Sự kiện hot
3 năm trước

Bắc Kạn: Định hướng phát triển cây chè trở thành ngành hàng cấp tỉnh

Cây chè cho năng suất, sản lượng tương đối ổn định, có giá trị kinh tế cao, tạo việc làm ổn định cũng như thu nhập cho người lao động. Với ưu thế là một cây trồng dễ khai thác, nguồn sản phẩm đang có nhu cầu tiêu dùng trong và ngoài tỉnh cao nên cây chè đang được coi là cây trồng mũi nhọn, thế mạnh của một số huyện như Ba Bể, Chợ Đồn và Chợ Mới của tỉnh Bắc Kạn. Trước triển vọng kinh tế của cây chè, tỉnh Bắc Kạn tiếp tục định hướng phát triển cây chè trở thành ngành hàng cấp tỉnh.

Cây chè được trồng tại xã Mỹ Phương (Ba Bể, Bắc Kạn)

Toàn tỉnh Bắc Kạn hiện có trên 2.200ha chè các loại, tập trung ở 03 huyện Chợ Đồn, Chợ Mới, Ba Bể, trong đó, sản lượng hơn 9.000 tấn búp tươi/năm. Chè Bắc Kạn được phân định 2 loại khác biệt đó là: Chè Shan tuyết cổ thụ được trồng trên núi cao tại xã Bằng Phúc (Chợ Đồn) và xã Yên Hân, Yên Cư (Chợ Mới); Chè trung du được trồng đại trà ở các xã Mỹ Phương, Chu Hương (Ba Bể), Như Cố, Quảng Chu (Chợ Mới).

Riêng chè Shan tuyết Bằng Phúc đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp Giấy chứng nhận Nhãn hiệu tập thể năm 2018. Đây là thương hiệu chè đặc sản của Bắc Kạn được người tiêu dùng ưa thích. Đối với cây chè Shan tuyết cổ thụ, do đặc điểm mọc ở núi cao, vùng khí hậu mát mẻ quanh năm nên chất lượng luôn được khẳng định.

Nhiều sản phẩm chè của tỉnh đã được công nhận là sản phẩm OCOP như: Chè Shan tuyết cổ thụ, chè Shan tuyết cổ thụ túi lọc của HTX nông nghiệp Tát Vạ, xã Yên Hân; chè Shan tuyết Khau Mu của HTX nông nghiệp Thái Lạo, xã Yên Cư; chè Matcha Shan tuyết của Công ty TNHH Phát triển nông nghiệp và Chế biến dược liệu Ngọc Thắng; chè Shan tuyết của HTX Hồng Hà, xã Bằng Phúc…

Theo Kế hoạch Phát triển chế biến sản phẩm chè trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn được UBND tỉnh ban hành cuối năm 2020, Bắc Kạn đề ra mục tiêu phấn đấu đến hết năm 2025, tổng diện tích trồng chè đạt 2.500 ha.

Trong đó, diện tích chè trung du 1.500 ha, sản lượng đạt 9.500 tấn; diện tích chè Shan tuyết 1.000 ha, sản lượng đạt 2.500 tấn chè búp tươi; diện tích trồng mới (chè Shan tuyết) là 453 ha; hằng năm, cải tạo, thâm canh tăng năng suất toàn bộ diện tích chè nhằm đảm bảo sản lượng thu hoạch 12.000 tấn; diện tích đạt các tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm là 2.500 ha và có nhãn mác, bao bì sản phẩm; diện tích được chứng nhận VietGAP là 750 ha và truy xuất được nguồn gốc.

Để thực hiện được mục tiêu trên, tỉnh Bắc Kạn xác định phải xây dựng được vùng nguyên liệu, nâng cao chất lượng sản phẩm chè. Cụ thể, thực hiện các giải pháp như áp dụng tiến bộ khoa học, công nghệ cao, sản xuất bền vững, sản xuất theo quy trình an toàn thực phẩm, VietGAP...; tăng hiệu suất sử dụng phân bón, giảm thuốc bảo vệ thực vật, vật tư nông nghiệp nhằm giảm chi phí, tăng năng suất, chất lượng, an toàn thực phẩm, giảm phát thải, bảo vệ môi trường; phát triển các cơ sở chế biến, củng cố các hợp tác xã, tổ hợp tác sản xuất chè.

Để đạt được mục tiêu đề ra, hiện nay, ngành chức năng và các địa phương đang tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền chủ trương, chính sách của tỉnh liên quan đến về phát triển các sản phẩm chè và dong riềng. Triển khai các giải pháp để phát triển vùng sản xuất nguyên liệu, công nghệ chế biến, xây dựng và quản lý thương hiệu chè. Cùng với đó là tích cực quảng bá, xúc tiến thương mại và thực hiện có hiệu quả các chính sách hiện có để hỗ trợ cho người sản xuất tham gia đầu tư sản xuất, chế biến sản phẩm chè.

Ngoài ra, giai đoạn 2019 - 2021, Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp với Viện Khoa học Nông lâm nghiệp miền núi phía Bắc triển khai Dự án “Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật cải tạo và phát triển vùng sản xuất chè hàng hóa tại tỉnh Bắc Kạn” nhằm nâng cao năng suất, chất lượng cây chè, giúp người dân ổn định sản xuất và tăng thu nhập.

Theo đó, dự án “Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật cải tạo và phát triển vùng sản xuất chè hàng hóa tại tỉnh Bắc Kạn” được triển khai tại hai huyện Chợ Mới và Ba Bể với 20ha chè thực hiện thâm canh, cải tạo; 12ha trồng mới theo hướng VietGAP và hữu cơ.

Đến nay, các vùng trồng chè ở Ba Bể và Chợ Mới đã từng bước thâm canh, cải tạo, quy trình sản xuất sử dụng phân bón vi sinh, hữu cơ. Các vùng chè đều có HTX làm chủ thể để quản lý, dẫn dắt việc thực hiện đúng quy trình sản xuất, chế biến nhằm đảm bảo chất lượng ổn định. Từ những bước đi có kế hoạch chiều sâu, tỉnh Bắc Kạn đang tập trung nguồn lực để đẩy mạnh phát triển vùng nguyên liệu, sản xuất, chế biến, đồng thời khuyến khích các cơ sở sản xuất đầu tư về mẫu mã, bao bì sản phẩm, tăng cường xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại, nỗ lực xây dựng thương hiệu chè địa phương.

Tại huyện Ba Bể, dự án triển khai thực hiện thâm canh cải tạo 10ha chè và trồng mới 7ha giống chè mới Kim Tuyên, VH8 theo hướng VietGAP, hữu cơ tại xã Mỹ Phương từ tháng 3/2019. Các hộ dân được hỗ trợ kỹ thuật cải tạo giống chè trồng bằng hạt trước đây một cách đồng bộ, quy củ hơn; tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hái, chế biến; hỗ trợ máy móc hoàn thiện quy trình chế biến chè xanh truyền thống đảm bảo nâng cao giá trị; chuyển giao 02 công nghệ chế biến sản phẩm mới là chè Ngân Kim và chè sợi cao cấp; đào tạo kỹ thuật cho 5 thành viên HTX Mỹ Phương và 150 lượt hộ dân trên địa bàn xã.

Sau hơn 2 năm triển khai thực hiện ứng dụng tiến bộ kỹ thuật cải tạo và phát triển vùng sản xuất chè hàng hóa ở Ba Bể đã đem lại hiệu quả cao. Những diện tích trồng mới đang bước vào giai đoạn kiến thiết cơ bản và bước đầu cho sản phẩm chất lượng tốt. Đối với diện tích cải tạo, thâm canh đã tăng đáng kể về chất lượng và sản lượng.

Xã Mỹ Phương hiện có diện tích chè lớn nhất huyện Ba Bể, khoảng 400ha. Đây là cây trồng chủ lực, giúp người dân địa phương nâng cao thu nhập. Vì vậy, việc thực hiện cải tạo, thâm canh và trồng mới theo hướng VietGAP, hữu cơ đã giúp các hộ trồng chè tiếp cận với kỹ thuật canh tác mới, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị kinh tế và khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của cây chè địa phương.

Nếu như trước đây người dân ở đây chỉ canh tác theo truyền thống, không cắt tỉa, phát triển tự nhiên nên năng suất không cao thì nay được hướng dẫn khoa học kỹ thuật từ khâu trồng, chăm sóc, bón phân, cắt tỉa tạo tán nên năng suất, chất lượng tăng từ 5 - 6 lần. Thực hiện hái tỉa, ít nhất mỗi tháng người dân thu hái chè được 02 lần, với diện tích chè chăm sóc tốt thì có thể thu hái 3 lần/tháng; một năm bình quân được thu chè trong khoảng 11 tháng. Đối với diện tích 5.000m2 trồng chè, người dân có thu nhập 6 triệu/tháng, trong đó hai giống chè mới là Kim Tuyên và VH8 được đánh giá cao về năng suất, chất lượng.

Còn tại huyện Chợ Mới, để phát triển sản phẩm chè, huyện Chợ Mới đã tích cực vận dụng chính sách của Trung ương, của tỉnh về phát triển nông nghiệp hàng hóa, huy động nguồn lực đầu tư, chú trọng liên kết, tiếp tục nâng diện tích chè Shan tuyết, đồng thời trồng mới và cải tạo diện tích chè trung du già cỗi, thâm canh theo hướng an toàn thực phẩm, sản xuất VietGAP, xây dựng nhãn hiệu tập thể...

Theo kế hoạch, giai đoạn 2019-2025 huyện Chợ Mới sẽ tập trung trồng thay thế khoảng 200ha giống chè cũ bằng giống chè mới cho năng suất, chất lượng cao, phấn đấu có 200ha được canh tác theo tiêu chuẩn VietGAP. Với những diện tích chè Shan tuyết ở Yên Cư, Bình Văn, Yên Hân, huyện vận động nhân dân canh tác theo đúng khoa học kỹ thuật, tăng mật độ, đốn tỉa thường xuyên để tăng năng suất. Vận dụng cơ chế hỗ trợ từ Nghị quyết số 08 của HĐND tỉnh để giúp các HTX trồng, chế biến sản phẩm chè đóng gói, xây dựng tem truy xuất nguồn gốc, tham gia các chương trình giới thiệu, quảng bá sản phẩm tại các hội chợ thương mại trong và ngoài tỉnh.

Có thể thấy, thương hiệu chè Bắc Kạn đang ngày càng vươn xa, khẳng định giá trị trên thị trường. Trước triển vọng kinh tế của cây chè, tỉnh Bắc Kạn tiếp tục định hướng phát triển cây chè trở thành ngành hàng cấp tỉnh. Theo đó, phấn đấu đến năm 2025 tạo được vùng nguyên liệu chè hàng hóa với diện tích 2.500ha; 100% sản phẩm chè sản xuất đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm; 30% diện tích chè được cấp chứng nhận VietGAP; 100% sản phẩm chè có nhãn mác, bao bì sản phẩm.

Thanh Tú

Theo KTDU

Từ khóa: