Sự kiện hot
11 năm trước

Áp lực tăng giá mạnh 4 tháng cuối năm

Trao đổi với PV Báo Thanh tra, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội Vũ Vinh Phú cho biết: Nhìn lại tháng 6, 7, 8 năm 2013, nhiều mặt hàng đã tăng giá. Còn lại 4 tháng thì áp lực tăng giá cuối năm cũng rất mạnh.

Trao đổi với PV Báo Thanh tra, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội Vũ Vinh Phú cho biết: Nhìn lại tháng 6, 7, 8 năm 2013, nhiều mặt hàng đã tăng giá. Còn lại 4 tháng thì áp lực tăng giá cuối năm cũng rất mạnh.


Ông Vũ Vinh Phú. Ảnh: Tràng An

+ Ông nghĩ gì khi CPI tăng mạnh trở lại?

- Việc giải ngân nhiều nguồn vốn cuối năm có thể kích thích sản xuất và tăng trưởng. Đây là tín hiệu vui, đáng mừng nhất là khi theo dự báo của các tổ chức tiền tệ thế giới thì Việt Nam có thể tăng trưởng 5,2% trong năm nay. Còn lạm phát thì chưa thể lường trước được, thậm chí có thể lên tới 7 - 8% nếu không giữ tốt. Như vậy, các dấu hiệu tăng giá các mặt hàng tiêu dùng cũng như chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đang khiến chúng ta vừa mừng, vừa lo.

Theo ông Vũ Vinh Phú: Hiện các siêu thị trong hệ thống siêu thị đã xác nhận tăng giá một số nhóm mặt hàng từ 2 - 15%. Các mặt hàng khác thì đang tăng giá theo kiểu thế mạnh.

Hiệp hội Siêu thị Hà Nội đang và sẽ đàm phán, cộng đồng đàm phán về việc tăng giá chứ không phải đàm phán kiểu riêng lẻ từng siêu thị. Nếu không sẽ xảy ra tình trạng siêu thị lớn ép nhà cung ứng, siêu thị nhỏ bị nhà cung ứng ép, cuối cùng đổ đầu người tiêu dùng.

Theo tôi, lo nhiều hơn mừng bởi vì cộng với việc tăng giá hàng loạt mặt hàng còn vấp phải tăng giá tâm lý. Ví dụ, người bán nước trà sau khi nghe được thông tin tăng giá đã tăng giá cốc nước trà từ 2.000 đồng lên 3.000 đồng. Nhiều chủ nhà trọ cũng đồng loạt tăng giá tiền nước, có nơi lên tới 15.000 đồng/m3 hoặc 100.000 đồng/người/tháng, tăng tiền điện từ 3.000 lên 5000 đồng/số với tâm lý "té nước theo mưa"... Tất cả áp lực tăng giá này đẩy vào chi phí sản xuất và lưu thông, khiến nhiều mặt hàng khó tránh khỏi việc tăng giá. Và, một mặt bằng giá mới đã và đang hình thành.

+ CPI đã phản ánh toàn diện về giá tiêu dùng hay chưa, thưa ông?

- Vấn đề quan trọng mà tôi muốn đề cập tới là việc điều tra, thống kê 500 mặt hàng để làm nên CPI chưa phản ánh hết sức tiêu dùng, đặc biệt là một bộ phận người nghèo, người thu nhập thấp. Bởi đây cũng là đối tượng chịu nhiều áp lực của việc tăng giá cần quan tâm nhìn nhận hơn.

Một yếu tố nữa có thể xâm lấn vào giá cả mà ít người biết và để ý tới. Đó là việc các doanh nghiệp sản xuất giảm lượng nhưng lại giữ giá. Như vậy, thực chất là ngầm tăng giá mà sự thống kê CPI của Tổng cục Thống kê không thống kê được.

Cùng với đó là gian lận thương mại, hàng giả, hàng kém phẩm chất... rẻ mà thành đắt, không dùng được.

 Tóm lại, 500 mặt hàng của Tổng cục Thống kê không thể hiện hết CPI mà thực tế CPI của nó tác động ghê gớm vào cuộc sống, đặc biệt là áp lực tăng giá. Chính vì thế, thu nhập trên danh nghĩa của công chức, viên chức, người lao động được tăng lên theo tăng lương nhưng giá đã “chạy” nhanh hơn. Thu nhập của người lao động, đặc biệt là thu nhập người nghèo suy giảm mà CPI phải đi sâu vào ngóc ngách của cuộc sống của họ để tìm ra giải pháp điều chỉnh.

+ Ông có đề xuất những giải pháp gì để ổn định giá tiêu dùng, góp phần kiềm chế lạm phát?


Giá cả tiêu dùng cần sự giám sát, đàm phán của các cơ quan chức năng để không tăng giá vô lý. Ảnh: Tràng An

- Việc tăng giá là khó tránh khỏi, nhất là khi nhiều chi phí đầu vào của ta phụ thuộc vào thế giới. Tuy nhiên, ở các nước phát triển, việc tăng giá phải có lộ trình. Ví dụ, từ nay đến mốc 1, 2 năm tới tăng mấy lần, mỗi lần tăng bao nhiêu % để có cơ sở cho các nhà máy, xí nghiệp, doanh nghiệp tính toán vào từng sản phẩm sản xuất, kí hợp đồng xuất khẩu, tiêu dùng nội địa hợp lý, để minh bạch, công khai. Tuy nhiên, một số mặt hàng độc quyền của ta còn tăng nhiều, giảm ít, tăng nhanh, giảm chậm... cần việc chỉ đạo, điều tiết của Nhà nước. Nếu không, người tiêu dùng là người chịu thiệt cuối cùng.

Để giá cả hợp lý đến tay người tiêu dùng cần cái tâm của nhà sản xuất, thương mại đừng sản xuất ăn bớt, lồng các sản phẩm độc hại và vống giá lên. Nhà thương mại kí kết hợp đồng cho chặt chẽ, tránh chuyển giá, nộp thuế và các nghĩa vụ khác cho Nhà nước.

Về vĩ mô, cần tái cơ cấu nền kinh tế, phân bổ lại nguồn lực cho hợp lý và hiệu quả, giảm bớt tham nhũng, phân bố lợi nhuận cho các khâu công tác đồng đều. Cùng với đó, đẩy năng suất lao động, đưa khoa học công nghệ vào sản xuất lưu thông và tăng dự trữ quốc gia (đặc biệt là các mặt hàng thiết yếu)...

Tăng cường quản lý, bình ổn giá những tháng cuối năm    

Bộ Tài chính vừa có văn bản đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quan tâm chỉ đạo thực hiện ngay các biện pháp nhằm tiếp tục tăng cường quản lý, bình ổn thị trường giá cả, kiềm chế lạm phát những tháng cuối năm 2013.

Tiếp tục kiên định mục tiêu, chỉ tiêu đã đề ra từ đầu năm, nhất quán mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, đồng thời triển khai quyết liệt các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh theo Nghị quyết số 01/NQ-CP, số 02/NQ-CP ngày 7/1/2013, Nghị quyết các phiên họp thường kỳ của Chính phủ và các văn bản chỉ đạo liên quan.

Theo dõi sát tình hình giá cả thị trường và diễn biến CPI tại địa phương, kịp thời có biện pháp bình ổn giá theo quy định của pháp luật nhằm bình ổn thị trường, giá cả, kiềm chế tốc độ tăng CPI của địa phương; đồng thời tiếp tục chỉ đạo tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành quy định của pháp luật về giá, thuế, phí trên địa bàn; xử lý nghiêm những đơn vị, cá nhân có hành vi vi phạm, lợi dụng thời gian cao điểm để tăng giá, phí tùy tiện, trái pháp luật hoặc tăng giá dây chuyền khi yếu tố hình thành giá không có biến động lớn.

Kiểm soát chặt chẽ phương án giá và mức giá đối với hàng hoá, dịch vụ do Nhà nước định giá; hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước đặt hàng giao kế hoạch; hàng hóa, dịch vụ được mua sắm từ nguồn ngân sách địa phương; hàng hóa, dịch vụ còn được trợ cước, trợ giá theo thẩm quyền; đánh giá kỹ tác động của việc điều chỉnh giá (nếu có) đến tình hình kinh tế xã hội và CPI của địa phương, tránh điều chỉnh vào cùng một thời điểm đẩy CPI tăng cao.

Thành An
theo Thanh tra

Từ khóa: