Sự kiện hot
7 năm trước

Anh nông dân trồng hoa và bí quyết nuôi cầy hương cho thu nhập trên 300 triệu đồng/năm

Chỉ với 6 con cầy hương bố mẹ, sau 5 năm tận tụy chăm sóc, hiện ông Phan Thanh Long đã gây được trại cầy hương gần 100 con, mỗi năm cho thu nhập trên 300 triệu đồng.

Tại tôi thích…

Ông Phan Thanh Long đã lai giống nhân tạo giống cầy vòi hương. Ảnh: Khải An

Xuất thân tại vùng đất nông nghiệp chuyên canh tác hoa màu, đặc biệt là cúc chưng tết tại xã Ninh Giang, huyện Ninh Hòa – Khánh Hòa và gia đình có diện tích tương đối lớn để trồng hoa nhưng anh Phan Thanh Long (SN 1976) lại có duyên với việc gây giống và nuôi thương phẩm nhiều loài động vật có giá trị kinh tế cao.

Không như nhiều nông dân được đào tạo chính quy hay gia đình có truyền thống chăn nuôi, mọi việc đến với anh Long đều bắt đầu từ đam mê.

Anh cười hiền cho biết: “Tại tôi thích nuôi con này con kia nên hễ nghe đâu thử nghiệm nuôi giống gì tôi cũng tìm tòi nuôi thử nghiệm".

Đầu tiên, anh 'bén duyên' với con rắn mối, rồi đến kỳ tôm, nhum đen, dúi… Nuôi con nào anh cũng cho con bố mẹ sinh sản và gây thành đàn lớn.

“Khi thấy người miền Nam có phong trào nuôi rắn mối tôi cũng “câu” rắn mối tự nhiên về nuôi thử và gầy được đàn lớn nhưng đầu ra không có nên tôi bỏ.

Sau mua nhum đen (một giống gặm nhấm to hơn chuột cống) cũng cho sinh sản thành đàn lớn thì được các anh bên Hội nông dân và chính quyền địa phương kêu hủy đàn do đây là giống ngoại lai.

Rồi tôi nuôi dúi và kỳ tôm đều sinh sản tốt và phát triển nhanh nhưng vẫn bị vướng đầu ra. Đặc biệt, với con kỳ tôm tôi còn được tỉnh trao giải khuyến khích về Kỹ thuật nhân giống nhân tạo cho kỳ tôm”, anh Long kể.

Mỗi con cầy mẹ, ông Long cho đẻ 2 -3 lứa năm, mỗi lứa từ 2 -5 con. Ảnh: Khải An

Sau nhiều lần thành công trong việc cho con giống đẻ và nuôi thương phẩm nhưng đầu ra không ổn định, bên cạnh đó là việc chăm sóc các giống vật nuôi trên làm ông mất khá nhiều thời gian để chăm sóc hoa màu nên công việc không đạt năng suất cao, ông chuyển hướng giống nuôi mới.

Ông Long bắt đầu lên mạng tìm những giống mới trên internet và báo đài. Đọc các tài liệu về cầy vòi hương (cầy hương), ông như bắt được vàng vì đây là con vật có giá trị kinh tế cao nhưng việc chăm sóc khá đơn giản và không mất nhiều diện tích.

Tay ngang lãnh giải

Sau khi tham khảo nhiều nguồn, ông Long bỏ hơn chục triệu đồng để mua 4 con cầy hương giống về gây đàn nhưng những con giống này không sinh sản. Không từ bỏ, ông bỏ thêm 30 triệu đồng để mua thêm 4 con cái và 2 con đực từ các trại nuôi cầy hương thương phẩm.

Sau một thời gian nắm tập tính cầy hương, ông tác nuôi riêng lẻ, mỗi con một chuồng. Ảnh: Khải An

Thấy ông Long bế tắc khi tìm đầu ra cho nhiều giống trước đó, nay lại thấy ông đầu tư một số tiền lớn cho con vật “không giống chó – không giống mèo” nên gia đình can ngăn. Dẫu vậy, ông Phan Thanh Long vẫn vững tin và quyết tâm theo đuổi con cầy hương.

“Thời điểm đó khoảng giữa năm 2012, mọi việc thật sự khó khăn khi tôi bắt đầu với con cầy hương. Ngay cả khi lứa con giống thứ 2 cho sinh sản, con non cũng bị chết nhiều.

Một số bị rớt chết vì sàn thưa, số khác bị chính con mẹ cắn chết, rồi bản thân chưa quen chăm sóc con non nên chúng chậm lớn hoặc chết nhưng chính những khó khăn buổi đầu đã giúp tôi rút ra khá nhiều kinh nghiệm”, ông Long nói với giọng vững tin.

Hiện trại cầy hương của ông Long có hơn 20 con bố mẹ, mỗi năm cho sinh sản khoảng 70 con. Với đàn cầy hương gần 100 con, với giá bán thương phẩm 1,4 – 1,5 triệu đồng/kg, mỗi năm trừ các khoản chi phí ông Long lời khoản 300 triệu đồng.

Với những con non, ông chăm chúng như em bé và phải cho bú thêm sữa tươi để chúng có đủ dinh dưỡng. Ảnh: Khải An

“Nuôi cầy hương không cực, cứ chiều tối cho chúng ăn cháo trắng hoặc cháo cá và bổ sung thêm chuối. Giống này thường bệnh đường ruột nhưng mình chủ động cho ăn đồ chín nên đã loại bỏ khả năng bệnh tật. Con non mới sinh nhỏ bằng ngón chân cái người lớn nuôi khoảng 8 -10 tháng có thể đạt trên 2kg để xuất bán”, ông Long cho biết.

Nói thêm về việc nuôi cầy hương, ông Long khẳng định, khâu khó nhất là giúp con đực và cái giao phối. Để tránh di chuyển con bố mẹ, ông Long đã làm chuồng hai ngăn, chỉ cần kéo khung chắn là con bố mẹ có thể gặp nhau để phối giống.

“Giống này sống đơn lẻ nên nhốt chung là cắn nhau. Thường cho chúng giao phối 2- 3 ngày là tách riêng. Con non cũng vậy cho ở với mẹ khoảng 1 - 1,5 tháng (đến khi chúng bỏ bú) là tách riêng không con mẹ cắn chết”, người nông dân mê chăn nuôi bật mí.

Hiện ông Long đang cho đàn cầy hương ăn cà phê để lấy cà phê chồn. Bước đầu đã mang lại sự thành công ngoài mong đợi. "Tôi chưa nhân rộng mô hình cà phề chồn, chỉ làm thử để sử dụng và biếu người thân nhưng thấy hiệu quả cao. Dự định, mùa cà phê này tôi sẽ mở rộng để tăng thêm thu nhập", ông Long phần khởi. Ảnh: Khải An

Với niềm đam mê và một chút mát tay, ông Phan Thanh Long vừa được Liên hiệp các hội Khoa học – Kỹ thuật tỉnh Khánh Hòa trao giải Khuyến khích về Kỹ thuật sinh sản nhân tạo giống cầy vòi hương.

Khi nói về giải thưởng của mình, ông cười sản khoái cho biết đó là niềm vui vì sự nỗ lực của ông đã được ghi nhận và ông mong muốn chia sẻ kinh nghiệm của mình cho những ai quan tâm đến cầy hương.

Khải An
Theo ĐSPL, Vietnammoi

Từ khóa: