Sự kiện hot
4 năm trước

Ai sẽ "cầm trịch" tại Cao su Sao Vàng?

Hoành Sơn đang đưa người vào nắm các vị trí chủ chốt tại Cao su Sao Vàng sau thương vụ thoái vốn có nhiều điểm bất thường của Vinachem hồi tháng 6 năm nay.

CTCP Cao su Sao Vàng (Mã: SRC) mới đây cho biết, HĐQT công ty đã họp và thống nhất thông qua Quyết định về việc bầu ông Phạm Hoành Sơn thay ông Lâm Thái Dương giữ chức Chủ tịch HĐQT công ty nhiệm kì 2016-2021. Quyết định chính thức có hiệu lực từ ngày kí.

"Lùm xùm" miễn nhiệm đại diện Vinachem

Tại tài liệu bổ sung ĐHĐCĐ bất thường lần 1 năm 2019 có liên quan đến việc miễn nhiệm và đề cử nhân sự vào HĐQT nhiệm kì 2016-2021, nhóm cổ đông sở hữu 36% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết gồm các ông Lâm Thái Dương, Nguyễn Việt Hùng và Nguyễn Thanh Tùng đề cử ông Nguyễn Thanh Tùng tiếp tục giữ vị trí thành viên HĐQT Cao Su Sao Vàng.

Ông Nguyễn Thanh Tùng là cán bộ lâu năm, gia nhập Cao Su Sao Vàng từ tháng 5/1995 và trở thành Thành viên HĐQT kể từ tháng 4/2016. Ông là người được ủy quyền đại diện phần vốn góp của Vinachem.

Đất vàng của SRC tại 231 Nguyễn Trãi (Ảnh: BM)
Đất vàng của SRC tại 231 Nguyễn Trãi.

Thế nhưng, điều này không được nhóm cổ đông lớn tại Cao Su Sao Vàng đồng ý. Cụ thể, cổ đông Nguyễn Tiến Ngọc, người nắm gần 1,75 triệu cp SRC, tương đương 6,22% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết đề nghị ĐHĐCĐ xem xét miễn nhiệm tư cách thành viên HĐQT đối với ông Nguyễn Thanh Tùng.

Theo vị cổ đông này, việc miễn nhiệm như đề nghị nêu trên nhằm đảm bảo quyền lợi cho các cổ đông ngoài Nhà nước tham gia vào quản lí doanh nghiệp bởi lẽ tỉ lệ sở hữu của Nhà nước đã thay đổi từ ngày 26/6/2019, sau khi Vinachem đấu giá bán 15% cổ phần ra bên ngoài.

Song song với đề xuất miễn nhiệm ông Nguyễn Thanh Tùng, ông Nguyễn Tiến Ngọc đề cử ông Phạm Hoành Sơn - Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn Hoành Sơn vào HĐQT Cao Su Sao Vàng.

Hiện HĐQT Cao Su Sao Vàng bao gồm 7 thành viên. Trong đó, nhóm cổ đông liên quan đến Hoành Sơn giữ 2/7 ghế. 

Cuộc họp HĐQT Cao su Sao Vàng diễn ra vào ngày 28/12, ngay sau khi công ty tổ chức họp ĐHĐCĐ bất thường năm 2019 diễn ra vào ngày 16/12. Tại cuộc họp này, ông Phạm Hoành Sơn đã vượt qua ông Phạm Thanh Tùng, một cán bộ thâm niên tại Cao Su Sao Vàng với tỉ lệ 55,74%/44,19% số cổ phần có quyền biểu quyết để vào HĐQT. Như vậy, việc đề cử ông Phạm Hoành Sơn thay ông Nguyễn Thanh Tùng được thông qua, nhóm này đã nắm hơn 3/7 ghế trong HĐQT.

Trở lại nhóm cổ đông mới của Sao su Sao Vàng, ngày 4/6, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) đã giảm tỉ lệ sở hữu tại Cao Su Sao Vàng từ 51% xuống 36% sau khi bán đấu giá thành công hơn 4.2 triệu cp SRC mà bên mua được cho là đến từ nhóm cổ đông liên quan đến Tập đoàn Hoành Sơn do ông ông Phạm Hoành Sơn làm Chủ tịch.

Nhóm Hoành Sơn cầm trịch cuộc chơi?

Ông Phạm Hoành Sơn giữ ghế Chủ tịch HĐQT SRC từ 28/12/2019.
Đất vàng của SRC tại 231 Nguyễn Trãi.

Ông Phạm Hoành Sơn sinh năm 1972 tại Hà Tĩnh, hiện ông này cũng đang giữ chức Chủ tịch HĐQT của CTCP Dầu khí đầu tư khai thác cảng Phước An, Chủ tịch CTCP Đầu tư và phát triển Vũng Áng, Chủ tịch HĐTV kiêm Tổng giám đốc Công ty TNHH Sao Vàng – Hoành Sơn.

Với việc ông Phạm Hoành Sơn trở thành chủ tịch Công ty, nhiều khả năng SRC sẽ tập trung đẩy nhanh việc khai thác quỹ đất vàng của công ty trong giai đoạn tiếp theo.

Mối quan hệ giữa Cao Su Sao Vàng và Hoành Sơn bắt nguồn từ hợp đồng hợp tác đầu tư khu đất 62,438 m2 tại số 231 Nguyễn Trãi, Hà Nội vào giữa tháng 6/2016 khi cả hai cùng thành lập Công ty TNHH Sao Vàng - Hoành Sơn với vốn điều lệ 100 tỉ đồng để xây dựng dự án Tổ hợp Thương mại và Nhà ở Sao Vàng - Hoành Sơn ở khu đất nói trên.

Trong đó, SRC góp 26% vốn, số vốn này được Tập đoàn Hoành Sơn cho SRC vay với lãi suất 0%/năm, thời gian 36 tháng. Hết thời hạn vay, SRC sẽ chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp cho Tập đoàn Hoành Sơn.

Ngoài ra, Hoành Sơn sẽ hỗ trợ 435 tỉ đồng (chưa bao gồm thuế) cho Cao Su Sao Vàng di dời nhà máy về khu công nghiệp Châu Sơn, Hà Nam. Kinh phí này được chia thành 4 lần chuyển tiền, thực hiện trong thời gian 2016-2018.

Tính đến ngày 31/12/2018 , Hoành Sơn đã chuyển hai đợt cho Cao Su Sao Vàng với tổng số tiền 143,5 tỉ đồng. Đồng thời, dự án vẫn đang trong giai đoạn hoàn thiện thủ tục pháp lí.

Theo Báo cáo thường niên 2018, vốn điều lệ của Sao Vàng - Hoành Sơn là 500 tỉ đồng, Hoành Sơn sở hữu 44,59%, Cao Su Sao Vàng 26% và Công ty TNHH Đầu tư Bất động sản Hưng Thịnh Phát 29,41%.

Bản công bố thông tin trước đợt thoái vốn của Vinachem hồi đầu tháng 6 năm nay cho biết, SRC có quỹ đất sản xuất kinh doanh, thương mại, khu công nghiệp khá lớn tại nhiều vị trí đắc địa. Đáng chú ý nhất là khu đất 2.438 m2 tại số 231 Nguyễn Trãi nói trên.

Với đất trả tiền thuê hàng năm, SRC đang sở hữu 31.644 m2 tại TP Thái Bình; 84.735 m2 tại 3 khu vực thuộc TP Phúc Yên, Vĩnh Phúc; 2.699 m2 tại quận Thanh Xuân, Hà Nội.

Với đất trả tiền một lần, SRC có 43 m2 làm văn phòng tại quận 1, TP HCM; 2.475 m2 tại huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng.

Ngoài ra, SRC còn 212.538 m2 đất khu công nghiệp tại Khu công nghiệp Châu Sơn, Hà Nam. Đây là lô được SRC ký hợp đồng thuê với Công ty TNHH MTV VPID Hà Nam từ tháng 7/2016 trong thời gian 40 năm (2016 - 2056) để xây dựng nhà máy mới. Số tiền thuê đất (chưa thuế GTGT) vào khoảng 173,4 tỉ đồng.

Nha Trang
Theo Diễn đàn Doanh nghiệp

Từ khóa: