách hỗ trợ như đưa ra gói 30.000 tỷ đồng với lãi suất cho vay 6% đã góp phần giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn, điều chỉnh lại cung - cầu trên thị trường, giúp cho người có thu nhập thấp sớm có nhà ở và giải quyết khối lượng vốn đang tồn đọng trong thị trường BĐS.

Dư luận hiện cũng đã có nhiều ý kiến đồng tình, rằng các giải pháp mà Chính phủ đưa ra để hỗ trợ thị trường BĐS là đúng hướng. Vấn đề là cần có sự vào cuộc một cách mạnh mẽ của tất cả các cơ quan chức năng; các ngân hàng thương mại phải xây dựng được sản phẩm tín dụng hợp lý để người dân có thể mua được nhà.

Thông tin khác ghi nhận là trong lúc này, thị trường cũng có nhiều động thái “niềm tin”. Tính đến tháng 4/2013, có 50 chủ đầu tư dự án đề xuất điều chỉnh quy mô căn hộ hoặc chuyển đổi dự án sang nhà ở xã hội với tổng số 31.000 căn hộ.

Nhiều chuyên gia cho rằng, thị trường BĐS hiện nay không đóng băng hoàn toàn và có những bước chuyển hướng. Bằng chứng là hiện nay đã có nhiều giao dịch trong phân khúc nhà ở giá thấp. Tại khu vực Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, lượng giao dịch thành công đối với những sản phẩm BĐS giá trung bình và giá thấp tăng khá cao.

Tuy nhiên, theo PGS. TS. Võ Đại Lược, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính trị thế giới, các cơ chế, chính sách đối với thị trường BĐS của Việt Nam hiện còn nhiều bất cập. Tính công khai, minh bạch trong hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp BĐS và các ngân hàng thương mại hiện còn rất yếu. Cơ chế “xin - cho” đã dẫn đến nhiều hệ quả tiêu cực.

PGS. TS. Võ Đại Lược cho rằng, thị trường BĐS phải được vận động theo các nguyên tắc của thị trường, trên cơ sở đó Nhà nước tham gia điều tiết. Việc quan trọng nhất hiện nay là Nhà nước phải sớm xác lập các khuôn khổ thể chế cho thị trường này theo hướng hiện đại và quốc tế.

Quan điểm của GS. Đặng Hùng Võ là, chúng ta hãy xem khủng hoảng thị trường BĐS hiện nay như đang trong cơn đau sinh nở, một mầm non BĐS mới khỏe mạnh sắp xuất hiện. Nghị quyết 02 của Chính phủ như một phương án đỡ đẻ tốt, bà đỡ cụ thể là các cơ quan quản lý Nhà nước và các cán bộ quản lý Nhà nước. Nếu bà đỡ làm tốt nghiệp vụ thì thị trường BĐS mới có cơ hội khỏe mạnh trong tương lai”.

Nói về triển khai gói 30.000 tỷ đồng hỗ trợ BĐS, Vụ trưởng Vụ Tín dụng, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Viết Mạnh cho biết, trong một vài ngày tới, các văn bản liên quan sẽ được ban hành. Ông Mạnh cũng hy vọng rằng, khi thông tư được ban hành sẽ nhận được nhiều sự ủng hộ, vì đây là một sự cố gắng của Chính phủ trong bối cảnh ngân sách có hạn.

Gợi mở một số quy định chính thức trong thông tư sắp tới, đại diện Vụ Tín dụng, cho biết một số quy định mới nêu trong thông tư, như áp dụng cho các đối tượng được vay lãi suất sẽ cố định 6%/năm trong 10 năm; mức lãi suất này không thay đổi nếu lãi suất trên thị trường tăng cao, nhưng sẽ được điều chỉnh giảm xuống tương ứng với mức lãi suất thị trường trong trường hợp lãi suất thị trường thấp hơn mức 6%/năm.

Ngoài ra, thông tư cũng quy định những đối tượng mới lần đầu tiên được áp dụng ưu đãi… Sau khi thông tư ra đời, NHNN sẽ chỉ đạo các ngân hàng thương mại linh hoạt trong việc cấp tín dụng cho các đối tượng thuộc diện được vay ưu đãi để thuê, mua nhà ở xã hội.

Cục phó Cục Quản lý Nhà và Thị trường Bất động sản, Bộ Xây dựng Vũ Xuân Thiện cho biết thêm, để cho ra đời thông tư này, Bộ Xây dựng và NHNN đã không dưới 4 lần “ngồi với nhau” để thống nhất nhiều quy định sao cho hợp lý nhất. Do đó, quan điểm của cả hai cơ quan là “chậm mà chắc”, mục tiêu cao nhất là làm sao để thông tư phải đi vào được trong cuộc sống chứ không phải là soạn xong, ban hành ra rồi để đấy.

Ngoài ra, song song với thông tư của NHNN, đại diện Bộ Xây dựng cho biết, cơ quan này cũng sắp sửa hoàn tất một thông tư hướng dẫn khác quy định về đối tượng được vay, điều kiện được vay vốn trong chương trình hỗ trợ thị trường BĐS lần này của Chính phủ

Về phía thị trường, khi bàn về gói tín dụng 30.000 tỷ đồng với lãi suất cho vay mua nhà cố định 6% cho 3 năm, thời gian trả nợ là 10 năm, cũng có ý kiến cho rằng, lãi suất và thời gian cho vay như vậy vẫn chưa hợp lý, chưa đủ để tạo lòng tin cho người mua nhà. Chính phủ nên kéo lãi suất cho vay xuống dưới 6% với thời gian mà người vay được hưởng mức lãi suất này là 15 năm, 20 năm, thậm chí là 30 năm. Ví dụ như ở Mỹ, người mua nhà được vay trong thời gian 30 năm và lãi suất là 3,37% cố định cho 30 năm.

Nếu làm được điều này, thì thị trường BĐS có khả năng phục hồi vào năm 2014. Nếu không, cuộc khủng hoảng có thể kéo dài 3 năm, 5 năm, mà đó là điều mà không ai muốn.

Thủy Thụy
theo Thanh tra

Từ khóa: