Sự kiện hot
6 năm trước

Thực trạng và giải pháp về quản lý chó nuôi tại Hà Nội

Theo thống kê thời điểm tháng cuối năm 2017, tổng đàn chó mèo trên địa bàn thành phố Hà Nội là 421.751 con, trong đó số lượng chó, mèo của 18 huyện, thị xã là 377.331 con; số lượng chó, mèo nuôi tại các quận Nội thành là 44.420 con. So với năm 2016, số lượng đàn chó, mèo năm 2017 giảm không đáng kể (khoảng 1,5%).

Về phương thức chăn nuôi, đặc thù chăn nuôi chó, mèo là chăn nuôi trong các hộ dân với mục đích nuôi nuôi làm cảnh, nuôi đê trông giữ nhà, nhiều hộ nuôi làm kinh tế, nuôi lấy thịt vì vậy số lượng nuôi thông thường từ 1 đến 3 con. Với phương thức này nên công tác giám sát dịch bệnh và công tác truyền thông để nâng cao nhận thức của người dân trong việc khai báo với chính quyền và quản lý chó, mèo không được thả rông hay phải đeo rọ mõm khi mang ra nơi công cộng gặp không ít khó khăn, bất cập. Mặt khác chăn nuôi chó, mèo ở Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng là chăn nuôi với mục đích giết thịt chiếm tỷ lệ còn khá cao, phong tục ăn thịt chó, mèo của người dân Việt Nam vẫn còn nhiều, thậm trí có người còn coi việc sử dụng thịt chó như một một món ăn ưa thích.

Việc chăn nuôi chó mèo theo phương thực thả rông chiếm tỷ lệ cao, đặc biệt ở các vùng nông thôn, vùng xa đô thị. Trong quá trình nuôi chưa có ý thức đăng ký nuôi chó, số chó nuôi nhiều nhưng đăng ký ít; nơi nào làm tốt việc tuyên truyền thì người dân chỉ đăng ký định kỳ, không đăng ký mới khi phát sinh thêm như việc mua mới hoặc chó, mèo sinh sản tại gia đình. Chưa ý thức được việc nuôi nhốt, xích chó, đeo rọ mõm, nên chất thải được thải ra ngoài môi trường gây ô nhiễm môi trường mất cảnh quan đường làng ngõ xóm nhất là tại các vùng nông thôn. Với chính quyền địa phương một thực trạng đó là nhiều nơi chưa quản lý tốt chó nuôi nhất là chó mới phát sinh, việc quản lý hiện mới chủ yếu là thống kê để thực hiện việc tiêm phòng vác xin dại. Nhiều nơi chưa làm tốt khâu tuyên truyền nên người dân cũng chưa thực hiện nghiêm việc quản lý chó nuôi, chưa tự giác khai báo khi nhập đàn. Việc buôn bán, giết mổ chó mèo gần như tự do chưa có sự quản lý của cấp chính quyền, chưa có quy trình giết mổ chó nên cơ quan Thú y cũng rất khó kiểm tra, quản lý đối với các cơ sở, điểm giết mổ chó trên địa bàn.

Đối với các quận nội thành, các khu chung cư, đô thị, thị trấn hiện nay sơ thích nuôi chó cảnh ngày càng tăng, nhất là các gia đình có điều kiện đã nhập những giống chó có giá trị kinh tế cao. Thực tế những hộ nuôi chó cảnh (thú cưng) thì có ý thức rất tốt trong việc quản lý chó nuôi và tiêm phòng vác xin dại, hơn nữa họ thực hiện tốt việc nuôi nhốt trong khuôn viên gia đình và rất có ý thức trong việc đưa chó ra nơi công cộng, trừ trường hợp cá biệt.

Thực trạng về dịch bệnh Dại, đến nay nhận thức về sự nguy hiểm của bệnh dại của người dân khá cao nhất là ở khu đô thị, những nơi đã xảy ra bệnh dại ở người, thực tế đã có người chết vì bệnh dại. Tuy nhiên bên cạnh đó một thực trạng là nhiều hộ dân vẫn còn chủ quan, lơ là, coi thường việc bị chó cắn, nhiều người chưa thực hiện tốt việc tiêm phòng cho đàn chó mèo. Có rất nhiều lý do để người dân cố tình không tiêm phòng vì vậy một thực trạng là ở đâu không may có người chết về bệnh dại do bị chó cắn thì tỷ lệ tiêm phòng cho đàn chó ở đóngay lập tức tăng nhanh. Những năm  gần đây, hầu như năm nào trên địa bàn thành phố Hà Nội đều có người chết do chó dại cắn.

Tiêm phòng vác xin dại cho đàn chó tại huyện Chương Mỹ

Cụ thể, năm 2016 có 01 trường hợp người chết do chó dại cắn Hoài Đức và 01 trường hợp người chết tại Ba Vì; Năm 2017 có trường hợp 01 người chết do bệnh Dại tại Quốc Oai do chó lạ cắn, ở huyện Ba Vì có 01 trường hợp mắc bệnh dại không rõ nguyên nhân; Ở Bắc Từ Liêm có 05 người bị chó dại cắn nhưng người bị chó cắn đã được tiêm phòng kịp thời, không có người bị tử vong. Điều đáng nói là hầu hết chó cắn người bị dại đều là chó thả rông, chó lạ. Một thực trạng nữa là có những nơi nhiều người nuôi chó làm giết thịt thì việc chấp hành tiêm phòng vác xin dại là chưa triệt để, chưa thực hiện việc tiêm phòng bố sung khi nhập đàn. Người bị chó mèo cắn còn coi nhẹ việc tiêm phòng, tư vấn của y tế, cán bộ thú y.

Trong việc quản lý chó nuôi, trên thực tế hiện nay chính quyền các cấp ở nhiều nơi chưa quyết liệt, cụ thể chưa cương quyết yêu cầu chủ nuôi chỉ nuôi trong khuôn viên gia định, quản lý nuôi xích, nhốt hoặc đeo rọ mõm khi đưa chó ra nơi công công và tổ chức tiêm phòng vắc xin bắt buội cho chó theo quy định; Chưa công khai và chưa có biện pháp xử lý nghiêm các hộ không đăng ký chó nuôi, thả rông chó, không chấp hành tiêm phòng vắc xin Dại cho chó. Chưa thực hiện việc thông tin trên các phương tiện truyền thông của địa phương và niêm yết tại trụ sở của UBND xã, phường, khu dân cư, tổ dân phố đối với các hộ có nuôi chó; Chưa thành lập tổ bắt chó thả rông theo quy định và chưa áp dụng chế tài xử phạt vi phạm hành chính đối với chủ nuôi không chấp hành quy định về quản lý cho nuôi. Vẫn còn quá nhiều việc nể nang chưa coi trọng quyết liệt trong việc quản lý chó nuôi. Chưa xử lý chủ nuôi chó vi phạm Nghị định 90/2017/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y có hiệu lực từ ngày 15/9/2017.

Trước thực trạng và khó khăn trong công tác quản lý và phòng, chống bệnh dại trên đàn chó nuôi, Chi cục Thú y Hà Nội đã có nhiều cố gắng thực hiện các giải pháp để phòng chồng và ngăn chặn bệnh dại. Những năm qua đã thực hiện được nhiều kết quả đáng ghi nhận đó là tham mưu Thành phố hỗ trợ vắc xin dại tiêm phòng cho đàn cho mèo tại các huyện và thị xã. Tham mưu cho UBND Thành phố kế hoạch thực hiện Chương trình quốc gia khống chế và tiến tới loại trừ bệnh Dại trên địa bàn Thành phố Hà Nội giai đoạn 2017- 2021. Chỉ đạo hệ thống mạng lưới thú y cơ sở giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên đàn chó, phát hiện và xử lý kịp thời theo quy định. Hàng năm chỉ đạo các đơn vị tham mưu cho chính quyền địa phương quản lý và tổ chức thống kê tổng đàn chó mèo, theo dõi rà soát biến động đàn chó, mèo trên địa bàn. Chỉ đạo hệ thống thú y cơ sở giám sát tại thôn, xóm, hộ chăn nuôi. Hướng dẫn lập sổ sách theo dõi số lượng chó, mèo từng hộ gia đình. Kiểm dịch, kiểm soát vận chuyển chó mèo, các điểm kinh doanh chó mèo, thịt chó mèo theo đúng quy định. Thông tin phối hợp giữa y tế và thú y, thông báo của người dân về các trường hợp chó cắn người, người mắc dại. Trong trường hợp cần thiết lấy mẫu gửi xét nghiệm, đồng thời thực hiện tốt việc thông tin báo cáo kịp thời.

Tiêm phòng vác xin dại cho đàn chó tại Quận Đống Đa

Công tác tiêm phòng vác xin dại, hàng năm giao chỉ tiêu tiêm phòng và chỉ đạo các đơn vị triển khai tiêm phòng đại trà vắc xin Dại cho đàn chó mèo vào tháng 3 - 4 hàng năm và tiêm bổ sung vào các tháng còn lại. Cụ thể năm 2016 tiêm 418.383lượt con, đạt 95% so tổng đàn; năm 2017 tiêm phòng 393.462 lượt con, đạt 93,3% so tổng đàn;

Giải pháp thời gian tới mà ngành Thú y tham mưu Thành phố triển khai việc quản lý chó nuôi và phòng chống bệnh dại đó là tập trung tập huấn, thông tin tuyên truyền, nâng cao kiến thức chuyên môn nghiệp vụ cho mạng lưới thú y, chú trọng các dịch bệnh nguy hiểm, đặc biệt là bệnh Dại trên đàn chó, mèo. Chỉ đạo các đơn vị tham mưu cho UBND quận, huyện, thị xã tổ chức thông tin tuyên truyền về phòng, chống dịch bệnh Dại động vật, nhằm nâng cao nhận thức của người dân về bệnh Dại. Phối hợp với y tế trong thông tin dịch bệnh, xử lý ổ dịch, tập huấn phổ biến kiến thức cho thú y, y tế cơ sở và người dân tại các quận, huyện, thị xã. Phối hợp với các cơ quan truyền thanh, truyền hình thông tin tuyên truyền tính chất nguy hiểm của bệnh dại và biện pháp phòng chống hiệu quả. Tham mưu UBND thành ban hành kế hoạch thực hiện chương trình quốc gia khống chế và tiến tới loại trừ bệnh Dại trên địa bàn Thành phố Hà Nội giai đoạn 2017- 2021. Các văn bản chỉ đạo chính quyền địa phương vào cuộc, quyết liệt có biện pháp quản lý chó mèo, cấm thả rông, tiêm phòng triệt để, xử phạt vi phạm. Phối hợp với nhóm công dân Pháp thực hiện Chương trình công tác ngăn chặn tình việc buôn bán thịt chó, mèo tại Hà Nội. Nâng cao năng lực cho cán bộ thú y cơ sở, cán bộ các phòng khám trên địa bàn để quản lý tốt đàn chó nuôi trên địa bàn trong thời gian tới.

Chắc chắn với những giải pháp trên được sự quan tâm chỉ đạo đồng bộ của các cấp, các ngành, sự đồng thuận của người dân công tác quản lý chó nuôi tại Hà Nội tiếp tục có chuyển biến tích cực góp phần đảm bảo an sinh xã hội.

Tác giả: Ông Nguyễn Ngọc Sơn
Chi cục trưởng - Chi cục Thú y Hà Nội
Theo Báo ĐSTD

Từ khóa: